Ở đời, mấy ai có thể?

22/11/2018 - 11:27

PNO - Người ta chỉ nhìn thấy cô cao thượng, bao dung, đâu đếm được ngày cô đau buồn mấy lần, bị bao ánh mắt dò xét lẫn thương hại khi làm người đàn bà đi bên lề hạnh phúc của chồng mình.

Đi thăm đồng nghiệp trong bệnh viện, tôi thoáng thấy bóng dáng quen quen. Chạy lên nhìn, tôi mừng rỡ nhận ra cô hàng xóm ngày xưa khá thân, ngày bé mẹ tôi thường gửi chị em tôi qua cô mỗi khi ba mẹ đi làm về muộn.

Tôi hỏi cô vào viện làm gì, đi khám hay thăm ai, cô ngập ngừng một chút rồi nhỏ giọng: "Ổng nằm trong này mấy tháng rồi!". "Ổng" đây là chồng cô, nói chính xác là chồng cũ.

Cô là giáo viên cấp một, nói như mẹ chồng cô thì "cái nghề này như món đồ trang sức chứ lương thưởng được bao nhiêu". Mấy lần bà nói cô bỏ nghề về trông coi người làm, nhưng cô không bỏ được. Do lệ thuộc kinh tế nên chồng cô chỉ nghe lời mẹ. Mặt khác, cô chỉ sinh được một đứa con gái nên bị mẹ chồng chèn ép đủ đường. Khi con gái cô lên năm tuổi, chồng cô có người khác, và còn sinh con trai.

O doi, may ai co the?
Ảnh minh họa

Cô một mình nuôi con gái khôn lớn, hàng tháng vẫn đưa con về thăm nội và ba. Khi người vợ sau của chồng bị tai biến khi sinh con, cô mang đứa trẻ về nuôi cho chồng cũ rảnh tay chăm vợ. Chuyện học hành của mấy đứa trẻ con của chồng cũ và vợ sau, cũng một tay cô chăm lo vì ba mẹ chúng bận tối ngày, hàng tháng chỉ biết đóng đủ tiền, còn chúng đến trường hay lang thang quán net ba mẹ chúng không chú ý.

Ba mẹ chồng cũ già bệnh, cô cũng tất tả ngược xuôi, có người độc miệng còn nói, cô làm vậy là vì gia tài. Cô cười buồn không thanh minh, người đứng ra nói đỡ cho cô chính là vợ của chồng cũ, người đó gọi cô bằng chị.

Hai năm nay, ông chồng ốm yếu, thêm bệnh tuổi già, người vợ sau lại đến cầu cứu cô, con gái cô phản đối, nói ngày còn trẻ, ổng có người mới kề bên, nay già nằm đó sao níu áo mẹ được. Hai đứa con sau của ông cũng cám cảnh, chúng gọi cô là mẹ, nói “mẹ sống cho mình đi, mẹ không giận ba hay sao”, cô chỉ cười nhẹ. Ngày hai lần mang cháo vào viện cho ông, thi thoảng người vợ sau mệt mỏi, cô lại thức đêm canh chừng. 

O doi, may ai co the?
Ảnh minh họa

Những chuyện ấy, tôi nghe mẹ kể khi một chiều về thăm mẹ, nhìn sang bờ rào dâm bụt, nhớ nhà bên đã từng của cô giáo. Mẹ nói cô đã lên chung cư ở với vợ chồng con gái lớn, tôi nhíu mày, mẹ cười, cô vẫn nói cô có ba đứa con, gái lớn, trai giữa và gái út. Hai đứa sau đâu chút máu mủ mà thương kính cô hơn mẹ ruột, chúng nó cũng mua nhà gần nhà chị lớn, để tới lui chăm sóc.

Tôi buột miệng, mắc gì khổ, người ta đã cạn tình, sao mình còn dính dáng? Mẹ bảo, sống ở đời, ngoài tình ra còn nhiều thứ vướng víu lắm. Không còn vợ chồng là hết duyên, có đứa con chung là còn nợ. Duyên có thể cạn nhưng nợ sao trả hết. Như cô giáo, cô cứ oán hận trách móc, ngăn con gặp cha, mặc kệ chuyện nhà chồng cũ người ta cũng chẳng thể nói gì, nhưng cái tâm cô có an có vui không lại là chuyện khác. Người ta có thể nói cô dại, hay cô lụy tình, nhưng cô thấy thanh thản là được.

Giờ, cô có đám con vây quanh, dù máu mủ dù nước lã, mỗi ngày giỗ bố mẹ chồng cũ, cô vẫn được mời về dự. Người vợ sau của chồng cô, ngày đó làm người thứ ba chen chân vào hạnh phúc của cô, nay một điều chị, hai điều chị, kính cô như chị cả, và ông chồng nay nằm một chỗ, hàng ngày ngóng cô vào để hỏi chuyện đám con.

Tôi kính phục cô, nghĩ người như cô thời nay thật hiếm, bây giờ có thể cô đang hạnh phúc viên mãn, nhưng hạnh phúc này đổi bằng bao ngày đắng cay và nước mắt? Người ta chỉ nhìn thấy cô cao thượng, bao dung, đâu đếm được ngày cô đau buồn mấy lần, bị bao ánh mắt dò xét lẫn thương hại khi làm người đàn bà đi bên lề hạnh phúc của chồng mình.

Tôi không hiểu trong trái tim cô có gì, rộng chừng nào để có thể dung chứa bao nhiêu yêu thương, để cô có thể trao nó cho từng người trong suốt cuộc đời mình. Ở đời, mấy ai có thể?

Thiên Kim

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI