Ổ dịch tại tu viện quận Gò Vấp và chung cư 89-91 Nguyễn Du được xử lý như thế nào?

21/02/2022 - 20:02

PNO - Vừa qua, một tu viện tại quận Gò Vấp và chung cư 89-91 Nguyễn Du, quận 1 được xác định là 2 ổ dịch COVID-19 với số F0 hơn 20 người.

 

Chung cư 89-91 Nguyễn Du được xác định là ổ dịch COVID-19 với hơn 20 ca F0
Chung cư 89-91 Nguyễn Du được xác định là ổ dịch COVID-19 với hơn 20 ca F0

Chiều 21/2, tại buổi họp báo thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM, liên quan đến chùm ca bệnh 54 F0 tại một tu viện ở quận Gò Vấp và chùm 23 ca bệnh tại chung cư 89-91 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, cơ quan chức năng cho biết tạm thời 2 chùm ca bệnh đang được kiểm soát.

Về chùm ca bệnh tại quận Gò Vấp, ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp - cho biết, tu viện trên có 20 linh mục, tu sĩ. Nơi đây nhận chăm sóc, tạo điều kiện học tập cho 140 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Các em hiện đang theo học ở các trường học trên địa bàn quận Gò Vấp.

Ngày 15/2, Trường THCS An Nhơn phát hiện 1 học sinh lớp 7 có triệu chứng nghi ngờ, kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, được xác định lưu trú tại tu viện. Đơn vị y tế tại địa phương lập tức khoanh vùng, điều tra truy vết, phát hiện thêm 54 trường hợp F0, trong đó 1 tu sĩ sinh năm 1990 quản lý trực tiếp của các em, 53 trường hợp F1.

Sau khi xác định F0, ngành y tế đã cách ly riêng bệnh nhân tại một dãy nhà trong tu viện, phun xịt khử khuẩn khuôn viên. Được biết, tất cả F0 đều tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19, đa số người bệnh không có triệu chứng, một số ít có triệu chứng rất nhẹ và được cấp thuốc theo quy định. Qua 6 ngày, các F0 đều ổn định, không phát sinh thêm ca mắc mới.

Ông Ngọc Anh cho biết: “Các tu sĩ và linh mục khác không có triệu chứng bất thường và tiếp tục sinh hoạt tôn giáo”.

Theo ông Nguyễn Duy An – Phó chủ tịch UBND quận 1 - ngày 18/2 chung cư 89-91 Nguyễn Du phát hiện 6 ca mắc COVID-19, đến ngày 20/2, khi lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân tại chung cư, phát hiện thêm 17 ca. 

“Đây là chung cư nhỏ đông dân với 65 hộ sinh sống, buổi trưa cũng có nhiều người bên ngoài đến gửi xe. Vì vậy chính quyền địa phương nhanh chóng tiến hành khoanh vùng, phong tỏa tạm thời ổ dịch cộng đồng trong 24 giờ, xét nghiệm toàn bộ người dân để tầm soát ca nhiễm phát sinh”, ông An nói.

Đến sáng nay (21/2), phường Bến Nghé xác định đã khoanh vùng dịch ở phạm vi nhỏ nhất và gỡ bỏ phong tỏa. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm 5 ngày/lần theo mẫu gộp hộ gia đình, đến khi không còn F0. Những người âm tính được đi lại nhưng giới hạn giao tiếp trong cộng đồng, không được tham dự các sự kiện tập trung quá 10 người.

Về số F0 thực tế tại TPHCM, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM - cho biết hiện tại địa bàn TP có 11.323 người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà. Con số này bao gồm F0 và một số nghi ngờ F0 mà y tế địa phương chưa có thời gian xác định. 

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, quy định mới của Bộ Y tế về xác định người có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 sẽ là F0, nhưng nếu test nhanh dương tính thì phải có thêm các điều kiện đi kèm. 

Ông Tâm phân tích: “Ví dụ, người test nhanh dương tính phải có thêm yếu tố là F1 của F0 nào đó, hoặc phải kèm theo triệu chứng và yếu tố dịch tễ, hoặc phải có 2 test nhanh dương tính trong 8 tiếng đồng hồ mới được xem là F0. Như vậy, con số 11.323 người này lớn hơn số F0 thực sự của TP”.

Về tình trạng các F0 đang cách ly tại nhà, ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin bệnh nhân COVID-19 đang được chăm sóc, theo dõi theo các hướng dẫn y tế. Theo đó, F0 được cấp phát thuốc Molnupiravir miễn phí trong chương trình thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế nếu có nhu cầu và đúng đối tượng. 

Thông tin thêm về tình hình chăm sóc F0 tại nhà, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM - cho biết TP đang còn trên 40.000 liều thuốc kháng virus, tất cả các cơ sở ở y tế đã nhận và tiếp tục cấp phát cho F0 theo quy định. 

Bà Huỳnh Mai nói thêm: “Chất lượng của thuốc Molnupiravir trong chương trình thử nghiệm lâm sàng và thuốc sẽ sản xuất trong nước tới đây, có chất lượng như nhau. Những công ty sản xuất thuốc cung cấp cho đề tài nghiên cứu Molnupiravir cũng là công ty được Bộ Y tế cho phép.

3 công ty mới được Bộ Y tế cấp phép sản xuất thuốc là thuốc Oflo-Boston, Stella, Mekophar. Trong tuần sau Bộ Y tế sẽ họp với các công ty trên về giá, kế hoạch sản xuất, phân phối thuốc”.

Trong đó thuốc kháng virus Molnupiravir cũng như các loại thuốc kháng sinh, khi bán tại tiệm thuốc tây đều phải có kê toa của bác sĩ, không bán rộng rãi và đại trà. Hiện nay TPHCM có 2.352 nhà thuốc tham gia trong việc chăm sóc, tư vấn, theo dõi F0 tại nhà trên địa bàn.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI