Người ta nói "xa thương gần thường" quả chẳng sai. Đến vợ chồng còn không tránh nổi bất đồng, nảy sinh xích mích huống hồ là bao nhiêu thế hệ cha mẹ, anh em, con cái, râu dể bị ép sống chung một nhà.
Bà nội tôi tuyên bố: “Chừng nào bà còn sống tất cả phải ở chung cho vui”. Tôi tự hỏi, liệu bà có cảm thấy... vui không? Rồi tôi đoán chắc chẳng ai vui cả, kể cả bà.
Thậm chí không ghét cũng trở nên ghét nhau vì ngày nào cũng va vào nhau chan chát khi quyền cá nhân tối thiểu bị xâm phạm hoặc ấm ức chảy nước mắt trong cảnh sống “cha chung không ai khóc”, trách nhiệm chi phí liên quan tới sinh hoạt của đại gia đình bị đùn đẩy qua lại.
|
Tam đại đồng đường có còn phù hợp nữa không? |
Nghe cứ như thời phong kiến mà lại xảy ra ở nhà tôi, một gia đình ngay giữa một khu đô thị hiện đại tại TP.HCM. Ông bà nội tôi sinh được hai người con trai. Ông bà khá giả, có hai căn nhà cho thuê tại Sài Gòn, hiện cả gia đình chúng tôi đang sống chung trong một căn biệt thự. Ba mẹ tôi kết hôn 20 năm, năm nay tôi 18 tuổi thì chừng ấy năm tôi chứng kiến mẹ tôi khóc, còn ba trở về nhà như một nghĩa vụ.
Nhà cửa dư dả đem cho thuê, nhưng bà nội không cho ba mẹ tôi ra riêng. Ông nội chiều theo ý bà vì từ trước tới nay mọi việc nhà tôi đều do bà quyết định. Như vậy là dù sống trong căn biệt thự to đùng nhưng không gian sinh hoạt riêng của mỗi gia đình nhỏ chỉ gói gọn trong cái phòng ngủ. Hễ thấy gia đình tôi ở trong phòng nhiều là bà tỏ thái độ không hài lòng.
Bà gọi ba mẹ tôi góp ý nếu xem ti vi phải ra phòng sinh hoạt chung để tất cả nhà cùng xem, như thế mới giữ được sự gắn kết của tất cả các thành viên. Thế là để bà vui, ba tôi đành dẹp luôn cái ti vi trong phòng chúng tôi, còn mẹ và tôi kể từ ấy không bao giờ xem ti vi nữa. Tôi còn nhớ ba mẹ cãi nhau về chuyện này.
Mẹ nói rằng khi xem ti vi cần mặc đồ thoải mái, nằm trên giường mới gọi là giải trí. Nay sang phòng sinh hoạt xem cùng cả ông bà và chú út thì mẹ phải mặc đồ chỉnh tề, nghiêm túc, ngay cả tư thế nằm ngồi cũng không thể tự nhiên như ở phòng riêng. Còn tôi, tuy lúc ấy mới vài tuổi nhưng tôi cũng không muốn, bởi khi ông bà và cả nhà xem ti vi tôi thường hay làm ồn và bị mắng.
Mọi chuyện trở nên khó khăn hơn khi chú út tôi cưới vợ, bà cũng không cho vợ chồng chú ở riêng. Thế là gia đình chú hệt gia đình tôi, rút về một căn phòng trong ngôi nhà tam đại đồng đường này.
Sáng ra, tất cả mọi người phải ăn sáng cùng nhau rồi mới được ra khỏi nhà, đi làm và đi học. Chẳng bao lâu phát sinh chuyện giữa mẹ tôi và thím dâu vì chuyện rửa chén. Cứ thế rồi mẹ và thím hậm hực lẫn nhau, không nói chuyện với nhau, dù giáp mặt, vì ghét nhau nhưng ngày nào cũng vẫn phải ngồi ăn chung với nhau.
Chẳng riêng mâu thuẫn giữa thím dâu và mẹ tôi, xích mích xảy ra giữa cả bà và mẹ, bà và thím dâu. Bà muốn thím ra đường không được đi giầy cao gót, bà cho rằng như thế không tốt cho sứ khoẻ và nhìn có vẻ... không đứng đắn. Để được ăn mặc, đi đứng theo ý mình (vì thím còn rất trẻ mới ngoài 20 tuổi và đang làm cho công ty nước ngoài), thím phải cất đôi giầy trong cốp xe máy, để ra tới đầu đường thì đổi giầy.
Bà cũng không vừa mắt mẹ tôi vì từ ngày có vợ chồng chú út, mẹ càng sống khép kín, ăn cơm không nói chuyện, phần lớn thời gian mẹ ở trong phòng. Bà dẫn thím dâu xuống phòng gia đình tôi gõ cửa, bà tự mời thím vào phòng ngủ của ba mẹ tôi... ngồi chơi và trò chuyện với chị cho vui.
Bà bảo ba mẹ con gái thế này nên có nhiều thời gian tâm sự cho vui. Không biết bà vui không nhưng tôi thấy mẹ đang nằm đọc báo trên giường phải vội vàng bật dậy dọn phòng, cất vội mấy vật dụng cá nhân còn bừa bãi và gồng mình chịu trận.
Thím dâu cũng chẳng biết nói gì, thời gian cứ thế nhạt nhẽo trôi qua cho tới lúc ba tôi đi làm về. Lúc này thím tranh thủ lấy cớ đánh bài chuồn.
|
Gia đình tôi vật vã, gia đình chú thím cũng vật vã vì những tự do cá nhân tối thiểu bị xâm phạm. Ảnh minh hoạ |
Gia đình tôi vật vã, gia đình chú vật vã vì cứ bị ép phải sống chung. Mỗi lần chú hay bố tôi đề xuất chuyện ra riêng là bà tôi khóc ngất. Bà nói cuộc đời bà hy sinh nhiều cho gia đình, nuôi chú và bố khôn lớn thành đạt. Bà không cần tiền bạc, chỉ cần mỗi sáng mở mắt ra, mỗi bữa cơm, mỗi tối trước khi đi ngủ được chính mắt nhìn thấy con cháu của mình. Bà phải nhìn thấy bố và chú trở về nhà mỗi ngày bà mới yên tâm. Bà cũng muốn từng ngày thấy các cháu lớn lên trong chính ngôi nhà ông bà đã khổ lao gầy dựng. Khi mất đi bà muốn trong chính căn nhà này, đủ đầy con cháu quây quần.
Tuổi thơ tôi sống trong căn nhà đó, căn nhà đầy đủ ông bà, cha mẹ, chú thím và sau này là em họ tôi (con của chú thím). Tôi đã từng bao lần hỏi ba mẹ mình: “Bao giờ mình mới có căn nhà của riêng mình, bao giờ con được mời bạn bè về nhà chơi mà không lo sợ bà nội mắng vì làm ồn, bao giờ mẹ có thể thoải mái xem ti vi và đọc sách trong căn phòng của ba mẹ”.
Tôi đã vào đại học, đi học xa nhà. May quá, không còn phải ở trong căn nhà ấy nữa. Thế nhưng ba mẹ, chú thím, em họ tôi vẫn vật vã mỗi ngày. Em họ tôi cũng đang hỏi câu hỏi như tôi với bố mẹ nó: “Bao giờ nhà mình được ra riêng, bao giờ mẹ nó được thoải mái đi đôi giày mẹ nó muốn mà không phải len lén bỏ giầy vào cốp xe, bao giờ...”