Nút thắt được gỡ, doanh nghiệp dần dễ thở hơn

09/02/2023 - 06:19

PNO - Ngay từ đầu năm mới Quý Mão, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, những khó khăn về vốn, lãi suất, thuế đang dần được tháo gỡ, giúp họ xoay xở thuận lợi hơn.

Tiền vốn, tiền hoàn thuế đã đến tay doanh nghiệp

Gặp lại chúng tôi, kỹ sư Trương Quốc Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Tấn Thành (chuyên sản xuất nguyên liệu cao su xuất khẩu) - mừng rỡ cho biết, hiện các doanh nghiệp (DN) chỉ cần đăng ký hồ sơ vay vốn, vài ngày sau sẽ được giải ngân dù lãi suất còn cao. Trước đó, ông từng nhiều lần phản ánh với Báo Phụ nữ TPHCM về tình trạng các DN trong hợp tác xã không thể vay vốn do ngân hàng hết hạn mức tín dụng.

Việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp đang trở nên dễ dàng hơn, tạo thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chốt đơn hàng. Điều mà các doanh nghiệp mong muốn là lãi suất vay giảm xuống, không quá cao như hiện nay (trong ảnh: Hoạt động chế biến sản phẩm ở Công ty cổ phần Tập đoàn Masan) - ẢNH: NGUYỄN CẨM
Việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp đang trở nên dễ dàng hơn, tạo thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chốt đơn hàng. Điều mà các doanh nghiệp mong muốn là lãi suất vay giảm xuống, không quá cao như hiện nay (trong ảnh: Hoạt động chế biến sản phẩm ở Công ty cổ phần Tập đoàn Masan) - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Ông Trương Tiến Dũng - Phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực thực phẩm TPHCM - cũng cho biết, các ngân hàng đã có hạn mức tín dụng mới nên các DN dễ vay hơn. Ở TPHCM, một số DN tham gia chương trình bình ổn thị trường còn được ngân hàng giảm lãi suất cho vay. 

Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - cho hay, công ty vừa được một ngân hàng giảm 1% lãi suất cho vay trong 3 tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, công ty vẫn gặp khó khăn do các đối tác bị ngân hàng siết hạn mức tín dụng, dẫn đến thanh toán tiền chậm so với hợp đồng. Mặt khác, công ty còn phải ứng tiền cho các trang trại chăn nuôi để các chủ trại mua thức ăn chăn nuôi bởi họ không vay được vốn. Ông nói: “Dòng vốn tín dụng vẫn chưa lan tỏa đến mọi DN. Chúng tôi mong rằng, việc tiếp cận vốn tín dụng của DN sớm trở lại bình thường như đầu năm ngoái”. 

Bên cạnh vốn, việc hoàn thuế cho các DN cũng có tín hiệu khả quan hơn. Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - thông tin, nhiều DN trong ngành dệt may từng bị chậm hoàn tiền thuế giá trị gia tăng (VAT), có DN bị chậm hoàn 140 tỉ đồng, như Công ty cổ phần may Việt Tiến. Sau khi VITAS phản ánh trong cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo các cục hải quan giải quyết vấn đề này. Đến nay, các DN đã được hoàn thuế đầy đủ.

Tiếp tục khơi thông các điểm nghẽn 

Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho rằng, ngay những ngày đầu năm Quý Mão, Thủ tướng Chính phủ đã khảo sát hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có những dự án thuộc diện đầu tư công bị ách tắc nhiều năm. Điều này cho thấy Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó xem đầu tư công là đòn bẩy để tạo sức bật cho nền kinh tế. 

Các doanh nghiệp và người tiêu dùng đánh giá rất cao chính sách giảm 2% thuế VAT trong năm 2022, mong muốn Chính phủ tiếp tục gia hạn chính sách này trong năm 2023 (trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Kềm Nghĩa trên dây chuyền sản xuất) - Ảnh: Nguyễn Cẩm
Các doanh nghiệp và người tiêu dùng đánh giá rất cao chính sách giảm 2% thuế VAT trong năm 2022, mong muốn Chính phủ tiếp tục gia hạn chính sách này trong năm 2023 (trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Kềm Nghĩa trên dây chuyền sản xuất) - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Tuy nhiên, ông cho rằng, hiện vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ. Đầu tiên là việc hấp thụ vốn của khu vực kinh tế tư nhân còn quá chậm. Hiện nay, hộ kinh doanh cá thể, DN vẫn còn bị tổn thương nặng nề từ tác động của đại dịch COVID-19. Đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng người dân và DN chưa tiếp cận được vốn nên việc phục hồi rất chậm. Chính phủ cần rà soát, tháo gỡ kịp thời bởi khu vực này tạo nhiều việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. 

Ông cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, nên tập trung nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh; cố gắng giảm mặt bằng lãi suất cho vay để giảm chi phí tài chính cho DN; phối hợp tốt hơn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để tạo ra hiệu quả dòng vốn cho nền kinh tế, trong đó tiếp tục giảm thuế VAT 2%, hỗ trợ tiền thuê đất cho DN bởi mức thâm hụt ngân sách, tỉ lệ nợ công của Việt Nam vẫn ở mức khả quan.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng nhận xét, dường như Chính phủ đã nhận thấy giải ngân đầu tư công trong năm 2022 chậm nên ngay từ đầu năm 2023, đã thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Các dự án này đều có thể phát huy hết tiềm năng vốn đầu tư của Nhà nước, kích thích phát triển nhiều ngành kinh tế trong lĩnh vực tư nhân. 

Doanh nghiệp cảm nhận nhiều tín hiệu khả quan đầu năm mới Quý Mão khi họ tiếp cận vốn dễ hơn, việc hoàn thuế cũng nhanh chóng hơn (ảnh chụp ở Công ty cổ phần DH Food) - Ảnh: Nguyễn Cẩm
Doanh nghiệp cảm nhận nhiều tín hiệu khả quan đầu năm mới Quý Mão khi họ tiếp cận vốn dễ hơn, việc hoàn thuế cũng nhanh chóng hơn (ảnh chụp ở Công ty cổ phần DH Food) - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Theo ông, hiện có nhiều điểm nghẽn cần được khơi thông mà điểm nghẽn lớn nhất là dòng vốn cho nền kinh tế. Có thể thúc đẩy việc phát hành trái phiếu DN để huy động vốn trung và dài hạn. Chứng khoán đã thay đổi bộ máy, tái cấu trúc thị trường, đưa về giá trị thực, một số cơ chế chính sách đang được xem xét sửa đổi, đã thành lập Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam để rút ngắn thời gian quyết toán chứng khoán. Tuy nhiên, còn nhiều cơ chế, chính sách về chứng khoán cần hoàn thiện hơn nữa, đồng thời tiếp tục sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu, giúp DN có thể phát hành, huy động vốn, tăng khả năng đáp ứng vốn cho DN. Làm được điều này sẽ giúp tháo gỡ được điểm nghẽn cho nhiều ngành nghề. 

Cũng theo ông Đinh Trọng Thịnh, xuất khẩu nông lâm thủy sản, chế biến, chế tạo vẫn đang là động lực của nền kinh tế. Ngay sau khi Trung Quốc mở cửa, hoạt động xuất nhập khẩu, công nghiệp có những bước phát triển tốt. Ông nói: “Với những tín hiệu khả quan như giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tương đối ổn định, giá xăng dầu không tăng quá cao, chắc chắn trong năm 2023 sẽ không có những bất ổn như năm 2022 và tăng trưởng kinh tế sẽ đạt từ 6,8 - 7,5% như chỉ tiêu đề ra”. 

Nhiều điểm sáng về tài chính, đầu tư, bất động sản

Trong suốt quý IV/2022, tôi thấy Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước kiểm soát được những khó khăn theo cách uyển chuyển, nhẹ nhàng, không gây sốc như năm 2011-2012. Có thể trong quý này hoặc quý sau, lãi suất và tín dụng sẽ ổn định. Cuối quý II/2023, lãi suất và tín dụng có khả năng sẽ ổn định như năm 2019. 

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), các nhà đầu tư quan tâm nhất là sự ổn định về kinh tế vĩ mô, ổn định chính sách tiền tệ bên cạnh vấn đề hạ tầng, chính sách ưu đãi. Thực tế, Việt Nam đang làm tốt điều này. Từ năm 2018 đến nay, sự chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á - trong đó có Việt Nam - ngày càng rõ rệt hơn. Tỉ trọng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm từ 33% (năm 2018) xuống còn 25% (năm 2021) trong khi xuất khẩu từ các nước Đông Nam Á vào Mỹ tăng từ 10% lên 14%.

FDI vào Việt Nam có thể gián đoạn trong nửa đầu năm 2023, nhưng sẽ ổn định. Cơ sở hạ tầng được cải thiện và chính sách hội nhập giúp Việt Nam trở thành nơi thu hút nhà đầu tư hàng đầu khi họ muốn đa dạng hóa chuỗi sản xuất.

Dưới góc độ kinh tế thì bất động sản (BĐS) phải là lĩnh vực hỗ trợ nền kinh tế, giúp kinh tế tăng trưởng bền vững chứ không thể tăng trưởng nhanh như giai đoạn 2020-2022. BĐS cần tăng trưởng đồng nhịp, thậm chí chậm hơn một chút so với tăng trưởng kinh tế. Mặt trái của việc tăng trưởng nóng của BĐS bộc lộ rõ trong thời gian qua khi vốn dồn vào BĐS quá lớn. Chúng tôi thống kê, tổng lưu lượng tiền mặt trên thị trường trong năm 2022 khoảng 1,2 triệu tỉ đồng, nhưng chỉ 400.000 tỉ đồng được sử dụng hợp lý như các năm trước đó, còn 800.000 tỉ đồng là của các công ty BĐS mà nguồn tiền chủ yếu từ các ngân hàng. Tiền dồn vào BĐS quá lớn nên những lĩnh vực khác buộc phải thiếu vốn. Nhưng Chính phủ đã và đang đưa BĐS dần về quỹ đạo ổn định, phát triển lành mạnh.

Tôi dự đoán, kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ đi ngược so với 2022, tức là sẽ giảm tốc trong quý I và II nhưng tăng trở lại trong quý III và IV. Từ tháng 6/2023 trở đi, các nhà đầu tư sẽ có khoảng “thời gian tươi sáng”.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế

Quang Bình (ghi)

Thanh Hoa 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI