Ở Ấn Độ, tóc là vàng

18/02/2025 - 15:45

PNO - Tóc thường được vứt đi sau khi cắt xong nhưng ở Ấn Độ tóc được ví như "vàng đen" và ngành kinh doanh tóc giả ở nước này là số 1 thế giới.

Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu tóc giả nhiều nhất thế giới
Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu tóc giả nhiều nhất thế giới - Ảnh: BBC

Phụ nữ Ấn Độ vốn nổi tiếng với mái tóc dài, dày mượt, ít dùng hóa chất. Vì vậy, những mái tóc giả làm từ tóc thật của Ấn Độ được người tiêu dùng nhiều nơi trên thế giới đặc biệt săn đón, thậm chí được mệnh danh là "vàng đen". Quốc gia này là nước xuất khẩu tóc người lớn nhất thế giới, cung cấp 85% nhu cầu toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu.

Ngoài việc thu mua từ những tiệm tóc thông thường, thường tóc còn được mua từ những buổi lễ tôn giáo của Ấn Độ. Ở đó, hàng năm có hàng trăm ngàn người cạo đầu như một nghi lễ và tóc từ những buổi lễ này được thu mua và xử lý thành tóc giả.

Kolachi Venkatesh, sống tại Avadi, Chennai, làm nghề thu gom tóc trong 20 năm. Anh bắt đầu từ công việc nhặt tóc ở tầng lớp thấp nhất của ngành - thu gom tóc từ các hộ gia đình và cứu chúng khỏi bãi rác.

“Bố mẹ tôi làm nghề cắt tóc và sau đó tôi bắt đầu làm nghề tương tự”, anh nói.

Tóc được người thu mua từ nhà cho đến tiệm làm tóc và tiệm cắt tóc. "Thường nó chỉ bị vứt đi nhưng nó cũng là vàng", ông Venkatesh nói.

Một người đi thu mua tóc thật để làm tóc giả
Một người đi thu mua tóc thật để làm tóc giả - Ảnh: BBC

Thường những người thu mua tóc nhỏ thường bán tóc cho các thương nhân địa phương như ông Venkatesh với giá từ 10 xu đến 1USD/1 kg tùy vào chất lượng và độ dài của tóc. Tóc ngắn hoặc hư tổn có giá thấp hơn, trong khi tóc dài có giá cao hơn.

Đối với người thu mua cá nhân, việc này không mang lại nhiều tiền. "Một người thu gom siêng năng có thể thu thập được 1–5 kg tóc mỗi ngày, kiếm được từ 59 xu đến 6 USD một ngày. Mức thu nhập này thường thấp hơn mức lương tối thiểu, đặc biệt là ở các vùng nông thôn", ông Venkatesh, người có 50 người thu gom làm việc cho ông, cho biết.

“Trong khi công việc của chúng tôi đóng góp vào thị trường toàn cầu trị giá hàng tỉ đô la, thu nhập của chúng tôi vẫn còn ít ỏi.

Tóc thật thường được mua rất rẻ nhưng mỗi bộ tóc giả có giá hàng ngàn đô la. Ảnh: BBC
Tóc thật thường được mua rất rẻ nhưng mỗi bộ tóc giả có giá hàng ngàn đô la - Ảnh: BBC

Phần lớn tóc Ấn Độ được các thương nhân như ông Venkatesh thu thập đều được xuất khẩu sang Trung Quốc để làm thành tóc giả.

Benjamin Cherian từ Plexconcil, tổ chức thúc đẩy ngành công nghiệp tóc tại Ấn Độ cho biết: "Trung Quốc có ngành công nghiệp sản xuất tóc giả khổng lồ, có giá trị từ 5-6 tỉ đô la".

Ông Cherian cho rằng thay vì xuất khẩu tóc để kiếm hàng trăm đô la, Ấn Độ nên sản xuất và bán những bộ tóc giả có giá hàng ngàn đô la. “Chúng tôi đã bắt đầu thực hiện nhưng còn một chặng đường dài. Chúng tôi cần có các trung tâm nghiên cứu và đào tạo", ông nói.

Một doanh nghiệp Ấn Độ đang cố gắng thâm nhập thị trường là Diva Divine Hair có trụ sở tại Delhi, được đồng sáng lập bởi Nidhi Tiwari vào năm 2009.

Ý tưởng là tạo ra tóc nối và tóc giả chất lượng cao có thể thu hút được nhiều đối tượng khách hàng hơn. "Nhu cầu về các giải pháp này ngày càng tăng do tình trạng rụng tóc và tóc mỏng ngày càng gia tăng ở phụ nữ".

Cô cho biết: "Trước đây, tóc giả và tóc nối được coi là chủ đề cấm kỵ hoặc riêng tư, nhưng giờ đây, chúng đã được thảo luận một cách cởi mở nhờ vào các chuẩn mực xã hội đang phát triển và sự chuyển dịch theo hướng chấp nhận. Ngoài ra, tóc giả cũng đã có nhiều cải tiến khiến chúng trở nên hấp dẫn và thoải mái hơn, nhu cầu tóc giả ngày càng cao thì ngành kinh doanh này càng hấp dẫn béo bở bởi ngày nay, tóc giả không chỉ dành cho những bệnh nhân điều trị ung thư bị rung tóc mà nó còn được sản xuất như một phụ kiện, trang sức cho phái nữ".

Thảo Nguyễn (theo BBC, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI