Câu chuyện ở xứ Phú Lang Sa xa xôi, nơi mà “cuộc chiến” chống COVID-19 khốc liệt đang gần như được tiến hành song song với việc “bài trừ” thói quen ra đường để mua… một ổ baguette, mở ra cho chúng ta những suy tư tốt về đóng góp công ích từ mỗi cá nhân.
Không chỉ là một mặt hàng thực phẩm chủ lực, ổ bánh baguette còn mang tính biểu tượng và việc mua nó hàng ngày giống như một “lễ nghi” của người Pháp. Khoảng 120 năm trước ở Paris, họ đã biết đến mùi vị “nhức nhối” khi nướng những chiếc bánh mì có hình thù dài ngoẵng trong lò. Và cho đến tận ngày nay, hàng triệu người Pháp có thể tiêu thụ đến hàng tỷ ổ baguette mỗi năm.
|
Với người Pháp cuộc sống không thể thiếu bánh mì |
Đến là ngạc nhiên, văn hóa ẩm thực vốn tinh tế của Pháp lại tỏ ra khá “dễ dãi” với phong cách ăn cùng với sự xuất hiện của baguette. Thực khách có thể dùng mẩu bánh mì cuối cùng thay cho muỗng nĩa, để vét nốt thức ăn còn thừa trên đĩa mà vẫn không bị ai gièm pha. Ruột bánh xốp có thể được “vô tư” moi ra sử dụng như miếng “bọt biển” thấm nước xốt thịt nấu chín. Biến tấu baguette muối sau này còn đánh thức hương vị của dân tộc sành ăn Pháp, khi họ dùng nó để “chế ngự” hàng trăm loại phô mai cay nồng hay thum thủm nhất. Hoặc cuộc sống hồ như êm đềm hơn, khi ổ bánh mì mang tính biểu tượng xuất hiện trong những bữa ăn gia đình…
Liệt kê như trên để có thể thấy, không bao giờ, không ai có thể tưởng tượng được khi SARS-CoV-2 ập tới, mọi thứ đã bị đảo lộn chóng vánh. Giờ đây, xung quanh “lễ nghi” mua sắm baguette ấy là đầy rẫy những cân nhắc, tự vấn về đạo đức công dân đối với sức khỏe cộng đồng.
Chính phủ Pháp tuyên bố phong tỏa toàn quốc hồi đầu tháng ba. Trường học và các cửa hàng được coi là bán các mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa. Người dân buộc phải ở trong nhà. Số phận các lò bánh mì cũng trở nên đặc biệt. Trong nỗ lực tìm mọi cách cải thiện tình hình, Baker Margot Hazard - chủ một hiệu bánh có dòng chữ viết tay trên cửa sổ “Tối đa ba người bên trong tiệm” - cho hay, với các sản phẩm baguette và bánh ngọt của mình vào thời khắc này, cô cảm thấy như đang cung cấp “một lát bình thường” của cuộc sống trước đây cho khách hàng đang xếp hàng cách nhau hai mét bên ngoài.
Ngoài các biện pháp cách ly, “lễ nghi” baguette đang thực sự khó khăn khi người dân tỏ ra khá lo lắng vấn đề “lây lan qua tiếp xúc” khi chạm tay vào bánh mì trên các giá kệ ở cửa hàng. Nhưng đối với phần đông dân chúng, điều cực kỳ quan trọng là họ vẫn muốn được mua và được ăn món ăn truyền thống này, để giữ cho tinh thần luôn ở mức cân bằng. Bởi tương tự người Việt Nam khi nói về Truyện Kiều, người Pháp vẫn quan niệm rằng cuộc sống nếu không có bánh mì, phô mai và rượu vang thì không còn tiếng Pháp. Chúng ta sẽ thấy những thanh niên sung sướng dường nào sau khi “vất vả” mua được chiếc bánh mì. Họ hấp tấp ngắt một đầu và gặm ngay trên đường phố. Cái khoái cảm đó thậm chí còn có tên riêng của nó là “le quignon” - bánh mì cao lương “hấp dẫn, mê ly và bá cháy”.
Thế nhưng, trong một quốc gia đang bị “lockdown”, văn hóa tốt đẹp từ “một chiếc baguette tươi” đang sản sinh ý tưởng lạm dụng. Dần dần, mọi người đã viện cớ chính đáng “đi mua bánh mì” để được ra khỏi nhà. Tại thị trấn Sanary-sur-Mer, thuộc tỉnh Var miền Đông Nam nước Pháp, đã chính thức có lệnh nhằm ngăn chặn điều này. Bất cứ ai bị phát hiện khi ra khỏi tiệm bánh chỉ với một ổ baguette có nguy cơ bị cảnh sát phạt 135 euro (tương đương 146 USD). Người đứng đầu thị trấn nằm bên bờ Địa Trung Hải này khẳng định, người dân đang lợi dụng việc mua bánh mì như một cái cớ hòng ra ngoài mỗi ngày.
Nhiều người đành “để dành” mỗi tuần ra tiệm bánh một lần. Tuy nhiên, đây không phải là lúc để khách hàng, người làm bánh hay bất cứ ai có thể chiều theo tâm trạng nữa rồi.
Vào thời đại dịch toàn cầu, sự hy sinh đang được kêu gọi. Thoạt trông, việc thay đổi thói quen không còn thoải mái để mỗi sáng làm tách cà phê bên chiếc bánh mì mới nướng dễ chịu, đã như là một sự hy sinh nhỏ của mỗi người. Cao cả hơn, cùng với việc tám giờ tối mỗi ngày ra ban công vỗ tay trong thời COVID-19, việc không mua bánh mì hàng ngày, thay vào đó là ở trong nhà cố gắng giữ gìn sức khỏe, đã trở thành một nghĩa cử toát lên sự liên đới đối với các bác sĩ, nhân viên y tế đang ngày đêm trực chiến căng thẳng với vi-rút, để giành giật từng mạng sống cho từng ca nhiễm .
Ưu tiên hàng đầu là không mắc bệnh. Nhiều người Pháp đã cố gắng lèo lái tình yêu bánh mì trong cơn đại dịch covid-19 bằng cách mua bánh mì online số lượng lớn, rồi cấp đông, ăn dần. Đó sẽ là một lối ẩm thực không bình thường trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai của dân tộc yêu chuộng những điều tự nhiên này. Mạng xã hội kêu gọi dân chúng “rã đông và hâm nóng bánh mì” như là một thỏa hiệp thực tế. Điều đó vẫn tốt hơn nếu không có được ổ baguette nào cả và vẫn duy trì được sự tuân thủ các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
“Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình”, từ xa xưa, cụ Nguyễn Du đã dạy ta có những hương vị nuôi dưỡng tâm hồn. Bánh mì, rượu vang, phô mai của người Pháp cũng hệt như nhu cầu cà phê, bát phở buổi sáng, ly bia lê la buổi chiều ở xứ ta. Qua nay, người dân thành phố, nhất là dân công sở, có vẻ thấy thừa thãi làm sao với “ôi, những giờ nghỉ không quán hàng”; “ôi em tôi, Sài Gòn không buổi tối”…
Thành phố đã ban bố lệnh hàng quán chỉ được duy trì hình thức “giao tận nơi” hoặc “mua mang đi”. Chúng ta ý thức rõ trách nhiệm “ai ở đâu, ở yên đó” của mỗi cá nhân trước đại dịch. Có người bắt đầu bày ra nấu nướng xong “post” hướng dẫn lên mạng; người không biết nấu ăn thì giờ đã tập quen với đặt hàng thức ăn “delivery”; có người còn tạo không gian “terrace” ở một góc nào đó cà phê một mình cập nhật tình hình COVID-19 và tương tác với bạn bè qua mạng…
Đối với số đông, vi-rút corona chủng mới chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, như sốt, ho và sẽ hết sau hai đến ba tuần. Nhưng đối với một số người lớn tuổi và người có bệnh lý nền, nó có thể gây ra biến chứng viêm phổi nặng và tử vong. Hơn bao giờ hết, phần đông dân số trẻ khỏe thôi nghĩ mình đang phải “hy sinh” cho các biện pháp phòng chống dịch như cách ly, hạn chế đi lại, hạn chế tụ tập, thậm chí ngày nào đó là phong tỏa như các nước khác trên thế giới.
Hãy nuôi dưỡng tâm hồn bằng những hương vị, trải nghiệm mới từ cuộc sống đang oằn mình chống chọi từng ngày trước tai ương, không phải bằng tinh thần “hy sinh” đâu. Nó rất đơn giản với người trẻ văn minh: đó chỉ là văn hóa của sự thích nghi vậy!
Quốc Ngọc