Năm 2017, UBND thành phố Hà Nội ban hành Bộ quy tắc ứng xử tại nơi công cộng. Tại điều 6 của bộ quy tắc ứng xử này có hướng dẫn rõ về việc không được xâm hại cảnh quan, không gian tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, tại một số điểm di tích nổi tiếng tại trung tâm TP. Hà Nội, vẫn còn nhiều vết tích của việc vẽ bậy. Các nơi bị thiệt hại bởi hành vi vẽ bậy, có thể nhắc đến hai di tích nổi tiếng nằm trong quần thể di tích Hồ Gươm là tháp Hòa Phong và tháp Bút. Đây là hai điểm thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tham quan. Nhiều năm trở lại đây, hai di tích này phải hứng chịu nhiều dấu vết xấu xí do du khách để lại.
|
Bên trong tháp Hòa Phong chằng chịt những nét bút xóa, bút dạ |
Xung quanh 4 góc tháp Hòa Phong bị phủ kín những dòng chữ viết bằng bút xóa, các hình vẽ đủ hình dạng, màu sắc. Thậm chí một số kẻ kém ý thức còn sử dụng cả vật nhọn để khắc lên cột tháp. Những câu chữ tiếng Việt lẫn tiếng Anh chồng chéo lên nhau và tồn tại nhiều năm nay, mực cũ chưa khô, mực mới đã xuất hiện.
Tại khu vực chân tháp Bút (đền Ngọc Sơn) hay khu vực nhà Thái Học (Văn Miếu - Quốc Tử Giám), có thời điểm từng chung cảnh ngộ này. Dù được bảo vệ bằng hàng rào bao quanh và có biển báo cấm trèo và viết, vẽ lên tượng nhưng nhiều bạn trẻ vẫn vô tư trèo lên khu vực chân tượng và vượt qua hàng rào.
|
Những vết khắc bằng vật nhọn tại tháp Hòa Phong |
Việc này diễn ra trong một khoảng thời gian dài, đến độ lòng chuông tại Văn Miếu chi chít chữ.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Để giảm bớt nạn vẽ bậy, xâm hại khu di tích, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh cáo đối với những hành vi như vậy. Ngoài ra, tại Văn Miếu, chúng tôi có các biển cảnh báo đặt bên ngoài hàng rào và gắn camera tại nhiều khu vực.
|
Cột cờ Hà Nội cũng có nhiều vết tích do các bạn trẻ để lại |
Khi thấy người có dấu hiệu vi phạm hoặc có ý định vi phạm, chúng tôi cho người ra nhắc nhở ngay. Người tái phạm việc viết, vẽ bậy lên di tích sẽ có bị cấm không cho vào di tích”.
Ông Kiêu cũng cho biết, hiện tại, chế tài xử phạt với những hành vi phá hoại này chưa cụ thể. Các chế tài cũng phải dựa trên khảo sát thực tiễn mới có thể đưa ra, nhưng rõ ràng là thực sự cấp thiết.
|
Nhiều khu vực trong Văn Miếu Quốc Tử Giám được gắn camera để quan sát bảo vệ di tích không bị xâm phạm |
"Ở nhiều nước, chế tài xử phạt với các hành vi xâm phạm di tích rất chặt chẽ, hình thức cũng rất là nghiêm khắc. Thời gian gần đây, chúng tôi đã phải bảo vệ rất cẩn thận, chặt chẽ để giữ cho Văn Miếu được sạch sẽ như hiện tại", ông Lê Xuân Kiêu cho biết.
Khốn khổ vì vấn nạn viết, vẽ bậy lên di tích Huế
Vô tư vẽ bậy lên di tích dù có biển “cảnh báo” ở địa điểm du lịch là những hình ảnh xấu xí của du khách khi đến tham quan cố đô Huế.
Cảnh tượng viết vẽ bậy trên đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ hiện không còn. Nhưng bên trong đại hồng chung vẫn còn một vài dòng chữ nhỏ ghi “kỷ niệm”.
Trong khi đó, phía chính diện nhà bia Ngự kiến Thiên Mụ tự của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), tình trạng viết vẽ bậy diễn ra khắp khu vực đặt tấm bia này.
|
Du khách Hàn Quốc bàn tán về những chữ viết bậy trên tấm bia |
Nhiều người mê tín cho rằng khi đến tham quan tại đây phải khắc chữ lên mai rùa đội bia để được may mắn, hạnh phúc trường tồn. Vì vậy, bất chấp quy định của nhà chùa, phần trên thân rùa này từ đầu đến đuôi chật kín những dòng chữ cầu an, nguyện cầu tình yêu...
Từ đầu rùa, thân rùa, đến phần phía sau lưng tấm bia, có rất nhiều dòng chữ cả mới lẫn cũ với nhiều nội dung như: Cho con thi đậu cấp 3, Lê, Thủy, Anh yêu em… Con sẽ gắng học giỏi, T. Kim Chung 19.3.1957, Bạn Lê Phúc sẽ yêu em…
|
Không chỉ viết, nhiều người còn khắc chữ lên mai rùa bằng đá |
Nhìn những dòng chữ nguệch ngoạc được viết bằng bút xóa trên mai rùa, chị Nguyễn Thị Hoa - du khách đến từ TP.HCM bất bình: “Tại sao các bạn trẻ lại thiếu ý thức đến mức chửi nhau cũng ghi lên hiện vật, di tích. Như thế này sẽ làm xấu đi hình ảnh con người Việt Nam với thế giới”.
Cách đó chưa đầy 50m, chiếc trống cổ ở lầu trống trước cổng chùa Thiên Mụ cũng bị du khách viết vẽ bậy lên, với những dòng chữ rất chướng mắt như: T yêu K, Kỷ niệm tình yêu ở Thiên Mụ…
|
Chiếc trống lâu đời bị khắc đầy những cái tên |
Ngược dòng Sông Hương về phía thượng nguồn, di tích Văn Miếu thuộc phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng rơi vào cảnh tương tự.
Văn Miếu được xây dựng năm 1808 dưới triều vua Gia Long, là nơi trang nghiêm, đề cao việc học, trọng hiền tài. Nhưng những tấm bia lẫn nhà bia nơi đây đã bị du khách bôi bẩn từ nhiều năm qua.
|
Hình ảnh xấu xí trên nhà bia Văn Miếu |
Ở Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong tại Huế, bên cạnh tên các anh hùng là những câu thề thốt yêu đương, trái tim có hình mũi tên xuyên qua… do những người thiếu ý thức bôi vẽ.
Ông Lê Hữu Minh - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, việc phát hiện xử lý các trường hợp viết vẽ bậy của du khách tại các điểm ở di tích Huế hiện nay rất khó khăn vì lực lượng thanh tra ngành còn khá mỏng.
|
Viết bậy lên cả nơi khắc bia tiến sĩ ở Văn Miếu |
Từ tháng 3/2017, Bộ VH-TT-DL ban hành Bộ quy tắc ứng xử đối với du khách khi đi du lịch ở Việt Nam để định hướng và nhắc nhở du khách những điều nên - không nên làm khi đặt chân đến mỗi địa danh. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, để những quy tắc ứng xử văn minh này phát huy tác dụng trong thực tiễn, cần có sự vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ từ các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch...
Thói quen xấu xí này của người Việt ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín quốc gia, tác động không nhỏ đến môi trường du lịch Việt Nam, không gian văn hóa. Để giảm thiểu được thói xấu này, cần cả hệ thống pháp lý, giáo dục nhà trường, gia đình và mong chờ ý thức của từng cá nhân.
An Vũ - Thuận Hóa