Ở Huế bao lâu là đủ?

14/01/2019 - 06:00

PNO - Bạn bè vẫn hay nhắn hỏi tôi, một cô gái sinh ra và lớn lên ở Huế, rằng nếu đến Huế, ở bao lâu là đủ.

Có thể thấy rất nhiều du khách sáng sớm đáp chuyến bay đến Huế, loanh quanh phố xá một ngày, tối đã có mặt ở thành phố Đà Nẵng cạnh bên ồn ào náo nhiệt. Vậy là ở Huế chỉ sáng đến chiều là đủ. Lại có những người thứ sáu xuống sân bay Đà Nẵng, sáng thứ bảy lên tàu đi Huế, ở lại ngày thứ bảy, trưa hoặc chiều Chủ nhật đã lên xe, lên tàu hay rời đi cho kịp chuyến bay kế tiếp. Vậy là ở Huế, hai ngày một đêm hẳn cũng đủ.    

Sẽ không có công thức nào đúng cho mọi người. Cũng không có lộ trình nào chuẩn cho tất cả. Nhưng nếu có ghé Huế, thì đâu là chỉ dẫn cần thiết cho người chưa từng đến, đã từng đến hay đã đến rất nhiều lần?

O Hue bao lau la du?

Du khách đến Huế vẫn luôn dành cho mình những khoảng thời gian tĩnh lặng để ngắm nhìn đầm Lập An dịu dàng nép mình bên dãy Bạch Mã.

Dạo quanh ẩm thực xứ kinh kỳ

Huế vốn là xứ mà nếu bạn có thể dậy sớm thì rất đáng để dậy. Đã thức giấc sớm trong một ngày đẹp trời ở xứ này, bạn cần nạp năng lượng bằng bữa sáng. 

Người Huế không có thói quen ăn sáng tại nhà, nên bạn có thể tìm thấy rất nhiều hàng bán đồ ăn sáng khắp các con đường, tận trong những con hẻm nhỏ. Có vô vàn món ăn mà bạn có thể chọn cho một buổi sáng dậy sớm và rảo bộ gần ngay nơi ở. Từ món bún bò đã có quá nhiều tiếng tăm, đến tô bánh canh chả cua được nấu sệt nước, cơm hến, bánh mì... rồi cả các món xôi với thịt hon hay dừa bào và muối mè, bún miến khô trộn với mít non luộc, cháo gạo đỏ dùng với mấy con cá bống kho vừa cay vừa đậm vị... 

O Hue bao lau la du?

Rảo bộ dọc những con đường rợp bóng cây xanh ở Huế hẳn bạn sẽ ngỡ ngàng bởi sự bình yên khó tìm thấy ở nơi khác.

Và nhắc tới món Huế càng không thể quên được sự kết hợp giữa vị cay với tất cả những mùi vị khác mà người ta có thể cảm nhận. Cũng chỉ có người Huế mới có đủ mọi cung bậc ngôn ngữ để diễn tả vị cay, bằng tất cả giác quan. Bạn có thể bắt đầu một ngày ở Huế bằng tô bún bò “cay dễ sợ”, tiếp theo là một ngày “cay tối mặt mày” với bánh lọc, bánh nậm chấm nước mắm dằm trái ớt xanh cay xè, bún thịt nướng cũng cay điếc óc, bánh cuốn thịt heo có chén mắm chua ngọt cay xé lưỡi và bún mắm nêm thì không cay không còn gì là ngon nữa. 

Để rồi sau một ngày cay túi bụi như thế, kết lại là lời mời ngọt lịm từ chén chè hạt sen cho một giấc ngủ ngon và cũng ngọt ngào y như thế.

Điều đặc biệt nhất khi dạo quanh ẩm thực Huế với vô vàn món ăn là bạn chẳng bao giờ sợ no. Đôi lúc, người ta vẫn đùa rằng đi ăn ở Huế chỉ là ăn hương ăn hoa, bởi món nào cũng bé xíu xíu xinh xinh. 

Mà có vậy, mới là Huế chứ!

O Hue bao lau la du?

Đi đâu quanh Huế bây chừ?

Nếu lấy Hoàng thành Huế làm tâm thì bán kính từ một đến vài chục cây số xung quanh đều có những nơi đáng để đi, để ngắm. Có rất nhiều thứ để bạn khám phá suốt thời gian ở Huế.

Nếu bạn thích kiến trúc, sao có thể bỏ qua những công trình cổ xưa của Đại nội, chùa Thiên Mụ, nhà thờ Phủ Cam, nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế hay những đền đài lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn... Còn nếu bạn yêu thiên nhiên cây cỏ, lại có bao nhiêu bãi biển, núi đồi, sông suối để bạn thăm thú và cảm nhận. Phía Bắc có những làng nghề thủ công tồn tại hàng trăm năm.

O Hue bao lau la du?

Chếch về hướng đông nam, bạn lại được băng qua những cánh đồng đẹp như tranh để đến với cầu ngói Thanh Toàn, thưởng thức buổi chợ quê đúng nghĩa vẫn còn giữ lại được tất cả nét văn hóa cũ của làng quê xứ Huế...

Ở cửa ngõ tây nam của Huế lại có những vườn thanh trà rợp bóng trĩu quả mỗi mùa hè. Phía nam có vịnh biển Lăng Cô, được góp tên trong danh sách những vịnh biển đẹp nhất thế giới (World bays Club).

Hay một chiều muộn, bạn lại tìm đường về đầm Chuồn (thuộc hệ đầm phá Tam Giang), ngồi trong căn nhà chồ ngắm mặt trời nhuộm ráng chiều đỏ au trên mặt nước và thưởng thức món bánh xèo cá kình đặc biệt không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.

Vậy là trong vòng bán kính chỉ chừng mươi mười lăm cây số, bạn đã có vô vàn điểm đến để tha hồ thăm thú và khám phá. Thậm chí chẳng cần phải đi đâu xa, chỉ loanh quanh trong lòng phố Huế, vẫn có cơ man những điều thú vị lúc nào cũng sẵn sàng chờ bạn.

O Hue bao lau la du?

Thời gian như ngưng đọng trên phá Tam Giang.

Này nhé, sau khi thức dậy thật sớm để hít hà khí trời trong trẻo, bạn có thể đi bộ đâu đó quanh nơi ở là có được một bữa sáng ngon lành trong nhịp sống chậm rãi của miền đất này. Sau bữa sáng sẽ là thời gian dành cho ly cà phê cùng những câu chuyện tán gẫu với bạn bè.

Dọc vỉa hè ở hai con đường Trương Định và Phạm Hồng Thái sáng nào cũng đông nghịt người, đặc biệt là quán Bông Giấy. Chiếc ghế nhựa màu đỏ, giàn hoa giấy lá xanh um, ly cà phê đá nhỏ tí nhưng thơm nức nở, ánh nắng xuyên qua tán lá… tất cả đều hòa quyện trông thật thi vị. Tôi đã uống cà phê ở đây mỗi ngày từ lúc còn là sinh viên. Mỗi khi đi đâu xa trở về đều ghé thăm, nghe vài câu chuyện vu vơ của những khách quen, nhấp ngụm cà phê quen thuộc là biết chắc mình đã về nhà. 

O Hue bao lau la du?

Và khi rảo bộ trên bất kỳ con đường nào vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, bạn cũng đều thấy dễ chịu và an toàn. Mọi con đường ở Huế đều rợp bóng mát của cây xanh, vỉa hè sạch và vắng. Đặc biệt nếu bạn khởi hành từ quán cà phê ở đường Trương Định hay Phạm Hồng Thái về hướng đường Lê Lợi, hẳn bạn sẽ còn ngỡ ngàng bởi sự bình yên khó lòng tìm thấy ở đâu khác. 

Trải dài theo cung đường Lê Lợi là hai hàng đại thụ với tán lá xanh um, nên dù bạn đi giữa trưa hè bỏng rát gió Lào hay trong một sớm mùa đông mưa ngâu lất phất vẫn cảm nhận được sự dịu dàng mà chỉ nơi này mới có. Nép theo con đường dài tít tắp là dòng sông Hương uốn lượn bên bờ cỏ mọc đến tận mặt nước tĩnh lặng. Người ta bảo sông Hương là dòng sông không chảy. Thật ra chỉ là mặt nước lúc nào cũng êm đềm thế thôi, chứ sâu thẳm lòng sông, những dòng chảy vẫn luôn ầm ào. 

O Hue bao lau la du?

Nếu đi bộ dọc theo con đường tuyệt đẹp đó, bạn có thể ghé ngang trường nữ Đồng Khánh ngày xưa (nay là trường THPT Hai Bà Trưng) nằm cạnh bên trường Quốc Học với lối kiến trúc cùng màu vôi đỏ au. Ba tôi từng kể, ngày xưa Đồng Khánh là trường nữ, Quốc Học là trường nam; có rất nhiều mối tình được nên duyên từ những lá thư tay gởi qua ông cai gác cổng trường. Đi dọc đến cuối con đường, bạn sẽ đụng đầu vào Ga Huế, cũng là một công trình kiến trúc từ thời thuộc Pháp. Ở đó có dãy hàng quán, mà mỗi đêm trở về sáng đều ấm áp ánh đèn dầu. Có một dạo, tôi thường đạp xe lên ga vào lúc tối muộn, gọi cho mình một dĩa gân kiệu cay xè, một bình trà nóng, rồi cứ thế ngồi hết đêm nghe tiếng loa báo giờ tàu đến tàu đi, nhìn người đưa tiễn người ở sân ga. Cũng là một cái thú, cho những đêm mất ngủ giữa xứ kinh kỳ chẳng có nhiều món ăn chơi.

Và thực ra tôi dành quá nửa thời gian của mình ở Huế để đi tìm một không gian xưa cũ. Như quán Chiều ở góc ngã ba đường Đặng Thái Thân, ở đó có cà phê chẳng ngon chút nào nhưng những bài nhạc Trịnh với giọng ca của Khánh Ly vang lên nghèn nghẹt từ cái máy hát cũ thì nghe rất tình. Những bức tranh sơn dầu cũ kỹ, những bình hoa cũ kỹ và thỉnh thoảng vào một buổi chiều mưa, ngồi ngó qua bên kia đường là hoàng thành ngả màu rêu phong cũng gợi lên một kiểu tình cũ kỹ rất Huế. 

O Hue bao lau la du?

Nên dù đã ở Huế dọc những ngày tuổi trẻ, tôi vẫn cứ quay lại nơi này vào những ngày không còn trẻ. 

Đi du lịch chẳng phải cũng chỉ là để đến một nơi lạ, sống những ngày khác bình thường đó sao? Vậy thì chỉ cần giản đơn như thế cũng đã là xứng đáng.

Và Huế, đâu thể chỉ đến một ngày. Còn ngày sau, ngày kia... Còn mùa sau, mùa kia… Còn mùa mưa, mùa hạ, mùa hoa, mùa cây thay lá, mùa ăn vặt, mùa lễ hội... 

Rốt cuộc thì ở Huế bao lâu là đủ? Đi qua hết các mùa, biết đâu bạn sẽ có câu trả lời cho chính mình. 

- Bạn có thể trực tiếp đặt vé máy bay đến Huế, đi xe bus vào trung tâm thành phố với giá vé 50.000 đồng. Nếu có nhiều thời gian, bạn có thể thử trải nghiệm ngồi tàu hỏa. 

- Gần như tất cả các quán ăn ở Huế đều mang phong vị ẩm thực riêng. Bạn có thể ghé vào bất kỳ quán nào trên đường. Trong chợ Đông Ba có đầy đủ món ăn của Huế được nấu rất vừa miệng. Nếu ghé chợ mua sắm, bạn đừng quên rảo qua khu ẩm thực. Khi mua sắm ở chợ Đông Ba, bạn nên cẩn thận về giá, có thể trả giá xuống còn một nửa rồi nâng dần lên để không bị hớ. 

- Dịch vụ ăn uống gần các khu lăng tẩm rất hay bị đội giá nếu người bán biết bạn là khách du lịch. Hãy hỏi giá trước khi quyết định. 

- Di chuyển ở Huế có khá nhiều lựa chọn, bạn có thể đi bằng taxi, thuê xe máy, xe ôm… Vào những ngày không mưa, di chuyển bằng xích lô cũng là một phương án khá thú vị. 

Nguyên Lê
Ảnh: Đoàn Trung Thiên, VN Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI