Ở nhà bận hơn đi làm

27/12/2023 - 11:49

PNO - Linh nghỉ làm, trong mắt chồng cô, là đỡ vất vả hơn, chỉ phải lo việc nhà, lo con cái. Nhưng thực sự, việc nhà đòi hỏi nhiều thời gian và năng lượng hơn cô nghĩ.

2 năm nghỉ làm, Linh nhận ra mình cũng không có nhiều thời gian như cô nghĩ. Trước thời điểm công ty đóng cửa, cô là một con thoi chạy ngược chạy xuôi, rất hiếm có thời gian của riêng mình. Khi công ty thu hẹp hoạt động, Linh tự nguyện xin nghỉ. Cô muốn tìm cơ hội khác, nhưng hơn hết, cô muốn được làm chủ cuộc đời mới 29 tuổi, 1 con.

Đúng là sau khi nghỉ, Linh có được 2 tuần rảnh rỗi. Rồi mọi chuyện đã khác đi thế nào, cô cũng không nhớ rõ. Linh nhớ mình định đi học thêm văn bằng 2, đăng ký ôn thi đầu vào nhưng không kịp làm hồ sơ nên đành hẹn lại khóa sau. Tới giờ cô cũng chưa bắt đầu “khóa sau” đó, vì cô thấy thời gian học dài quá, sợ đụng với những kế hoạch khác.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Linh tham gia một lớp học chứng khoán với ý định kiếm tiền mà không cần đi làm, nhưng chồng cô cản, không muốn vợ lao đầu vào chứng khoán với mớ hiểu biết lỗ chỗ sơ đẳng. Kế hoạch tập gym chỉ kéo dài được 2 tháng. Sau khi đóng tiền làm thẻ hội viên và tốn mớ tiền cho đồ tập, giày vớ, Linh tham gia 1 đợt đi từ thiện và bận luôn với nhóm từ thiện, phòng tập thành ra không mấy ý nghĩa nữa.

Rồi con cô bắt đầu đi học, đau ốm, nghỉ ở nhà, đi học lại… Cái vòng lặp ấy cũng phải 4, 5 tháng; thằng bé vừa quen thì trường mẫu giáo cũng tới kỳ nghỉ hè. Gặp lại nhóm bạn cùng làm công ty ngày trước, Linh thấy mình xuề xòa hơn, ngại nói chuyện hơn, nhất là khi ai đó hỏi về những dự định lớn lao bay bổng của cô trước khi quyết định nghỉ làm.

Thiếu thời gian là căn bệnh của thời đại, tác động mạnh lên phụ nữ, do sự mở rộng vai trò của phụ nữ và sự phổ biến kiểu gia đình hạt nhân. Phụ nữ giờ phải đương đầu với tình trạng đa nhiệm - vừa đi làm vừa lo việc nhà, chăm con. Càng loay hoay cố gắng thu xếp, phụ nữ càng chịu đựng nhiều áp lực mà có thể người ngoài không nhận thấy.

Linh nghỉ làm, trong mắt chồng cô, là đỡ vất vả hơn, chỉ phải lo việc nhà, lo con cái. Nhưng thực sự, việc nhà đòi hỏi nhiều thời gian và năng lượng hơn cô nghĩ, bao gồm cả việc chồng cô cho rằng anh phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo kinh tế gia đình và không chia sẻ việc nhà với vợ nhiều như trước.

Nghỉ làm là một quyết định hoàn toàn cá nhân của Linh, nhưng hiện tại, cô thấy cả nhà đang cùng khai thác quyết định đó. Ngày trước, cô có thể gửi con cho ông bà khi kẹt công việc, giờ thì nhờ đón bé thôi cũng khó mở lời.

Mong muốn khi nộp tờ đơn xin nghỉ: được làm điều mình thích, được tự do dùng thời gian của mình… đã trở thành xa xỉ. Khi nhận ra, Linh đã sững sờ hết mấy ngày, tự hỏi có phải 2 năm nghỉ làm vừa rồi là vô nghĩa? Cô nhận ra mình còn bận rộn hơn lúc đi làm, còn mệt mỏi hơn lúc đi làm và chẳng hoàn thành được cái gì cho trọn vẹn.

Khi nghỉ làm, Linh gỡ mình ra khỏi khung quản lý thời gian của công ty. Dù khá đại trà và áp đặt, nhưng đó là khung quản lý cơ bản giúp mọi người thực hiện được mục tiêu nào đó trong công việc. Cô đã nghỉ và đã vô tư, hào phóng tặng quyền quản lý thời gian của mình cho nhiều người - từ chồng, con đến ba mẹ. Dù đó đều là những người cô yêu thương, những người quan trọng trong đời cô, nhưng họ không phải là chính cô. Họ đã tham gia vào khung thời gian của cô, điều khiển nó, xoay vần nó theo những mục tiêu của họ.

Với chồng, Linh trở thành người vợ nội trợ. Với con, cô thành người đưa đón đúng giờ đã định. Với ba mẹ chồng, cô thành cô con dâu sắp sửa mang bầu đứa cháu nội trai. Với nhà ngoại, Linh thành cô con gái ở nhà rảnh rỗi phải sang thăm và chơi với ba mẹ. Tất cả đều nhắm vào thời gian của cô, chỉ riêng mình Linh là không thể chủ động sắp xếp quỹ thời gian ấy. Linh ngày càng thấy đích đến của đời mình lùi xa vô định.

“Dành thời gian cho bản thân” là điều ta hay nói, nhưng “dành” nghĩa là sau khi làm hết những việc khác, còn chút nào mới “dành” được. Khi hết sạch, chẳng còn chút gì nữa thì lấy đâu mà “dành”. Sự nhường nhịn của phụ nữ là đó, ngay cả khi họ muốn làm khác đi, họ vẫn bị đặt trong thế bị động, phải thực hiện yêu cầu, ước muốn của người khác trước khi được làm chính mình. 

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

Đúng hơn, phải nói là phụ nữ nên chủ động “tạo ra thời gian cho bản thân”. Linh đã bắt đầu việc “tạo ra” đó bằng cách dừng lại 1 tuần để lập ra danh sách việc làm hằng ngày. Trong những việc cần làm, cô đánh dấu việc nào là quan trọng. Tuần đầu tiên, cô học cách nói “Không” với những việc tự dưng nhảy ngang vào thời gian biểu của mình, làm mình chệch hướng.

Cũng trong tuần đó, cô thấy mình không làm hết được những việc trong danh sách. Cô hiểu ra vì sao mình luôn thiếu thời gian. Tuần sau, Linh lọc bớt những công việc không quan trọng, thêm vào đó một chút cho mình: thời gian cho một bài tập thể dục, đọc sách hoặc thậm chí là thời gian để không làm gì cả.

Việc tự tạo ra kế hoạch và theo dõi danh sách công việc mang lại cho Linh cảm giác tự chủ và tự kiểm soát. Cô đã bình tĩnh hơn, không phải lúc nào cũng tất bật chạy theo công việc rồi nhận lấy lời trách móc “sao chậm vậy, rảnh mà, ở nhà đâu làm gì…”. Dù vẫn chưa thực hiện được dự án nào to lớn, cô biết mình đang trên đường đến đó.

Cô biết mình đang thực hiện dự định của chính mình, ít nhất cũng là đang được tận hưởng thời gian ở nhà của mình và xa hơn, cô biết mình là người quyết định hướng đi của cuộc sống. 

Hoàng Mai

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Dolphinnguyen 04-01-2024 20:38:17

    Phụ nữ dù đi làm ít tiền, cũng không nên nghỉ việc làm bà nội trợ toàn thời gian. Mọi người đều cho rằng không đi làm là rảnh là nhàn vì không phải lo kinh tế. Nhưng việc nhà có 1001 việc không tên tuổi và không bao giờ hết, khiến bà nội trợ hầu như không có thời gian làm việc của bản thân!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI