Liên tục những ổ dịch trong bệnh viện
Nhiễm khuẩn bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế. Nhiễm khuẩn xảy ra trong vòng 30 ngày sau mổ. Ở các nước tiên tiến, có khoảng 1 - 5% ca nhiễm nhuẩn bệnh viện, ở các nước đang phát triển tỷ lệ này là 15 – 25%. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, nhiễm khuẩn vết mổ đứng thứ 2 trong nhiễm khuẩn bệnh viện (chiếm 15 – 31% trong số các nhiễm khuẩn bệnh viện).
|
80 người buộc phải cách ly tại Bệnh viện Từ Dũ vào tháng 6/2018 |
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) trăn trở, hiện nay quy định về xử phạt trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn đã có nhưng các bệnh viện mới dừng ở hình thức nhắc nhở.
Bệnh nhân đông gây quá tải chỉ một phần, còn lại do cá nhân của mỗi nhân viên y tế, ý thức của người bệnh, người nhà bệnh nhân khi vào bệnh viện.
Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện còn do các bệnh viện làm không triệt để, quy trình kiểm soát không chặt chẽ, lãnh đạo một số bệnh viện chưa quan tâm đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Nếu có ngân sách, các bệnh viện nên lắp camera ở các khoa phòng để vừa đảm bảo an toàn cho người bệnh, vừa kiểm soát hành vi thực hiện chống nhiễm khuẩn của nhân viên y tế
|
Cách nay không lâu, vụ 80 người mắc kẹt ở Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM (tháng 6/2018) khiến nhiều người hoang mang. Những người này buộc phải cách ly tại bệnh viện do họ vô tình tiếp xúc với một thai phụ nhiễm cúm A/H1N1.
Nguồn lây lan ban đầu được xác định từ một phụ nữ ở Tiền Giang vào Bệnh viện Từ Dũ điều trị bệnh phụ khoa. Người phụ nữ này bỗng lên cơn sốt cao liên tục, kèm theo triệu chứng đau nhức cơ thể.
Sau khi bệnh nhân này hết sốt, hàng chục người ở khu vực khoa Nội soi của Bệnh viện Từ Dũ xuất hiện các triệu chứng sốt cao 38 – 39 độ C, đau nhức người.
Số người bị sốt bao gồm cả bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế. Nhận định có thể đã xảy ra dịch bệnh do nhiễm siêu vi, Bệnh viện Từ Dũ phong tỏa khu vực này. Kết quả trong 18 trường hợp được xác định có 16 ca dương tính với virus cúm A/H1N1.
Một vụ việc thương tâm khác là 4 trẻ sinh non tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh tử vong chỉ trong một buổi sáng. Nguyên nhân do các bệnh nhi bị nhiễm khuẩn trong tình trạng bệnh viện quá tải.
|
Công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Bắc Ninh về vụ việc khiến 4 trẻ sơ sinh tử vong. |
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang xảy ra vụ 92 bệnh nhân được mổ nội soi (năm 2013) rơi vào nhiễm khuẩn vết mổ. Sau mổ, bệnh nhân không có dấu hiệu bất thường, nhưng sau khoảng 20 ngày bỗng xuất hiện 1-2 khối sưng gần sẹo mổ, hơi đau và có ít dịch. Lúc đầu, bác sĩ nghĩ bệnh nhân dị ứng với chỉ mổ. Thế nhưng, sau khi xử lý về chỉ mổ, tình trạng bệnh vẫn xảy ra.
Hiện bệnh sởi, tay chân miệng cùng xuất hiện và đang ở đỉnh cao của dịch, khiến nhiều gia đình lo lắng khi đưa con đến bệnh viện khám bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đến thị sát tình hình dịch bệnh ở Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM vào giữa tháng 10 đã nhắc nhở: các bác sĩ dùng ống nghe khám cho nhiều bệnh nhi, để nhiều ca bệnh nằm chung một giường, khoa hô hấp không có lối đi riêng… rất dễ lây lan dịch bệnh. Không chỉ lây trực tiếp giữa các bệnh nhi, người lớn vào chăm trẻ cũng sẽ bị lây nhiễm và đưa vi khuẩn ra cộng đồng…
|
Khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm ở Bệnh viện Nhi đồng 2 |
40 - 60% nhiễm khuẩn vết mổ có thể phòng tránh
Theo PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư – Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn TP.HCM, những trường hợp nhiễm khuẩn liên quan đến phẫu thuật bao gồm nhiễm khuẩn vết mổ, viêm phổi sau mổ, nhiễm khuẩn đường tiểu (do thông tiểu), nhiễm khuẩn máu (do truyền tĩnh mạch). Tại Việt Nam, nhiễm khuẩn vết mổ đứng thứ 2 trong nhiễm khuẩn bệnh viện.
