Ở nhà cũng hít bụi mịn

16/03/2019 - 06:00

PNO - Trong số các loại bụi, bụi mịn được ví như “sát thủ” thầm lặng bởi chúng không thể nhìn thấy bằng mắt thường và có thể xâm nhập sâu vào các phế nang phổi.

Vậy chúng ta cần làm gì để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình khỏi ô nhiễm bụi?

Hiểu đúng về bụi mịn

Rất nhiều người vẫn vô tư sống trong ô nhiễm bụi mà không hề có động thái nào để hạn chế nhằm bảo vệ sức khỏe. Một số người khác khi nhận ra cuộc sống của gia đình mình đang bị “bụi” xâm chiếm và gây ra các vấn đề cho sức khỏe thì vội vàng che chắn, chống đỡ nhưng lại bị nhiễu loạn giữa rất nhiều thông tin dẫn tới hành động sai, hiệu quả không cao.   

O nha cung hit bui min
Hãy hành động để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình bạn trước cuộc xâm lăng của bụi mịn

Chị Thùy Dương, 39 tuổi, làm việc tại Q.3, TP.HCM chọn mua nhà chung cư cao tầng. Theo chị, ở tầng cao đỡ bụi bặm, như vậy sẽ tốt hơn cho sức khỏe của gia đình. Trái với quan điểm của chị Dương, anh đồng nghiệp của chị là Văn Thành lại cho rằng, bụi tồn tại khắp nơi trong không khí nên ở nhà tầng cao hay tầng trệt chẳng phải cách giải quyết vấn đề. Đó còn chưa kể nhà chung cư diện tích chật hẹp không thể trồng nhiều cây xanh. 

Thế nên anh Thành vẫn chọn ở nhà mặt đất, xa trung tâm nhưng có sân vườn, cây cối. Những yếu tố này có tác dụng như hàng rào thiên nhiên, che chắn bớt bụi bặm cho gia chủ. Giải pháp của anh Nguyễn Hoàng, hiện đang làm việc tại một công ty thiết kế ở Q.1, TP.HCM cụ thể và thực tế hơn. Anh Hoàng mua máy lọc không khí đặt trong phòng ngủ và tin rằng nhờ thế gia đình anh sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Bác sĩ Quách Minh Phong - Phó khoa Nội, Trưởng Đơn vị hô hấp Bệnh viện Quận 2, TP.HCM cho rằng, khái niệm về bụi và bụi mịn đối với nhiều người vẫn còn rất mù mờ. Những hạt bụi bám vào cửa sổ nhà bạn, trên đồ đạc mà mỗi ngày bạn nhìn thấy không phải là bụi mịn. Tuy nhìn chúng rất dơ bẩn nhưng phổi của chúng ta có thể lọc được. 

Bụi mịn đang là vấn nạn không chỉ của mỗi chúng ta mà nhiều nước trên thế giới cũng phải trả giá cho sự tàn phá môi trường. Các nhà khoa học vừa công bố có thời điểm trong tháng 1/2019, tại Việt Nam, nồng độ bụi mịn vượt mức 100, gấp hơn 2 lần quy chuẩn quốc gia và gấp trên 4 lần so với quy chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Bụi mịn là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các bệnh hô hấp, tim mạch, ung thư phổi.

Thứ “sát thủ” thầm lặng mỗi ngày chúng ta đang hít phải là bụi mịn, mà mắt thường không nhìn thấy được. Chúng sản sinh ra từ khí thải xe cơ giới, công trình xây dựng... Chúng có thể là các hạt bụi carbon, bụi sắt, bụi silicat siêu nhỏ rất độc hại… Phế quản không cản nổi chúng. Những hạt bụi này thâm nhập sâu vào tận tiểu phế quản và tích tụ lại theo thời gian. 

Với người thường, khi hít phải bụi mịn, họ chẳng có dấu hiệu gì, cho tới một ngày cảm thấy sức khỏe bất ổn, đi khám thì mới hay nhu mô phổi đã bị tổn thương. Còn với những ai có bệnh lý nền về hô hấp, hít phải bụi mịn sẽ khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn. Mỗi ngày, đơn vị hô hấp, Bệnh viện Quận 2 tiếp nhận khoảng 30 trường hợp lên cơn hen suyễn do các yếu tố dị nguyên tác động.

Bác sĩ Phong cũng từng thấy một số công nhân dệt may, công nhân trộn xi măng bị bụi phổi khi đi khám sức khỏe định kỳ. Do tần suất hít phải bụi độc hại của những người này cao hơn bình thường nhiều lần, lúc đi khám, họ thường than bị ho kéo dài, sụt cân, mệt mỏi (triệu chứng như bệnh lao phổi). Chụp phim phổi, CT phổi, các bác sĩ nhìn thấy nhu mô phổi bị thương tổn nghiêm trọng. 

Làm sao để không đưa bụi mịn vào phổi?

Theo bác sĩ Phong, để ngăn ngừa, phòng tránh bụi mịn và ô nhiễm không khí, cần có sự phối hợp hành động từ cả cơ quan quản lý cho đến mỗi cá nhân. Các cấp quản lý cần siết chặt về đăng kiểm xe cơ giới, đặc biệt là những phương tiện công cộng như xe buýt. Các công trình xây dựng khi thi công phải được che chắn đúng quy định, đồng thời xịt nước để bụi không tốc lên và lan rộng.

Về phía người dân, ngoài việc nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, khi ra đường, tất cả đều cần đeo khẩu trang và tránh di chuyển ngoài đường vào những giờ cao điểm nếu không thật sự cần thiết. 

Thực ra quan điểm ở nhà chung cư cao tầng để hạn chế bụi cũng không sai nhưng chỉ giảm bớt phần nào. Kích thước của hạt bụi to hay nhỏ không quyết định trọng lượng của nó. Nếu hạt bụi nặng sẽ nằm ở tầm thấp, những hạt bụi nhẹ hơn vẫn bốc được lên cao, lơ lửng trong không khí. 

Máy lọc không khí có tác dụng phòng tránh bụi không? Khi bạn đặt một chiếc máy lọc không khí trong phòng, về mặt tâm lý, bạn có cảm giác an toàn hơn, nhưng với bụi mịn, máy có hoạt động hiệu quả không thì không ai biết được, bởi bụi mịn không thể nhìn thấy được bằng mắt thường.  

Bạn có thể chọn phương án trồng nhiều cây xanh ở cửa sổ, bờ tường - giàn cây tỏa bóng mát làm hàng rào chẳng hạn. Cây cối cũng giúp che chắn, cản bớt bụi. Nếu gần nhà bạn đang có công trình xây dựng, bạn hãy tưới nước mỗi sáng và chiều làm mát sân và cũng để bụi không bốc lên không khí. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, hút bụi, lau chùi và dọn dẹp mỗi ngày cũng là cách hạn chế phần nào bụi bẩn. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI