Nút 'like' hết thời

24/04/2019 - 06:22

PNO - Nút “like” (thích) hoặc lượt “share“ (chia sẻ) lâu nay được đánh đồng là giá trị, sức hút của nội dung đăng trên mạng xã hội. Nhưng liệu đấy có phải là “mồ chôn” những giá trị thực?

Nghiện “like”

Trên Twitter cá nhân, nhà nghiên cứu về lập trình - Jane Manchun Wong tiết lộ: Instagram đang cân nhắc tạo bước thay đổi lớn thông qua việc không công khai lượt like của một nội dung đăng trên mạng xã hội này, kể cả với chủ nhân của nội dung đó. Nghĩa là, bạn chỉ có thể thấy và biết nội dung mình đăng lên được một số người tương tác, nhưng không thể biết tất cả người tương tác là ai. Trong khi đó, mọi người sẽ không biết lượt tương tác thực sự cho nội dung bạn chia sẻ là bao nhiêu.

Nut 'like' het thoi
Hình ảnh lung linh trên Instagram bên cạnh hình ảnh dễ bắt gặp trong thực tế

Jane Manchun phát hiện điều này khi phân tích một dòng code thử nghiệm của Instagram và chính mạng xã hội này cũng tuyên bố: “Chúng tôi muốn người dùng tập trung vào thứ được chia sẻ chứ không phải bị hút vào lượt bấm like, share”.

Đối với người đăng nội dung, thay đổi này (nếu được áp dụng) sẽ giúp họ bớt “sống ảo”, bởi những tác động về số lượng tương tác đối với sức khỏe tâm thần là điều có thật. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối nguy hiểm trong hành vi của người dùng mạng xã hội - cố đăng những gì mà người khác mong chờ, đăng những điều gây chú ý, để nhận lượt like, dù đôi khi chính người đăng cũng không hiểu hết việc mình làm có ý nghĩa như thế nào.

Năm 2016, nhà đồng sáng lập Instagram - Kevin Systrom đã chia sẻ trên trang công nghệ TechCrunch về lý do tạo ra Instagram Stories (hình ảnh chia sẻ tạm thời, sẽ biến mất sau 24 giờ) là không muốn mọi người bị áp lực vì số lượt like. Đây có thể xem là bước đi quan trọng, giúp môi trường Instagram sạch sẽ và tử tế hơn, vì mọi người không phải chạy theo lượt like một cách mù quáng, bất chấp.

Mới đây, Văn phòng Ủy ban Thông tin của Anh đã soạn văn bản yêu cầu Facebook bỏ nút like đối với người dùng dưới 18 tuổi. Yêu cầu này nhằm tránh việc người dùng ở độ tuổi chưa thật sự trưởng thành tương tác với những thông tin mà các em không kiểm chứng, chưa đủ khả năng nhận thức, đánh giá.

Chính “cha đẻ” của nút like - Justin Rosenstein (đã rời Facebook) cũng phải thừa nhận trong cuộc phỏng vấn trên Fox News rằng, nút like đã ngốn quá nhiều thời gian của mọi người, khi vô tình bị dẫn dắt, xem và bị phân tâm bởi những điều vô nghĩa. Sean Parker - người đồng sáng lập Facebook - từng thú thật rằng, một trong những mục tiêu của Facebook là ngốn càng nhiều thời gian của người dùng càng tốt, vì nó phục vụ cho việc kinh doanh của mạng xã hội này. Nút like hay bất cứ tương tác nào được đưa ra trên các nền tảng mạng xã hội không phải để thỏa mãn nhu cầu kết nối của người dùng mà để tạo nên thói quen, để người dùng khó tìm thấy lối thoát. Từ đó, các mạng xã hội thu được tiền. Đó mới chính là đích đến cuối cùng của những thuật toán.

Tự huyễn hoặc

Việc huyễn hoặc bản thân, sống dựa theo những chuẩn mực ảo khiến không ít người trẻ lâm vào cảnh bế tắc. Essena O'Neill (người Úc) là một trong số đó. Từ thời đi học, Essena đã tạo cho mình một “đế chế” riêng, nơi mà người hâm mộ đồng trang lứa xem cô là hình tượng đáng mơ ước mà họ phải bắt chước, học hỏi. Essena từng có đến nửa triệu người theo dõi trên Instagram và gần 300.000 người theo dõi trên YouTube. Cô nhận những hợp đồng quảng cáo béo bở từ các nhãn hàng, vô số cơ hội kiếm tiền dễ như… cái búng tay. Đổi lại, Essena rơi vào vòng xoáy do chính mình tạo ra - mảng tối chỉ mình cô chịu đựng mà không thể trải lòng với bất cứ ai, vì một khi nói ra, tất cả sẽ sụp đổ.

Cô gái trẻ chia sẻ: “Từ lúc nào không biết, tôi nghiện cảm giác mình phải mang đến giá trị nào đó cho mọi người hướng đến. Tôi vẽ nên một hình tượng khác hẳn với những gì mình đang đối diện, tô hồng mình là người sành điệu, biết sống. Hậu quả là chính tôi lạc trong mê hồn trận, dựa dẫm vào giá trị ảo đắp lên mình. Tôi chạy theo những lượt bấm thích, theo dõi và bóp méo bản thân để thỏa mãn số đông. Số đông luôn trông đợi một hình mẫu hoàn hảo, không tỳ vết và sức ép ấy ngày càng lớn, khiến tôi u uất và bức bối đến không thở nổi”.

Một ngày, Essena O'Neill lặng lẽ xóa hết tài khoản mạng xã hội, tìm sự yên tĩnh và tự hỏi lại bản thân cô là ai, có những giá trị gì. Trước đó một tuần, Essena dành thời gian sửa lại tất cả nội dung sau những bức hình sống ảo của mình. Một số nội dung được chỉnh sửa mà Essena đã viết: “Cô gái ấy, từ lúc 15 tuổi, đã ép mình phải tuân thủ thực đơn nghiêm ngặt cùng những bài tập dốc đến cạn sức lực. Mục tiêu không phải là để sống khỏe, mà chỉ vì cô ấy muốn trở thành người nổi tiếng, muốn được cả thế giới công nhận và tán thưởng”, “thân hình "chuẩn không cần chỉnh" như bức ảnh chỉ là giả tạo mà thôi. Tất cả là nhờ góc chụp, ánh sáng và cả ứng dụng chỉnh màu. Các cô gái à, đừng theo đuổi những hình ảnh hoàn hảo ấy. Tất cả được dựng lên, không phải thật đâu”.

Nút like xuất hiện lần đầu vào năm 2009, trên Facebook và một năm sau đó, nó xuất hiện trên Instagram và YouTube, tạo nên chuẩn mực mới trong cách tương tác trên thế giới ảo. Người dùng đâu biết, sáng tạo ấy không hề ngẫu nhiên mà đã được tính toán kỹ, dựa theo những quy luật chi phối trí não, đúc kết qua nhiều nghiên cứu về tâm lý học hành vi của con người. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI