Ở chung cư, trẻ em được ai bảo vệ?

28/12/2021 - 18:38

PNO - Khi các chung cư cao tầng quá xa hội phụ nữ, đồn công an, tổ dân phố... liệu rằng có nên lập thêm hội, nhóm, tổ chức bảo vệ trẻ em?

Những tưởng xã hội hiện đại đã “xử lý” những tiêu cực mà ông bà ta đúc kết về mối quan hệ của con người. Nhưng không, khi nhiều thành phần trong xã hội đang phấn đấu để sống nhân văn hơn, thì vẫn còn đó những kẻ ác, những vụ việc đau lòng liên quan tới trẻ em.

Hàng xóm thắp nến tưởng nhớ bé V.A
Hàng xóm thắp nến tưởng nhớ bé V.A

Mấy hôm nay dư luận sôi sục phẫn nộ với kẻ thủ ác sau cái chết tức tưởi của bé V.A. 8 tuổi ở TPHCM. Theo như người bác của V.A. chia sẻ, hàng xóm biết về việc bé bị người tình của cha hành hạ trong một thời gian dài. Người bảo vệ chung cư khi được nghe về tình huống gia đình bé V.A. thường xuyên có tiếng la hét cũng chấp nhận suy nghĩ “chắc nhà người ta dạy con”.

Bé V.A tử vong, dư luận dồn sự quan tâm vào người cha nhẫn tâm, vô trách nhiệm kia, lên án “dì ghẻ” ác nghiệt. Nhưng hơn bao giờ hết chúng ta cần nhìn nhận lại tình trạng “đèn nhà ai nấy sáng” trong xã hội hiện đại.

Trên nhiều diễn đàn, có người đặt ra những câu hỏi về đời sống khép kín ở các khu chung cư. Nếu hàng xóm ở gần căn hộ của bé V.A xem sự an toàn của con trẻ cần được quan tâm, chắc hẳn câu chuyện của bé đã không có kết cục xót xa đến vậy.

Thiết nghĩ, mọi công dân sống ở chung cư phải được bảo vệ an toàn, đúng như các ban quản lý cam kết lúc rao bán và vận hành các dự án. Khi các chung cư cao tầng với thẻ từ và thang máy chỉ dành cho cư dân; quá xa hội phụ nữ, đồn công an, tổ dân phố... liệu rằng có nên lập thêm hội, nhóm, tổ chức bảo vệ trẻ em và các đối tượng nhạy cảm, dễ bị bạo hành như người già, phụ nữ không?

Ngày nay, có nhiều các thiết bị hiện đại để rèn giáo trí, chăm sóc tinh thần trẻ em. Nhưng quá thiếu các kênh tiếp cận trẻ, kể cả các kênh online, để các con phát triển tốt hơn về tâm sinh lý, các con được bộc bạch nhiều hơn, đặc biệt trong giai đoạn dịch giã kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tâm lý con trẻ...

Chân dung mẹ kế
Nghi phạm tại địa điểm gây ra cái chết của bé V.A

Chúng ta, ai cũng đang là hàng xóm của những đứa trẻ, hoặc đang là bậc cha mẹ. Ai cũng từng đi qua tuổi thơ theo nhiều cách khác nhau. Hãy xem mỗi đứa trẻ như một cá thể xã hội tốt đẹp nhất để quan tâm, yêu thương và sẵn sàng lên tiếng, giúp đỡ các em theo cách riêng của mình.

Mong rằng, những người đã, đang và sẽ làm cha mẹ hãy “nhạy” hơn trong việc nắm bắt tình huống, chú ý hơn đến những hoàn cảnh đáng thương của con trẻ, thay vì chờ tới lúc những vụ việc đau lòng xảy ra.

Nếu là cư dân thành phố và đặc biệt cư dân ở các chung cư cao tầng, cần mạnh dạn “bán anh em xa, mua láng giềng gần” để hỗ trợ, nâng đỡ nhau, để những câu chuyện vanh vách mà chúng ta kể sẽ là tương lai tốt đẹp của con trẻ, chứ không phải những vụ việc vi phạm pháp luật, những câu chuyện buồn đau, mất mát.  

 Trương Ngọc Bích

(Q.3, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI