Mỗi nhà thuốc bán mỗi giá
|
Nhân viên nhà thuốc K.C. cho biết trước đây thuốc Efferalgan giá bán 3.000 đồng/viên nay lên 5.000 đồng |
Chiều 8/4, chúng tôi đến nhà thuốc K.C. (đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hỏi mua thuốc Efferalgan 500mg dạng sủi dùng để hạ sốt. Chủ tiệm báo giá 5.000 đồng/viên, hộp 16 viên 80.000 đồng, không bớt. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao bình thường giá 3.000 đồng/viên nhưng nay tăng gần gấp đôi, chủ nhà thuốc chau mày như không muốn bán: “Thuốc này hết hàng rồi, công ty không cung ứng nên giá phải lên”.
Sau khi mua bốn viên thuốc, chúng tôi nhờ tư vấn cách sử dụng như liều lượng, khoảng cách thời gian uống thì nhân viên rút tờ hướng dẫn trong hộp thuốc quăng cho khách.
Chúng tôi tiếp tục đến các tiệm thuốc M.P., C.B. (đường Nguyễn Văn Đậu, Q.Bình Thạnh) hỏi Efferalgan thì đều được báo giá 4.500 đồng/viên. Các tiệm thuốc lý giải giá thuốc tăng do nhiều người tìm mua để dự trữ hạ sốt ngừa COVID-19; đồng thời, do nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc bị đứt đoạn nên một số thuốc do Việt Nam sản xuất cũng tăng giá nhẹ vài trăm đồng.
Chủ tiệm thuốc M.P. tư vấn: “Nếu anh thấy thuốc ngoại giá cao thì có thể mua thuốc Ponatdol 500mg giá 3.000 đồng. Thuốc này cũng dạng viên sủi như Efferalgan do Việt Nam sản xuất. Loại này cũng mới nhích giá nhẹ từ đầu mùa dịch”.
Tuy vậy, không ít nhà thuốc tỏ ra bất bình với việc hết thuốc và nhiều người dân đi gom hàng, hay các nhà thuốc khác đẩy giá. Tại tiệm thuốc L.T. (đường Đào Duy Anh, Q.Phú Nhuận), khi chúng tôi hỏi mua thuốc Efferalgan dạng sủi về hạ sốt, chủ tiệm thuốc liền đưa ra một vỉ, giá 3.500 đồng/viên. Chúng tôi đề nghị mua vài hộp để trữ, chủ tiệm từ tốn giải thích: “Mọi hôm, thuốc này chỉ có 3.000 đồng/viên, nhưng hết thuốc nên chị tăng lên 3.500 đồng/viên.
Hiện nhà thuốc chỉ còn vài hộp, nếu em mua vài viên thì chị bán, còn mua hết thì không bán. Chị muốn ai cũng có thuốc sử dụng”. Tương tự, chủ quầy thuốc Q.A. (đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh) cho rằng: “Thuốc Efferalgan giá rất cao nhưng em không lấy hàng, quyết tâm bán thuốc Việt Nam giá rẻ. Thực sự, thuốc có tác dụng tương đương, quan trọng là cách mình tư vấn cho người dân. Nhiều người nghĩ 5.000 đồng/viên thuốc là không nhiều, nhưng so với giá bán trước dây 3.000 đồng, tăng lên gần gấp đôi thì lời rất nhiều”.
Uống không đúng có thể hoại tử tế bào gan
|
Thuốc hạ sốt không kê đơn cũng phải uốn đúng cách nếu không hủy hoại gan |
Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, thạc sĩ - dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM, cho rằng: Hiện nay, thuốc hạ sốt Efferalgan 500mg dạng sủi do Pháp sản xuất đang khan hiếm trên thị trường nên một số nơi còn hàng lại đẩy giá. Điều này không đúng với quy định của luật về giá thuốc.
Các công ty kinh doanh thuốc muốn tăng giá phải kê khai lại giá thuốc với Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và không được bán cao hơn giá đã kê khai lại, còn nhà thuốc khi bán phải niêm yết giá công khai và không được bán cao hơn giá niêm yết. Như vậy, giá thuốc Efferalgan ở đây bán gấp đôi ngày thường là sai phạm. Sở Y tế đang phối hợp với phòng y tế 24 quận, huyện tăng cường quản lý về giá thuốc, xử phạt các nhà thuốc tự ý nâng giá.
Cũng theo ông Dũng, sở dĩ thuốc ngoại nhập dùng để hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thời gian qua tăng giá vì đứt hàng do nguồn nhập khẩu bị gián đoạn. Một số người lo trữ hàng để ngừa dịch vì cho rằng thuốc hạ sốt, trị đau nhức… có thể dùng khi bị cách ly ở nhà. Thực tế, ngoài Efferalgan nhập ngoại, hiện có rất nhiều thuốc chứa hoạt chất paracetamol với nhiều tên thương mại khác nhau được nhiều công ty dược Việt Nam sản xuất.
Dạng viên sủi Paracetamol 500mg tương tự như Efferalgan dạng sủi do Pháp sản xuất cũng có nhiều công ty dược Việt Nam sản xuất được và giá thành rất cạnh tranh. “Bên cạnh khuyến khích người dân tìm những loại thuốc có giá thành rẻ hơn, có chất lượng, hiệu quả và độ an toàn tương đương thì Sở Y tế cũng đang làm việc với Công ty DKSH - đơn vị nhập khẩu thuốc Efferalgan. Công ty cho biết, lô hàng mới sắp về và sẽ bán cho khắp các nhà thuốc, chứ không cung ứng cho một vài đơn vị phân phối, tránh tình trạng làm giá mùa COVID-19”, dược sĩ Dũng chia sẻ.
Một số người dân nghe tin đồn, hoang mang nên trữ cả những loại thuốc cần phải có đơn bác sĩ hoặc chưa có nhu cầu. Dược sĩ Dũng cũng cảnh báo việc dự trữ thuốc quá nhiều sẽ nguy hiểm vì ngoài việc không đảm bảo điều kiện bảo quản như tiêu chuẩn bảo quản tại các nhà thuốc GPP thì việc uống thuốc không đúng có thể gây hoại tử tế bào gan, suy gan.
Thị trường thuốc hạ sốt ở Đồng Nai cũng “té nước theo mưa”
Hai tuần nay, nhiều loại thuốc thông thường và cả thuốc chữa bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp… đều tăng giá. Tại quầy thuốc T.H. (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), chúng tôi hỏi mua Efferalgan và Ibuprofen (giảm đau dành cho trẻ) thì quầy thuốc này chỉ còn Efferalgan.
So với trước, giá của loại thuốc này cũng tăng hơn 2.000 đồng/vỉ (bốn viên). Theo giải thích của chủ quầy thuốc, gần đây, nhiều loại thuốc tăng giá mua vào nên họ phải bán cao hơn. Nhiều loại không còn hàng như Ibuprofen.
Chủ nhà thuốc K.D. (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cũng cho biết Efferalgan và Ibuprofen đang khan hàng. Tại chợ thuốc sỉ ở TP.HCM, giá tăng gấp đôi so với trước và đa phần là thuốc nhập khẩu. Chủ nhà thuốc K.D. cho rằng, hai loại thuốc trên tuy là thuốc thông thường nhưng thiết yếu và hầu như ai cũng cần dùng mỗi khi đau đầu hay cảm sốt.
Trong khi tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra ở nhiều quốc gia, hạn chế xuất nhập khẩu kéo theo khan hiếm thuốc. “Hầu như các loại thuốc nhập khẩu đều tăng giá chóng mặt. Nhiều loại thuốc tiểu đường, huyết áp tăng lên cả 100.000 đồng/hộp nhưng không có hàng bán”, chủ nhà thuốc cho biết.
Dược sĩ Nguyễn Duy Văn, Phó phòng Nghiệp vụ Sở Y tế Đồng Nai, cho hay, các bệnh viện lấy thuốc theo giá trúng thầu nên trong thời điểm này không thể tăng giá. Tuy nhiên, các loại thuốc thông thường như Efferalgan, Ibuprofen hay Paradol đều thuộc nhóm 1, không phải đấu thầu. Còn các quầy thuốc, nhà thuốc tư nhân bán với giá không được cao hơn giá kê khai bán lẻ của các nhà sản xuất trên trang website của Cục Quản lý dược.
|
Thanh Khê - Gia Huy