Ở nhà chăm con, vẫn không tụt hậu

20/05/2024 - 18:38

PNO - “Phụ nữ là phải độc lập, tự chủ kinh tế, ở nhà nuôi con thì làm gì”. “Ở nhà suốt không chán à? Ở nhà lâu ngày tụt hậu đấy”. Đó là những câu tôi thường nghe mỗi khi nói “tôi làm nội trợ, ở nhà chăm con”.

Thời gian đầu, quả thật tôi cũng nghĩ rằng phải đi làm, phải kiếm tiền, phải độc lập tài chính, năng động; rằng để “chồng nuôi” là điều gì đó xấu hổ. Nhưng có lẽ vì mong muốn có thể tự chăm sóc và nuôi dạy con, có thể tạo lập cho con những kỹ năng cần thiết ngay từ nhỏ, tôi vẫn chọn lui về, làm ở nhà. Có điều, tôi cũng sợ mình chậm chạp, tụt hậu; sợ rằng ở nhà lâu ngày quá, tôi sẽ chẳng biết làm gì khi con đã lớn, chẳng biết chuyện trò, nói về điều gì khi gặp gỡ mọi người, nên tôi chọn tận dụng thời gian này để phát triển bản thân.

Tác giả luôn dành thời gian để học hỏi
Tác giả luôn dành thời gian để học hỏi

Dưới đây là những điều tôi đã và đang làm suốt mấy năm qua, để dù ở nhà vẫn tự tin, tự chủ và được tôn trọng.

Đầu tiên, cần xác định tâm lý, trò chuyện thẳng thắn với chồng. Đồng thuận giữa vợ và chồng về công việc, dự định và kế hoạch tài chính lẫn nuôi dạy con là điều hết sức quan trọng. Khi đã thống nhất được vai trò của mỗi người trong gia đình và chú tâm vào đó, mọi việc sẽ thuận lợi hơn. Trước khi cưới, tôi đã chia sẻ với chồng về dự định chăm sóc con sau này và được anh ủng hộ.

Từ đó, chúng tôi đều nỗ lực làm tốt phần của mình. Việc ở nhà chăm con, có thể là mong muốn, có thể hơi miễn cưỡng với bạn nhưng khi đã lựa chọn và quyết định, hãy toàn tâm toàn ý. Hơn nữa, ở nhà chăm con cũng chỉ một giai đoạn, không phải là cả cuộc đời của bạn.

Nếu mỗi người đều có đam mê, có công việc ưu tiên thì với tôi ở giai đoạn con còn nhỏ này, đó chính là làm sao để sửa mình, để bên con hạnh phúc và vững vàng nhất có thể. Tôi tìm hiểu, cập nhật và chọn lọc những thông tin khoa học, đáng tin cậy, thực hành những phương pháp phù hợp nhất với bản thân và gia đình mình.

Việc trang bị kiến thức sẽ giúp bạn tự tin vào những điều mình đã và đang làm cho con, bớt hoang mang giữa vô vàn kiến thức hay câu chuyện trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, hãy dành thời gian học tập bất kỳ kỹ năng nào bạn muốn để phát triển bản thân. Tôi từng tự học Canva, thực hành thu âm podcast, rèn luyện kỹ năng viết, học tiếng Anh… để dần nhận ra khả năng của bản thân, hiểu và tự tin vào chính mình.

Việc tự mình học tập, chăm con sẽ có lúc thấy buồn, cô đơn nên hãy tìm cho mình một (vài) hội nhóm chất lượng để đồng hành, học tập và phát triển. Đây sẽ là nơi chia sẻ, động viên và tiếp sức cho bạn trên hành trình làm mẹ toàn thời gian. Tốt nhất là chọn những nhóm của người có chuyên môn, uy tín - nơi bạn có thể học hỏi; tránh xa những hội nhóm với nội dung độc hại, tiêu cực, khiến bạn lo lắng, sợ hãi hay tự trách.

Dành thời gian chăm sóc bản thân, yêu thương cơ thể và theo đuổi sở thích riêng. Có câu “phụ nữ hạnh phúc, gia đình mới hạnh phúc”, năng lượng tinh thần và thể chất của người mẹ, người vợ trong gia đình sẽ lan truyền và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của gia đình đó. Tuy vậy, hằng ngày quay cuồng với con cái, gia đình, với trách nhiệm làm mẹ, làm vợ sẽ có những lúc khiến ta quên mất chính mình, rồi căng thẳng, lo âu hay so sánh với người khác.

Việc duy trì sở thích cá nhân, chăm sóc chính mình, cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần là điều cần được ưu tiên và coi trọng. Hãy làm bất kỳ điều gì bạn thích - đi bộ, cắm hoa, đọc sách, ngắm thiên nhiên hay thêu thùa, may vá, nghe nhạc, nhảy… Sở thích của tôi là đọc, viết, đi bộ và ngắm nhìn cuộc sống xung quanh. Những phút giây thong dong đó giúp tôi có thêm năng lượng cho gia đình, bên con và cả công việc sau này.

Tác giả và ông xã rất tôn trọng vai trò của nhau trong gia đình
Tác giả và ông xã rất tôn trọng vai trò của nhau trong gia đình

Chia sẻ sở thích, những điều mình đã học và làm là cách giúp tôi kết nối với xung quanh, thêm tự tin và vững tâm vào con đường mình đã chọn. Tôi thường viết lại, chia sẻ các hoạt động, suy ngẫm khi bên con, những kiến thức học được từ sách vở, từ các khóa học với mục đích ban đầu là tự động viên chính mình.

Dần dần, người xung quanh nhìn thấy những nỗ lực đó, thấy sự bền bỉ của tôi nên cũng chẳng ai bảo tôi phải làm gì nữa. Những chia sẻ cũng nhận được đồng cảm và đón nhận. Nhiều mẹ nhắn tin chia sẻ, hỏi kinh nghiệm hay nhờ tư vấn, khiến tôi nhận ra: “Ai cũng có những tâm sự, cuộc sống sẽ có lúc này lúc khác”. Tôi thấy vui vì mình đang làm việc có ích, không chỉ giúp được cho mình mà cho nhiều người khác.

Tôi đã thực hành những điều này đều đặn 5 năm qua. Những thói quen, suy nghĩ dần thành lối sống, công việc. Tôi nghĩ không có lựa chọn nào hoàn hảo, có chăng là tự chúng ta tìm cách để dù là lựa chọn nào, vẫn nỗ lực làm tốt hết sức mình thay vì than trách hay so sánh rồi tự thấy mình kém cỏi. Rào cản lớn nhất chính là suy nghĩ, tư duy của mỗi người. Khi bạn tự tin và toàn tâm với lựa chọn của mình, việc ai đó nói gì sẽ không còn quan trọng.

Nguyễn Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI