Ở khu trọ, họ gọi bà là má

31/01/2018 - 16:44

PNO - Xây khu nhà trọ ngót nghét 20 năm, bà Bên đã cưu mang nhiều lứa công nhân, sinh viên từ các tỉnh về TP.HCM lập nghiệp.

Nhiều người đã ra riêng, mua được nhà cửa khang trang; cũng có người nhất quyết trụ lại dù chỗ làm rất xa, bởi “má ở đây thì mình đi đâu”.

O khu tro, ho goi ba la ma
Bà Bên (bìa trái) cùng thành viên Tổ Phụ nữ Ba đảm đang P. Tăng Nhơn Phú A, Q.9 gói bánh tét đãi công nhân dịp tết dương lịch 2018


NHỮNG ĐỨA CON ĐẶC BIỆT

Một buổi sớm đầu năm, khu nhà trọ của bà Bùi Thị Bên - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Công nhân lao động tổ 8, khu phố 2, P. Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM - trên đường D6 chộn rộn hơn thường ngày. Các dì, các chị trong Tổ Phụ nữ Ba đảm đang của phường tề tựu về đây vo nếp, lau lá chuối chuẩn bị gói bánh tét. Ngoài sân, bà Bên cùng công nhân thuê trọ lúi húi quét dọn. Chị Đặng Thị Hồng Thơm (quê Đắk Lắk) và chị Lê Thị Hải (quê Hà Tĩnh) nhìn “má Bên” với ánh mắt trìu mến. Chị Hải kể: “Tôi vô Sài Gòn đã 5 năm, trải qua mấy chỗ trọ, nhà má Bên là nơi ở lâu nhất, hơn 3 năm. Má luôn tạo cho mình cảm giác thân quen, tin cậy, an toàn”. Chị Hồng Thơm góp chuyện: “Xưa tôi cũng hơi lười; từ dạo ở với má, quen luôn cái nếp dọn dẹp, quét tước”. 

Xế trưa, bà Bên ngồi lật từng trang sổ ghi chép thông tin quê quán, hoàn cảnh của bao thế hệ công nhân, sinh viên đã ở trọ chỗ mình rồi nhẩm tính chín cặp Duy - Lành, Mừng - Quyết, Minh - Thảo, Quang - Nhung... Nói tới đó, bà hồ hởi: “Ở đây rồi tụi nhỏ thương nhau, mình vun vào. Đám cưới nào cũng đông vui, xôm tụ. Có mấy đứa hồi xưa cực lắm, nhờ chăm chỉ mà nay đã mua được nhà trong thành phố”. Ngay như con dâu út của bà - chị Ngọc Bích, quê Bình Dương - xưa cũng là sinh viên thuê trọ nơi này. Chị Bích học điều dưỡng ở Q.4, đường xa nhưng vẫn cứ muốn ở cùng “má Bên”. Khi biết chị Bích và cậu con trai út Trường Giang thương nhau, bà mừng, bởi: “Bích hiền lành, chịu khó. Giàu nghèo có quan trọng gì đâu, chỉ cần hai đứa thương nhau là má chịu”. 

Quê ở Thái Bình, anh Phạm Công Quang vào TP.HCM học, nhiều đợt bốn tháng liền không có khả năng đóng tiền nhà. Ghé phòng thăm, lúc nào cũng thấy Quang xì xụp mì gói, bà Bên xót nên thường gọi Quang lên nhà ăn cùng, thỉnh thoảng còn dúi vô tay anh vài trăm ngàn, dặn đi học thì kiếm gì đó mua ăn. Giờ, Quang đã lập gia đình, mua được nhà và có một cô con gái xinh xắn. 
Hôm đám cưới, anh Phan Duy không ngờ cả nhà bà Bên đã lặn lội từ TP.HCM lên Đắk Lắk chung vui với mình. Anh Duy chia sẻ: “Vợ chồng tôi hiện là huấn luyện viên võ thuật, những hôm lịch dạy kín, má Bên chăm con giúp. Từ thời sinh viên, tôi đã được má bảo ban về đối nhân xử thế. Chúng tôi xem má như người mẹ thứ hai, người mà có lẽ may mắn lắm mình mới gặp được”. Có những đám cưới xa quá, không đến được, lúc họ về lại TP.HCM, bà Bên “chủ xị” một bữa tiệc ngọt để cô dâu, chú rể ra mắt bạn bè. Đợt vợ chồng anh Hồng chuyển về căn nhà mới mua, bà tặng hẳn năm tháng tiền trọ, nói “má mừng hai con”. 

Tháng 4/2017, được Hội LHPN P. Tăng Nhơn Phú A tặng một tủ sách, bà đặt đầu dãy trọ, hằng ngày, bà bỏ tiền mua thêm sách, báo bỏ vô: “Mình đã lo thì lo cho trót, đứa này có sách đọc mà đứa kia không, các cháu tủi”. 

MÁ ĂN GÌ, CON ĂN ĐÓ

Tết dương lịch 2018, bà Bên cùng thành viên Tổ Phụ nữ Ba đảm đang P. Tăng Nhơn Phú A hùn hạp mua 10kg nếp, vài ký đậu xanh, thịt, chuối về gói bánh tét đãi công nhân. Sắp tới, khoảng 25, 26 tháng Chạp, bà sẽ gói thêm 60 cái bánh chưng nữa. Những ngày này, bà đã rục rịch tính chuyện tết Mậu Tuất sắp tới: lo 30 phần quà cho “các con” về quê, gồm bánh mứt, nước ngọt, trà, tiền mừng tuổi; những người ở lại sẽ chung vui cùng cả nhà “má Bên” trên tinh thần “má ăn gì, con ăn đó”. 
Khu trọ có 30 phòng với hơn 120 người thuê, bà thuộc nằm lòng từng hoàn cảnh. Giá thuê hơn 1 triệu đồng/tháng, nhưng tháng nào bà cũng bớt 200.000 đồng/phòng cho cả khu. Lúc năm hết tết đến, bà lại rảo quanh khu trọ, hỏi “đứa nào ưng về quê thì báo má hay”, rồi loay hoay ghi số chứng minh, đi đặt giùm vé xe về Nghệ An, Quảng Trị, Đắk Lắk. 

Là người con của đất Hải Phòng, bà Bên vào TP.HCM mưu sinh từ năm 1985, bán nước mía lề đường. Sau này, kinh tế khá hơn, bà tham gia công tác trong Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ P. Tăng Nhơn Phú A. Dù ở vị trí nào, bà cũng xắn tay áo, ào vô làm cùng anh chị em. Từ thứ Hai đến thứ Năm hằng tuần, bà đều đặn cùng chị em trong Hội Chữ thập đỏ Q.9 đứng bếp nấu bữa cơm nhân ái phục vụ người nghèo, sinh viên thuê trọ trong quận. 

 MẪN NHI

“Ngoài công tác xã hội, từ thiện tại địa phương, từ năm 2010, chị Bên còn cùng những người bạn lập nên một nhóm thiện nguyện, đi khắp trong Nam ngoài Bắc xây nhà tình thương, xây cầu, tặng học bổng và xe đạp cho học trò nghèo. Chị sống trọn nghĩa vẹn tình, gần gũi công nhân như mẹ con. Nhờ vậy, khi chúng tôi xuống khu trọ tuyên truyền về phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, chị em hưởng ứng rất nhiệt tình”. 

 Chị Phạm Thị Bích Loan - Chủ tịch Hội LHPN P. Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI