Như thước phim quay ngược về những ngày thơ ấu sống tại trang trại của gia đình, Jesse Peterson – một tác giả người Canada viết sách bằng tiếng Việt, khéo léo kể về cuộc đời mình. Ở đây vui quá, xin lỗi, cười hết nổi là cuốn sách thứ 2 của Jesse Peterson viết bằng tiếng Việt – thứ ngôn ngữ khiến chàng trai ngoại quốc say mê từ 7 năm về trước.
Jesse Peterson không xa lạ với báo chí Việt vì anh xuất hiện nhiều trên truyền hình với vai trò MC trải nghiệm, với tư cách một ông giáo dạy tiếng Anh miễn phí hay tác giả của những bài phản biện – góc nhìn trên báo. Điểm chung nhất của Jesse là anh hài hước trước mọi vấn đề, nhìn cuộc sống bằng con mắt của sự lạc quan, đôi khi xám xịt nhưng sau cùng vẫn ánh lên những tia hy vọng. Do đó, Ở đây vui quá, xin lỗi, cười hết nổi tiếp tục là tuyển tập những câu chuyện cười ra nước mắt, vui đó nhưng để lại nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.
Một trái tim luôn hướng về quê hương
Trong Ở đây vui quá, xin lỗi, cười hết nổi, Jesse Peterson thường bắt đầu câu chuyện bằng cách kể về những kỷ niệm khi còn sống ở Canada. Từ việc đi săn cùng bố lúc 10 tuổi đến bài học về lòng dũng cảm. Không chỉ được học về trách nhiệm, cậu nhóc Jesse Peterson trong đánh trận giả với lũ bạn hiếu chiến còn gợi đến bài học về việc nắm bắt thời cơ, tận dụng cơ hội để chiến thắng kẻ mạnh sức nhưng yếu tinh thần.
|
Bìa cuốn sách là những người bạn và nhân vật liên quan đến cuộc sống của Jesse Peterson. |
Ở đây vui quá, xin lỗi, cười hết nổi không phải là một cuốn tự truyện nhưng nếu đọc trọn vẹn, người đọc vẫn thấy nhiều thông tin về cuộc sống của Jesse. Cuộc sống của một đứa trẻ ở trang trại của gia đình, cách vài bước chân là khu rừng xanh ngát được kể lại để có sự liên kết với tình yêu thiên nhiên về sau. Cuộc sống của một người lính ở chiến trường Afghanistan khổ cực trong suốt 5 năm rèn cho Jesse sức khoẻ và sức chịu đựng với tiện nghi cuộc sống dường như nằm ở mức 0.
Những câu chuyện được kể nhẹ nhàng, không khoe mẽ về bản thân dù anh có nhiều trải nghiệm quý báu hơn nhiều người khác. Hơn thế, bạn đọc thấy ở Jesse một con người sống tình cảm. Thời gian đầu sang Việt Nam, Jesse gặp quá nhiều khó khăn dễ đẩy anh đến quyết định rời khỏi nhưng sau cùng, anh vẫn chọn ở lại. Không phải vì anh hết yêu quê hương, gia đình, người thân mà vì Jesse đã dành tình yêu cho một vùng đất khác, dễ sống và còn quá nhiều điều để khám phá. Những tình cảm đáng quý này đều được Jesse nhắc đến trong sách.
|
Jesse Peterson luôn hài hước trong những câu chuyện giao lưu với bạn đọc. |
“Giờ con rất hạnh phúc với những gì con đã và đang xây dựng cho cuộc sống của con ở Việt Nam. Nếu con lại “phá bỏ”, quay về Canada để bắt đầu lại và phải cố gắng trong mấy năm nữa để “xây dựng” lại thì con nghĩ con sẽ rất buồn, buồn giống kiểu bị thất tình. Con không về Canada thì mời bố sang Việt Nam chơi nhé! Không có lạnh dã man như Canada đâu. Hẹn gặp bố một ngày gần nhất”, Jesse viết thư gửi bố.
Một “công dân” Việt đúng nghĩa
Jesse sống ở Việt Nam 7 năm và với một người thích “xê dịch”, anh đi đến nhiều vùng đất mới trên khắp cả nước để tìm hiểu về văn hoá bản địa. Công việc tại một kênh truyền hình và cộng tác với nhiều tờ báo giúp Jesse có kiến thức rộng về xã hội. Trong Ở đây vui quá, xin lỗi, cười hết nổi có nhiều bài viết về các đề tài nổi cộm.
Jesse nói về chỉ số hạnh phúc của người Việt và đặt câu hỏi liệu con số xếp hạng trong top 5 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới có đúng? Nồng độ hạnh phúc là tựa bài viết gợi nhiều suy ngẫm.
“Nhìn lại trải nghiệm của mình, trong 17 nước tôi từng qua, tôi không thấy người Việt Nam nào hạnh phúc đến mức độ “đứng đầu thế giới”. Có nhiều khía cạnh mang tính tập quán của người Việt không ủng hộ khái niệm “hạnh phúc””, Jesse viết.
|
Jesse Peterson không có ý định về Canada vì đã "lỡ" yêu Việt Nam. |
Tác giả chỉ ra, rất khó để khẳng định một người đang hạnh phúc vì các nhà khoa học phải kiểm tra độ cân bằng của hoóc môn trong một thời gian dài. Ngoài ra, Jesse cho rằng người Việt dễ nản, suy nghĩ khá tiêu cực, hay nói “đời là vậy”. Do đó, kết luận quốc gia hạnh phúc là vội vàng và thiếu thực tế.
Ở các bài viết của mình về tham nhũng, về chuyện tạo mối quan hệ trên bàn nhậu, chuyện ngại bảo vệ kẻ yếu thế trong cuộc ẩu đả ngoài đường, chuyện vợ Việt – chồng Tây, vấn nạn xả rác tại các khu du lịch mới nổi... đều được Jesse đưa ra những ví dụ cụ thể. Trong đó, hầu hết là những câu chuyện anh từng trải qua hoặc nghe từ người thân và tự quan sát. Điều đáng khen cho Ở đây vui quá, xin lỗi, cười hết nổi là những vấn đề tưởng chừng “đao to búa lớn”, khô khan lại được hài hước hoá trong cách kể của Jesse. Dễ hiểu và dễ thấm, đó là thành công lớn của một tác giả nước ngoài kể câu chuyện cho người Việt bằng chính ngôn ngữ của nước sở tại.
Jesse vẫn đang tìm hiểu về văn hoá Việt dù trải nghiệm của anh, nhiều người Việt khác khao khát có được. Trên hành trình khám phá hiện tại, Jesse nói rằng mình hạnh phúc vì có một người yêu là người Việt, có một xóm trọ yêu thương anh như người thân và có những cơ quan báo chí luôn đón chờ bài viết cộng tác mới. Jesse gọi đó là hạnh phúc và với một vị khách quốc tế nhưng “đậm chất” Việt như Jessi, anh nói sẽ ra mắt thêm nhiều cuốn sách khác vì một điều duy nhất: “Tôi trót yêu Việt Nam mất rồi”.
Minh Tú