Khi bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn vết mổ, thời gian nằm viện phải kéo dài thêm 7 – 10 ngày, tăng chi phí điều trị, tăng sử dụng kháng sinh, tăng 2 lần nguy cơ tử vong so với người bệnh không nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, 40 – 60% nhiễm khuẩn vết mổ có thể phòng tránh, từ những biện pháp phòng chống trước, trong và sau phẫu thuật.
BS Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Y khoa Medic TP.HCM – cảnh tỉnh: Bệnh viện là môi trường nguy hiểm nhất. Ở các nước, người vào bệnh viện phải có lý do chính đáng, chứ không thăm bệnh tràn lan. Các bệnh viện xây dựng khép kín lối vào – lối ra an toàn cho bệnh nhân, vận chuyển bệnh, người nhà đến thăm.
|
Người đàn ông áo đỏ này vô tư mở cửa khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực & chống độc, BV Quận Tân Phú rồi thúc con gái (áo vàng) vào với mẹ đang nằm điều trị nhưng nhân viên y tế không ngăn cản. Bé còn quá nhỏ, nguy cơ nhiễm vi khuẩn, vi rút từ bệnh viện rất cao. |
Ở Việt Nam, văn hóa thăm bệnh đáng báo động khi thói quen ra vào bệnh viện rất thoải mái, nhất là trẻ con và người lớn tuổi sức đề kháng yếu. Chưa kể, người bệnh được xuất viện nhưng vẫn thích xin nằm lại vài ngày cho an tâm. Điều này rất nguy hiểm, dễ nhiễm vi khuẩn khác độc hại từ bệnh viện.
Bác sĩ Phan Thanh Hải: Bệnh viện nước ngoài có thời hạn sử dụng sau 30 năm xây dựng
Bệnh viện ở Việt Nam đã xây dựng cả trăm năm. Vì vậy, với những bệnh nhẹ, hạn chế nhập viện để tránh nhiễm các loại virus nguy hại.
Đặc biệt, ở các bệnh viện tuyến cuối, ngày càng đông bệnh nhân và luôn tiếp những bệnh nhân nặng nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Cần phải đập bỏ bệnh viện lâu năm và di dời bớt ra ngoại thành, hạn chế mật độ dày đặc ở trung tâm.
|
Cũng theo BS Phan Thanh Hải, ở nước ngoài, theo quy định, bệnh viện có thời hạn sử dụng sau 30 năm xây dựng. Sau 30 năm, bệnh viện đập phá xây lại thì được kéo dài tổng cộng 50 năm.
Còn ở nước ta, nhiều bệnh viện được xây dựng đã trăm năm. Thời gian vận hành quá lâu, khiến bệnh viện trở thành nơi tập trung nhiều chất độc hại, như 1 ‘ổ dịch’ gây nên tình trạng nhiễm khuẩn, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, hiệu quả điều trị bệnh.
Đáng lưu tâm, tình trạng một số bệnh viện (nhất là các bệnh viện công) đã xuống cấp trầm trọng, nhưng việc cải tạo nâng cấp được thực hiện không đáng kể. Phòng mổ cũ, phòng bệnh chật hẹp là những nguyên nhân khiến tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn còn cao, vì các biện pháp sát khuẩn, phun thuốc khử trùng, mang găng tay, khẩu trang… chỉ giải quyết được bề nổi.
|
Bệnh viện Tai Mũi Họng có bảng hướng dẫn rửa tay rất bắt mắt nhưng bệnh nhân vẫn "ngó lơ" |
PGS.TS.BS Trần Văn Bình - cố vấn Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM – chia sẻ: Ở nước ngoài, bác sĩ tiếp nhận một ngày nhiều lắm 25 – 30 ca bệnh, trong khi bệnh viện Việt Nam quá tải dễ dẫn đến các ổ dịch nếu lơ là công tác chống nhiễm khuẩn.
Để hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện, cả người bệnh lẫn nhân viên y tế cần tuân thủ rửa tay với dung dịch sát khuẩn tại bệnh viện. Nhân viên vệ sinh tăng cường lau dọn ở khu vực hành lang, nhà vệ sinh, phòng khám… vì nơi đây chứa nhiều vi khuẩn và dễ lây bệnh nhất.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM:
"Pháp luật quy định cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo thực hiện biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn. Do đó, tình trạng kỹ thuật viên y tế lấy máu xét nghiệm nhưng không mang găng tay, hoặc không thay găng tay vẫn lấy máu cho nhiều người; việc bệnh viện để đồ dơ của bệnh nhân đã thay khắp lối đi là hành vi vi phạm tuân thủ quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo quy định của pháp luật về việc xử phạt trong lĩnh vực y tế, cụ thể tại Điểm c, Khoản 3 Điều 30 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì: hành vi vi phạm quy định không tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng. Theo tôi, nếu so sánh với mức độ nguy hiểm của hành vi gây ra so với mức xử phạt theo quy định, xem ra là còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe".
|
Nhóm phóng viên