Đó là những con số vừa được các bác sĩ báo cáo tại hội nghị Kiểm soát nhiễm khuẩn do Bệnh viện Bình Dân TP.HCM tổ chức vào tháng 9/2018.
Trước những con số báo động này, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đi thực tế nhiều tuần và phát hiện nhiều vi phạm trong hành nghề của nhân viên y tế.
8 giờ sáng 21/9, tại khu xét nghiệm lầu 1 của Bệnh viện Quận 1 TP.HCM chật kín bệnh nhân ngồi chờ đến lượt lấy máu xét nghiệm.
Tay không lấy máu liên tục
Bàn tiếp nhận bệnh nhân có 2 nhân viên lấy máu với hình ảnh trái ngược nhau. Một kỹ thuật viên nữ đeo khẩu trang, mang găng tay lấy máu cho bệnh nhân, kỹ thuật viên nam không mang khẩu trang, không đeo găng tay. Kỹ thuật viên nam lấy máu cho hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác bằng tay không.
Khi tiếng loa thông báo “Mời bệnh nhân Nguyễn Thị H. vào phòng lấy máu”, một phụ nữ trạc 50 tuổi bước vào, nam nhân viên này dùng tay không thoa thoa nơi đầu ngón tay bệnh nhân, rồi đâm nhanh kim tiêm vào lấy máu xét nghiệm tiểu đường.
Đến lượt bệnh nhân Trần P.Q. vào lấy máu khám tổng quát cũng được kỹ thuật viên thoa sát trùng lên cánh tay rồi nhanh chóng lấy máu. Sau 44 giây, bệnh nhân được thực hiện xong ca lấy máu. Tình trạng này tiếp diễn liên tục với nhiều người bệnh…
|
Bệnh nhân đến xét nghiệm máu tại Bệnh viện Quận 1 hầu hết là người lớn tuổi mắc tiểu đường, khám sức khỏe định kỳ. |
Đưa hình ảnh kỹ thuật viên không dùng găng tay lấy máu cho người bệnh, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – bất ngờ và ông nhận xét: nhân viên này còn không đeo khẩu trang, đội mũ y tế khi lấy máu. Việc mang đầy đủ dụng cụ bảo hộ khi lấy máu không chỉ ngăn bệnh truyền nhiễm cho người bệnh, mà còn bảo vệ chính nhân viên y tế. |
Vừa bước ra khỏi phòng lấy máu, tay khệ nệ sổ khám bệnh, giấy đóng tiền, ông Vũ Viết C. 66 tuổi (Quận 1) kể: “Tôi khám tổng quát định kỳ chứ cũng không mắc bệnh gì”.
Phóng viên hỏi sao ông không thắc mắc nhân viên không đeo găng tay khi lấy máu, ông phân vân: “Tôi có rành mấy vụ này đâu. Người ta nói sao mình nghe theo”.
Loa phát thanh gọi bệnh nhân số thứ tự 208 vào phòng, nam kỹ thuật viên tiếp tục lấy máu bằng tay không. Đến những thời điểm thưa người, nhân viên này dùng tay không đem các mẫu máu vào phòng xét nghiệm kế bên rồi quay trở lại phòng lấy máu.
|
Khu lấy máu tại Bệnh viện Trưng Vương |
Tại Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, sáng 22/9, khu lấy máu xét nghiệm tấp nập bệnh nhân ra vào. Tại đây có hai kỹ thuật viên nữ ngồi lấy máu xét nghiệm. Một kỹ thuật viên ngồi phía ngoài lấy máu hết bệnh nhân này đến bệnh nhân kia nhưng chỉ xài một đôi găng tay.
Vừa lấy máu xong cho anh Đ.H.H. (37 tuổi, khám tổng quát), chị không thay găng tay mới mà thò tay xuống dưới hộc bàn lấy kim tiêm khác tiếp tục công việc. Thỉnh thoảng kỹ thuật viên này dùng tay đeo găng chỉnh ghế đang ngồi cho ngay ngắn. Kéo ghế xong, chị lại tiếp tục mang găng tay cũ để lấy máu cho một bệnh nhân khoảng 40 tuổi.
Thỉnh thoảng, có bệnh nhân hỏi đường đến khoa phòng khác, chị đứng lên đi ra ngoài với đôi găng tay vừa lấy máu chỉ trỏ, hướng dẫn người bệnh nhiệt tình, rồi quay vào tiếp tục làm việc. Chúng tôi hỏi một số bệnh nhân, họ cho rằng vì quá đông nên cô y tá quên!
|
Lấy máu không mang găng tay tại Bệnh viện Trưng Vương |
Đầu giờ chiều 25/10, chúng tôi quay lại khu lấy máu Bệnh viện Trưng Vương. Hầu hết bệnh nhân đi xét nghiệm buổi sáng nên lúc này, phòng lấy máu rất ít ca bệnh. Khoảng 15 – 20 phút mới có một ca.
Cô y tá có kinh nghiệm lâu năm tên T.T. thản nhiên dùng tay không để lấy máu cho bệnh nhân nữ khoảng 50 tuổi. Khi một bệnh nhân nam đến hỏi khi nào có kết quả xét nghiệm, cô y tá vô tư nhìn lên trả lời mà không để ý đến ống tiêm đang lấy máu.
Sáng 26/10, tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực & chống độc, Bệnh viện Quận Tân Phú, một bác sĩ thoa sát trùng lên cánh tay bệnh nhân và chích thuốc nhưng không mang găng tay.
Coi nhẹ sức khỏe của mình
BS Nguyễn Thành Tâm – Giám đốc Bệnh viện Quận 1 cho biết sẽ xử lý nghiêm nhân viên y tế tay không lấy máu xét nghiệm.
BS Lê Thanh Chiến – Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương – cho rằng, việc nhân viên không thay găng tay hoặc không mang găng tay lấy máu cho người bệnh là do sự cẩu thả của cá nhân, chứ không phải chủ trương của bệnh viện tiết kiệm găng tay.
|
Theo Thông tư 15/2018/TT-BYT về giá dịch vụ khám chữa bệnh, chi phí về mũ, khẩu trang, găng tay, bông, băng, cồn, gạc, nước muối rửa đã được tính trực tiếp vào giá khám bệnh.
Hiện giá khám ở bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng 1 là 33.100 đồng/ca; bệnh viện hạng 2 với 29.600 đồng, bệnh viện hạng 3 có giá 26.200 đồng.
Chi phí găng tay được Bộ Y tế tính vào giá khám bệnh như: găng tay dài dùng một lần có giá 1.890 đồng, găng tay ngắn dùng một lần là 1.400 đồng. Vậy những bệnh viện lấy máu xét nghiệm cho cả trăm - ngàn ca/ngày, nếu trường hợp nào cũng không mang găng tay hoặc xài chung một găng tay thì “số tiền tồn kho” này về đâu?
Một kỹ thuật viên có tay nghề lâu năm tại bệnh viện tuyến cuối chia sẻ: “Bệnh viện không tiết kiệm găng tay, chẳng qua do cẩu thả, lười mang găng tay. Tất cả điều dưỡng, kỹ thuật viên lấy máu đều nắm rõ những quy định về rửa tay, mang găng, thay găng tay… khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Nhưng, một buổi sáng lấy máu cho vài trăm bệnh nhân, nên không còn thời gian thay găng tay. Ví dụ một buổi tiếp nhận khoảng 200 ca, kỹ thuật viên chỉ dùng 1 phút lấy máu (không ăn uống, đi vệ sinh) cũng hết 3 tiếng mới lấy máu xong.
Tuy nhiên, tôi sẽ thay găng với những bệnh nhân lở loét, mắc bệnh da liễu mà có thể nhìn bằng mắt thường hoặc thay găng sau 3-4 ca lấy máu thông thường. Ngoài quá tải, việc không thay găng còn do người lấy máu chủ quan. Ví dụ gần giờ trưa, hoặc nhân viên vừa tháo găng xong, chuẩn bị ra ngoài nghỉ ngơi, bỗng có một người đến lấy máu, nhân viên quay vô lấy cho nhanh mà không mang găng.
Mỗi bệnh viện đều có tổ hoặc khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn để phát hiện và báo cáo lên lãnh đạo những trường hợp không mang găng, rửa tay… Nhưng chỉ nhắc nhở, chứ chưa bao giờ xử phạt hay viết kiểm điểm, làm tường trình”.
Ước tính bệnh do tiêm không an toàn gây ra trên thế giới khoảng 21 triệu ca nhiễm viêm gan B, 2 triệu ca nhiễm viêm gan C, 260.000 ca HIV. (Số liệu thống kê tại hội nghị Kiểm soát nhiễm khuẩn do Bệnh viện Bình Dân TP.HCM vào tháng 9/2018) |
PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM - cho biết, khi tiếp xúc với máu hay dịch tiết của người bệnh, bắt buộc phải mang găng tay.
Ngay cả khi cấp cứu, nhân viên y tế không thể viện lý do "nhằm chanh chóng cứu chữa người bệnh", cho việc không mang găng tay khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Chỉ mất khoảng 30 giây cho việc mang gang tay, nhưng mang lại hiệu quả cao cho nhân viên y tế trong việc bảo vệ bản thân mình khỏi bị phơi nhiễm với các bệnh lây truyền từ máu, dịch tiết của bệnh nhân. Lưu ý là găng tay chỉ sử dụng cho mỗi người bệnh, không sử dụng cho nhiều người bệnh, việc mang găng tay không thể thay thế cho việc rửa tay.
PGS.TS.BS Trần Văn Bình – cố vấn Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM – giải thích: Khi lấy máu, vị trí tiêm chích sẽ tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Nếu chẳng may, tay của kỹ thuật viên dính virus HIV, viêm gan siêu vi… do vừa lấy máu từ một bệnh nhân khác rồi chạm vào vết chích đó hoặc vết trầy xước của bệnh nhân thì người bệnh đối diện nguy cơ nhiễm bệnh. Thậm chí, nếu bàn tay y tá, kỹ thuật viên bị trầy xước cũng có thể lây bệnh do sự cẩu thả này.
ThS điều dưỡng Võ Thuận Anh - Bệnh viện Bình Dân TP.HCM - cảnh báo: Tiêm không an toàn là nguyên nhân lây truyền các bệnh qua đường máu như: viêm gan siêu vi B, viêm gan C, HIV. Hiện khoảng 50% các mũi tiêm ở các nước đang phát triển là không an toàn.
Tại hội nghị Kiểm soát nhiễm khuẩn do Bệnh viện Bình Dân TP.HCM tổ chức, các bác sĩ thông tin: 55% nhân viên y tế chưa được cập nhật thông tin về kiểm soát nhiễm khuẩn. Phần lớn nhân viên y tế chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật và các thao tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong thực hành tiêm như: vệ sinh tay, mang găng tay, phân loại và thu gom vật sắc nhọn sau tiêm…
|
Bài 2: ‘2 không’ trong bệnh viện
Nhiều bệnh viện chuyển bệnh với băng ga “cởi trần”, còn nhân viên y tế lẫn người bệnh không rửa tay dù chai sát khuẩn nằm ngay trước mặt…
Nhóm phóng viên