Nương vào cố thổ

26/09/2024 - 14:50

PNO - Từ lâu, khi đọc văn chương của các nhà thơ sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long, ta luôn có cảm giác tác phẩm của họ bị ám tượng bởi những dòng sông. Như tập tục của người đồng bằng, từ lúc chào đời cho đến khi lớn lên, vui buồn của họ đều gắn bó với sông. Điều đó đã được họ thể hiện rõ nét qua các tác phẩm.

Bùi Bá Đông là một nhà thơ 9X. Sau nhiều năm sáng tác, anh vừa cho ra đời tập thơ đầu tay Nương mùa cố thổ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Và dĩ nhiên, tập thơ cũng mang cảm thức sông một cách ám ảnh qua 36 bài thơ được anh chắt lọc, nâng niu đưa vào, như anh cũng hiểu rõ lòng mình: sông dài không em/ sao mắt ta chưa lần chạm/ chỉ nghe lòng/ vỗ nhịp chèo khua (Theo sông).

Như bao nhiêu người trẻ tha hương lập nghiệp nơi phồn hoa phố thị, ngày đi chỉ mang theo ước mơ mộc mạc và khói bếp quê nhà, nhánh bần, khúc sông nhỏ…, anh đi qua bao mùa tha hương, chật vật mưu sinh nơi quê người lại nghe “lòng còn đói tiếng quê hương”: ở đây/ ta rong rêu chính mình/ nỗi nhớ khô trên ngọn đèn đường/ đói tiếng quê hương. Tôi thấm lắm cái buồn xa xứ ấy, khi tuổi trẻ căng tràn sức sống nhưng… chẳng có gì trong tay. Có nhiều đêm thức trắng, người trẻ ấy cũng tù mù như ngọn đèn vàng vọt phía cuối hẻm hun hút, lạnh lùng, cô đơn. Cái cô đơn muôn đời khó giãi bày, anh chỉ nghe tương lai kêu lên rệu rã trong bốn bức tường trắng của phòng trọ: em đừng ru nữa/ phố chẳng còn đủ chỗ để ngồi nghe/ bông cải nào gió đưa về mây trắng/ thương nỗi buồn nghẹn lại phía hoàng hôn (thôi đừng ru nữa).

Đôi lần, nhà thơ trẻ đã trôi theo cảm thức sông, thả mình theo sông như một quán tính đồng bằng một cách vô thức. Anh khánh tận kiệt cùng với thực tại nên di trú giấc mơ mình để nuôi những điều ấp ủ: đêm qua/ có giấc mơ vừa mọc rễ/ xuyên qua căn phòng chật chội/ gọi nhau về/ bằng dấu những đôi tay (di trú giấc mơ). Anh biết mình thuộc về sông, về ruộng đồng, về bờ bãi, về quê hương “trong giấc mơ neo cạn/ khói đồng bằng cay mắt phố chưa quen”.

Bùi Bá Đông trở lại với quê nhà bằng nhiều cách. Qua thơ, anh đã bày từng giấc mộng quê của mình ra căn phòng trọ, anh đặt lại tên cho những chuyến phà qua sông, nặng lòng đứng ngắm chiều vàng rượi buồn khi con sông quê khô cạn. Anh thổn thức, anh bất lực, anh gào lên trong thơ từng mạch tình đứt quãng như nhánh sông trơ đáy mùa hạn: sông đã chết/ còn đâu, sông đã chết/ bỏ con thuyền úp mặt đợi tàn hơi/ cơn gió lạnh ngang qua vùng đất lạnh/ ta thấy người/ tay níu cuộc chia ly (mót cạn dòng trôi).

Thơ Bá Đông khi gấp lại vẫn còn những ý man mác buồn, những tứ cứ lưu lạc trong lòng mãi mới dứt ra được, dù anh không cố tình triết lý, chẳng hạn như: và mẹ tôi chiều chiều ra bậu cửa/ dõi cánh cò trong câu hát vừa bay (nhớ cù lao).

Trong văn chương đồng bằng sông Cửu Long hiện tại, Bùi Bá Đông đã tiến những bước đầu tiên, thả nhánh sông đầu tiên của mình vào dòng chảy chung của văn chương nơi đây. Dẫu tác phẩm đầu tay không tránh khỏi đôi chút non nớt trong ngôn từ và suy tưởng, Nương mùa cố thổ vẫn là một thi phẩm đáng đọc, là một cột mốc vững vàng của tác giả trên con đường văn chương phía trước.

Khét

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI