Ở đó, có một tình yêu lớn!

14/01/2024 - 07:13

PNO - 7 mùa diễn với 6 vở kịch được ra mắt, sân khấu kịch Báo chí Nhân văn do 2 bạn trẻ 9X Nguyễn Đức Huy, Võ Ngọc Quỳnh Như “chủ xị” đang dần trở thành một điểm hẹn quen thuộc cho những ai yêu kịch nghệ Sài Gòn.

Ngôi nhà nhỏ và những ước mơ

Ra đời vào năm 2019, từ một nhóm kịch vỏn vẹn vài thành viên, sân khấu kịch Báo chí Nhân văn (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM) do Nguyễn Đức Huy (sinh năm 1995) - cựu sinh viên của trường - khởi xướng dần lớn mạnh. Mong muốn ban đầu của Huy là thành lập một đội kịch để hoạt động của khoa thêm màu sắc. Nhưng càng làm, các thành viên càng nhận ra nhiều điều thú vị khi được góp một phần bé nhỏ giữ gìn tình yêu của công chúng với kịch. Hành trình trưởng thành của sân khấu cũng là hành trình trưởng thành, khám phá bản thân của hơn 30 thành viên trong đội kịch, đều là sinh viên.

Cảnh trong vở Nằm khóc một mình

Cảnh trong vở Nằm khóc một mình

Tham gia sân khấu từ mùa thứ hai rồi trở thành người kề vai sát cạnh bên cạnh Huy suốt những mùa diễn sau đó, Quỳnh Như (sinh năm 1998) - cô gái yêu thích kịch từ nhỏ - thừa nhận, cô nhận được nguồn năng lượng tích cực của Huy - người anh cả của nhóm - truyền lửa. Ngọn lửa đó giúp Như luôn gắn bó cùng sân khấu này, kể cả lúc cô sốt gần 40 độ vẫn không vắng mặt tại bất cứ buổi tập hay buổi diễn nào.

“Sân khấu là hành trình em đi tìm, khám phá mình. Năng lượng tích cực và sự tận hiến vô điều kiện em nhận được từ anh Huy, từ tập thể là vô cùng lớn. Cách mọi người cùng làm việc, cùng sáng tạo, thảo luận một vấn đề hay cách nhìn, cách ứng xử, phối hợp cùng nhau cho em thêm nhiều kỹ năng và thử sức ở những điều mình chưa từng làm. Chính từ tập thể này, em nhận lại rất nhiều tình cảm, những mối quan hệ tốt đẹp, bổ trợ kiến thức để viết sâu hơn trong lĩnh vực mình theo đuổi. Càng làm nhiều, em càng học được nhiều” - Như chia sẻ.

Thực tế cho thấy không chỉ riêng Như mà các thành viên khác của đội kịch đều chung suy nghĩ. Vì điều kiện sân khấu hạn chế nên các thành viên luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng đội. Có vở, thành viên này diễn thì thành viên khác ở hậu trường điều chỉnh âm thanh, ánh sáng, sắp xếp cảnh trí. Diễn viên diễn xong màn trước, màn sau chưa đến lượt cũng trở thành nhân viên hậu đài. Một vòng quay nhịp nhàng cho thấy sự phối hợp ăn ý và màn điều phối của Huy mà không hiện kim nào có thể mua được. “Các bạn đều ý thức được vai trò của mình và hoàn thành tốt nhất dù mỗi người phải làm rất nhiều việc và không hề có thù lao” - Huy tự hào. 

Cảnh trong vở Lá hát như mưa

Cảnh trong vở Lá hát như mưa

Với chất giọng truyền cảm ấm áp, Huy hiện là giọng đọc gắn liền với nhiều video quảng cáo của các thương hiệu, tập đoàn lớn. Bên cạnh đó, Huy cũng là nhân sự của đài VTV khu vực phía Nam. Thế nhưng, thay vì tận hưởng thành công đang có, Huy lại chọn gắn bó với sân khấu - một lĩnh vực rất nhiều người làm chuyên nghiệp cũng đuối sức. “Tôi nghĩ mình có được chất giọng trời phú và có thể sống được với nghề nên tôi muốn góp chút sức lực để nuôi dưỡng và phát triển một loại hình nghệ thuật khác. Tôi chỉ sợ đến một lúc nào đó, mình không còn đủ sức…” - Huy bỏ dở câu nói khi được hỏi sao lại đâm đầu vào ngõ hẹp mà nhiều người từng ngậm ngùi “bỏ của chạy lấy người”.

Vì một tình yêu với kịch nói

Dù mang tính “sinh viên không chuyên” nhưng các vở kịch của sân khấu Báo chí Nhân văn đều lên lịch tập trước đó 3 tháng, hệt các sân khấu chuyên nghiệp. Để có điểm tập kết ổn định, mỗi mùa, nhóm lại tìm thuê một căn nhà vừa ráp vở, vừa “gia công” cảnh trí. Kịch bản do Huy đảm nhận và đã được viết trước đó. Huy thừa nhận, thế khó của sân khấu kịch hiện nay là nội dung đang bão hòa, rất khó để tạo nên đột phá từ ý tứ hay nội dung. Do đó, cách duy nhất để làm mới và kéo được khán giả đến sân khấu là chọn cách kể mới hơn, khác hơn và lạ hơn. Bắt đầu bán vé từ mùa thứ năm, sân khấu kịch Báo chí Nhân văn đang từng bước tạo được tiếng vang từ nguồn năng lượng dạt dào của tuổi trẻ, từ luồng gió mới mẻ và từ những thông điệp của vở diễn mà các bạn đã mang lại.

“Điều làm tôi ấn tượng nhất ở vở kịch Đạo chích và quốc vương chính là tâm huyết của các bạn trẻ. Hơn 3 tiếng trong sân khấu, khán giả sẽ bị đốt cháy bởi ngọn lửa yêu nghề của các bạn. Chỉ riêng điều đó thôi cũng thật đáng tự hào và hân hoan. Tự hào vì một lớp trẻ dám nghĩ dám làm và hân hoan vì một làn gió mới sẽ được thổi vào nghề sân khấu tại TPHCM.”

Đạo diễn, thạc sĩ Hoàng Sĩ Đăng - giảng viên Đại học Hutech

Nếu Lá hát như mưa gây ấn tượng bởi lối kể chuyện từ hiện tại lùi về quá khứ thì Trái tim hóa thạch mang màu sắc liêu trai dùng thủ pháp đồng hiện, tất cả nhân vật trong quá khứ đều đeo mặt nạ trắng và khoác áo choàng đen trùm kín cơ thể. Đạo chích và quốc vương mang đến góc nhìn khác từ các câu chuyện cổ quen thuộc như Dã tràng, Đúc người, Quận Gió… với hơi hướm một vở kịch trinh thám. Không cố định ở thể loại, mỗi mùa diễn, các câu chuyện tại sân khấu mang một màu sắc khác, cho thấy sức sáng tạo và làm việc không mệt mỏi của cả đội. 

Tại sân khấu này, không có chuyện câu nước mắt hay cố tình gây cười và càng không cố bắt chước màu sắc của sân khấu khác để câu kéo khán giả. Các vở kịch của Báo chí Nhân văn gần với tư duy điện ảnh. Các cảnh diễn song song hay thủ pháp đồng hiện, câu khẩu hiệu đầu mỗi vở diễn… chính là phương thức mang điện ảnh đến sân khấu. Âm thanh và ánh sáng trong mỗi vở diễn gần với các sân khấu đương đại, thể nghiệm và biểu thị rõ nét thêm tình trong cảnh. 

Nguyễn Đức Huy, Võ Ngọc Quỳnh Như - “chủ xị” sân khấu kịch Báo chí Nhân văn

Nguyễn Đức Huy, Võ Ngọc Quỳnh Như - “chủ xị” sân khấu kịch Báo chí Nhân văn

Vì không được đào tạo bài bản về sân khấu nên mỗi khi được xướng tên ở phần dàn dựng hay đạo diễn, Huy đều có cảm giác ngượng ngùng. Thế nhưng, cách làm của Huy cho thấy anh rất biết giữ nhịp cảm xúc của khán giả. Vì thế, nếu thoạt đầu khán giả đến xem đa phần là sinh viên, phụ huynh với mục đích ủng hộ một hoạt động của con em thì hiện tại, sân khấu đã có thể tự hào khi có thêm nhiều khán giả tìm đến qua “truyền miệng” của bạn bè, qua chất lượng vở diễn được lan tỏa trên các nền tảng mạng xã hội. 3.000 vé bán ra vẫn là con số khiêm tốn nhưng rất đáng trân trọng đối với một sân khấu nhỏ xuất phát từ trường đại học, quy tụ toàn “tay ngang”, từ diễn viên cho đến biên kịch hay đạo diễn.

Sân khấu chuyên nghiệp gặp khó, sân khấu không chuyên cũng không ngoại lệ. Mỗi vở diễn ngốn mất khoảng 130 triệu đồng chỉ cho 2 suất diễn mỗi vở. Riêng vở mới nhất, Đạo chích và quốc vương đã ngốn mất của Huy khoảng 180-190 triệu đồng. Tiền vé và tài trợ không đủ, Huy phải bù thêm ít nhất khoảng 80-90 triệu đồng. Huy cũng nhận thấy để sân khấu có thể đi dài hơi, đây không phải là cách lâu dài. Bài toán lớn đặt ra là làm thế nào để cân đối chi phí hợp lý hơn. Huy mong mỏi có thể ổn định hơn về lịch tập của dàn diễn viên, tăng thêm suất diễn mỗi mùa. “Thế khó của sân khấu không chỉ nằm ở điều kiện tài chính. Các bạn còn lịch học, thi cử và đi làm thêm nên rất khó để thu xếp” - Huy nói.

Không chỉ tạo điều kiện cho lứa đàn em phát huy khả năng trong nhiều vai trò tại sân khấu, Huy còn để các bạn thử sức, kiếm thêm thu nhập và cơ hội nghề nghiệp từ các hoạt động của sân khấu qua mối liên kết với các nhà tài trợ. “Tôi trân quý sự yêu thương của mọi người nhưng tôi cũng lo sợ vì yêu thương thường gắn liền với kỳ vọng. Cho nên, tôi muốn mọi thứ phát triển theo hướng chậm mà chắc. Phát triển sân khấu thành chuyên nghiệp sẽ khó và đường còn rất xa nhưng chúng tôi luôn cố gắng từng ngày” - Huy nói.

Có thể đoàn tàu của Huy sẽ đi xa hơn, cũng có thể không nhưng tôi tin, cách làm tỉ mẩn và nỗ lực từng ngày của các bạn trẻ cho một tình yêu vô điều kiện đã thắp lên rất nhiều ngọn lửa ấm. Một ngày không xa, từ sân khấu này, sẽ lại có những Huy, những Như thứ hai, thứ ba hoặc những gương mặt tài năng mới bước ra từ khổ luyện để thành danh. Biết đâu được! 

Nhã Ca

Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI