Ở ngôi làng thanh niên không được phép nhuộm tóc màu về ăn tết

14/02/2021 - 07:52

PNO - Ma túy, mại dâm tấn công các bản làng xung quanh khiến bao gia đình ly tán, song người dân bản Boong (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) vẫn được hương ước bảo vệ và nói không với ma túy cũng như các tệ nạn xã hội. Năm 2017, hương ước được bổ sung thêm quy định thanh niên đi học, làm ăn trở về nếu nhuộm tóc khác màu sẽ không được bước qua cổng làng.

Cuộc sống ở núi rừng, bị bao vây bởi nhiều hủ tục và nạn ma túy hoành hành, nhưng nhiều bản làng ở miền tây Nghệ An vẫn tự tạo lập được một cuộc sống bình yên, giữ được bản sắc. Để có được điều đó, ngoài tinh thần đoàn kết, ý thức tự giác chung tay xây dựng nếp sống của cộng đồng thì những bản hương ước - “bộ luật” của bản được xem như là yếu tố then chốt.

Luật của bản

Mùa này, đất ẩm ướt, nhưng không khí ở bản Boong vẫn rất trong lành, không có mùi chất thải gia súc, gia cầm và mùi nước thải sinh hoạt như thường thấy ở các vùng quê. Già làng Kha Văn Hồng nói: “Nhờ quy định chặt việc chăn thả trâu bò nên không chỉ đường làng sạch sẽ, mà ruộng đồng còn được bảo vệ rất tốt”.

Những tuyến đường làng sạch sẽ ở bản Boong
Những tuyến đường làng sạch sẽ ở bản Boong

Theo ông Hồng, dân bản chủ yếu sống dựa vào ruộng nương, chăn nuôi trâu bò. Ruộng mênh mông, không thể dùng tre nứa rào ngăn trâu bò phá hoại, nên các già làng trong bản đã soạn thảo một bản hương ước gồm 5 điều, 10 khoản, quy định về việc nhốt, chăn dắt trâu bò, không nhốt trâu bò, lợn gà dưới nhà sàn.

Hơn 20 năm trước, ma túy bắt đầu tràn về vùng núi này, tấn công vào bản làng khiến bao gia đình phải ly tán vì nghiện ngập, rơi vòng lao lý. Bí thư bản Boong Kha Văn Nam cho biết, ngay sau đó, hương ước của bản tiếp tục được bổ sung thêm 6 điều quy định chặt về ma túy, mại dâm.

“Các gia đình không được để con em nghiện, không tham gia buôn bán ma túy. Nếu bị nghiện ma túy, gia đình phải tự cai, không được làm phiền xã hội, nếu không thể tự cai được mới đưa đi cai. Đàn bà, con gái trong bản không được bán dâm. Ai vi phạm phải phạt bằng tiền và phải xin lỗi cộng đồng” - ông Nam nói và cho hay, quy định được thông qua, mọi người đều tán thành ủng hộ. Cũng nhờ thế mà dù nằm ở “điểm nóng” ma túy song hàng chục năm qua trong bản không có ai dính đến ma túy, mại dâm.

Xế chiều, ông Vừ (67 tuổi) ngồi ở hiên nhà bên quốc lộ 7A nhìn dòng người tấp nập đang ngược xuôi. Trước tết, khi cậu con trai đang làm ăn ở miền Nam gọi điện về hỏi thăm, ông không quên hỏi nay tóc con màu gì, nếu lỡ không phải là màu đen thì nhớ nhuộm lại màu trước khi về quê.

Hương ước bản Boong được viết thành nhiều cuốn, chia cho những người cao niên trong bản giữ
Hương ước bản Boong được viết thành nhiều cuốn, chia cho những người cao niên trong bản giữ

Ông kể, 2 năm trước, cậu con trai trở về nhà ăn tết với một mái tóc vàng hoe. Vừa bước xuống xe khách, dân bản nhìn thấy đã lắc đầu. Có người gọi điện báo cho ông. “Nghe nói thế, tôi chạy xe máy ra nói con đi nhuộm lại tóc ngay. Lúc đầu nó bảo mốt mới có chi đâu, nhưng tôi bảo mốt ở đâu nhưng về nhà thì không được” - ông Vừ kể.

Theo ông Nam, khi con em của bản ngày một ra ngoài học tập, làm ăn một nhiều cũng đồng nghĩa với việc nhiều “văn hóa lai căng” sẽ về bản. “Chúng tôi không khắt khe, nhưng muốn con em giữ được nét văn hóa truyền thống” - ông Nam nói.

Năm 2017, hương ước được bổ sung thêm quy định thanh niên đi học, làm ăn trở về nếu nhuộm tóc khác màu sẽ không được bước qua cổng làng.

Cứ 22g30, sau khi tiếng kẻng vang lên, các hoạt động của các gia đình trong bản gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác đều phải dừng lại.

Sau nhiều lần bổ sung, hương ước bản Boong đã có gần 30 điều quy định chi tiết về nếp sống, văn hóa ứng xử, ăn mặc, học hành, tổ chức đám cưới, tang lễ, giữ gìn an ninh trật tự, môi trường… Bí thư bản cho hay dân bản đã thuộc hầu hết và thực hiện rất nghiêm túc.

Giữ nếp nhà sàn song song với giữ rừng

Sống ở cạnh rừng, đồng bào Thái đã quen thuộc với nếp nhà sàn. Ông Hồng cho hay trước chỉ cần vào rừng là có gỗ làm nhà, sau này, khi rừng bị phá, gỗ ít dần, việc duy trì được ngôi nhà sàn truyền thống không dễ. Ít năm trước, con cái lớn đến tuổi “dựng vợ, gả chồng”, vợ chồng ông bàn bạc quyết dựng lại căn nhà sàn đã cũ, không còn đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt.

Nhiều người dân chuyển sang làm nhà sàn bằng bê tông để vừa gìn giữ nếp nhà vừa giữ rừng
Nhiều người dân chuyển sang làm nhà sàn bằng bê tông để vừa gìn giữ nếp nhà, vừa giữ rừng

Để dựng ngôi nhà sàn, ông Hồng nhẩm tính phải tốn rất nhiều gỗ, trong đó phải có ít nhất vài chục cây cột gỗ cao 6 - 7m, chưa kể xà, ván... Trằn trọc suy nghĩ nhiều tháng trời, ông Hồng quyết định vẫn sẽ dựng nhà sàn thuyền thống của người Thái song thay thế vật liệu gỗ bằng bê tông. “Ngày xưa, rừng bao quanh, gỗ nhiều lắm, nay rừng chỉ còn thưa thớt, không còn gỗ lớn nữa” - ông Hồng nuối tiếc.

“Chú nhìn cột bê tông chả khác gỗ tẹo nào đúng không” - ông Hồng nói khi chỉ tay vào căn nhà sàn của mình. Theo ông Hồng, toàn bộ cột, kèo, xà nhà đều được đúc bằng bê tông; các phần còn lại ông tận dụng gỗ của căn nhà cũ. Sàn dưới, ông láng nền xi măng, làm nơi chứa các vật dụng của gia đình đúng nghĩa với kiến trúc truyền thống của người Thái vùng này.

Việc dựng nhà sàn bằng bê tông không những góp phần bảo vệ rừng mà còn tiết kiệm chi phí rất nhiều. Nhiều năm qua, người dân bản Lam Khê (xã Chi Khê, huyện Con Cuông) cũng đã đồng loạt chuyển sang dùng bê tông để thay gỗ khi sửa hay dựng lại nhà mới. Từ năm 1972, hương ước của bản đã có quy định về việc bảo vệ rừng. Đến năm 2004, hương ước của bản quy định phải hạn chế việc sử dụng gỗ tự nhiên để làm nhà trước tình trạng gỗ rừng ngày một khan hiếm.

Cột nhà sàn bằng bê tông được làm giả gỗ
Theo người dân địa phương, làm nhà sàn bằng bê tông không chỉ góp phần giữ rừng mà còn tiết kiệm chi phí

Bản Lam Khê hiện có 194 nóc nhà, trong đó phần lớn là nhà sàn, điều đặc biệt hầu hết nhà sàn nơi đây đều dùng cột bê tông, nhiều căn sử dụng gần như toàn bê tông và gạch. Với sự khéo léo của người thợ, nhiều gia đình còn sử dụng xi măng quét để “ngụy trang” cột bê tông thành cột gỗ cổ; hay dùng sơn giả gỗ để sơn lên, từ xa chẳng ai còn nhận ra đây là nhà sàn bê tông.

Ông Lộc Văn Hợi - Chủ tịch UBND xã Chi Khê - cho biết, xã này có 70% dân số là đồng bào dân tộc Thái, 13/13 bản đều xây dựng cho mình một hương ước riêng. Cuộc sống đổi mới, song người Thái vẫn gìn giữ nếp nhà sàn. Trước lệnh khai thác rừng, xu hướng làm nhà dùng bê tông thay gỗ đã lan ra các bản làng ở Chi Khê.

“Ý thức bảo vệ rừng của người dân ngày càng cao. Hơn nữa, so với dựng nhà sàn gỗ thì nhà sàn bê tông chí phí rẻ hơn gấp 4 lần, dễ vệ sinh, ít mỗi mọt nên ngày càng được ưa chuộng” - ông Hợi nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI