Nương nhờ chút thở than

02/06/2017 - 11:02

PNO - Thở than là “bệnh” của đàn bà? Cũng có thể vậy thật, nhiều chị em lâu không gặp thì thôi, hễ gặp nhau lấy thở than làm niềm vui.

Than chồng con, than đau ốm, than nhan sắc sa sút bởi dãi dầu nắng mưa...

Than thở khiến phụ nữ gần nhau hơn, đó là sự thật. Thành ra, nhiều chuyện thực không đáng than, nhưng cũng được đem tâm sự với bạn bè bằng cái giọng có phần buồn bã, thở than. Nói vậy, là để biết rằng không phải tất cả những chuyện mà chị em than thở với nhau đó đều là chuyện không may, đều là chuyện buồn, chuyện đáng thất vọng. Chỉ là cái “tánh” người nó vậy!

Nuong nho chut tho than
Ảnh minh họa

Cũng bởi vậy nên đàn bà dễ động lòng trắc ẩn, dễ chia sẻ cảm thông những chuyện không vui. Chớ mà người ta mạnh giỏi ào ào, cái gì cũng may mắn hết, nói năng tự tin, mặt mũi tươi hơn hớn, đôi khi mình lại bực lòng, “thấy ghét”. Chị em cầm cái micro karaoke lên, thế nào cũng vài ba bài nhạc sến, có loanh quanh đi đâu cuối cùng cũng quay lại buồn khổ mấy đường boléro, chứ không như các ông thích oang oác “sáu mươi năm cuộc đời”. Cái nữ tính, cái phần “âm” trong bản chất nữ quy định thiên hướng, cách cảm, cách sống của người đàn bà vậy.

Ý thức được điều này, từ rất lâu, nhân loại đã đặt vào tay những người chị, người mẹ của mình những nỗi đau cần được xoa dịu, được thương cảm, được vỗ về chia sẻ. Nhưng chính bản thân chị em mình đôi khi lại không ý thức được phần bản thể này. Nếu đem cái bản tính này xoay ra với cuộc đời, với những người thân, người đàn bà trở thành nơi nương tựa dịu dàng, thương mến; trở thành người cho người thương yêu bảo bọc. Nếu xoay cái bản tính này vào trong chính thân mình, người đàn bà trở thành kẻ chỉ biết thương thân trách phận, chỉ biết thở than cho mình. Một khi đã thở than cho mình, khóc than vì mình, họ đau thương lắm, gấp đôi gấp ba, tìm ra bao nhiêu chỗ để thấy mình bất hạnh, để thấy đời bất công, thấy người bạc bẽo, lừa lọc, sao không ai thương mình…

Nuong nho chut tho than
Ảnh minh họa

Hạnh Dung nhận những bức thư thật dài như vậy, những bức thư chỉ có một cách trả lời là: đồng ý, chị thật bất hạnh, biết làm sao được! May thay, thư ấy không nhiều như từng xảy ra trong đời thực. Những người đàn bà viết thư cho Hạnh Dung, bao giờ cũng hỏi một câu: làm thế nào để giải quyết việc này, thay đổi người kia, thu xếp gia đình cho ổn thỏa… Đem kể với Hạnh Dung câu chuyện của mình, họ cũng thể hiện tất cả những nhược điểm thông thường của đàn bà: có thở than, có rơi nước mắt cho mình, có trách móc người khác. Nhưng Hạnh Dung biết, cứ nghe họ đi, sẽ thấy trong bất hạnh mà họ thở than ấy có đôi ba phần là hạnh phúc, trong cái không may của họ có đôi ba phần họ cũng biết là may mắn, chứ không đâu. Rối lòng nên không tự nhìn ra được, họ cần Hạnh Dung cùng mình tìm cho ra cái mối ấy, cầm lấy cọng chỉ ấy, mà gỡ ra, rút ra, cho yên ấm rành mạch trong ngoài. 

Vậy nên, không sao đâu khi mình có hơi yếu mềm, có hơi ủy mị, có hơi sến sẩm kể lể kiểu đàn bà. Tìm một ai đó để kể, để hỏi, để được trút nhẹ nỗi lòng, cũng là cách để tự mình nhìn lại câu chuyện của mình một lần nữa. Đó cũng là một cách thức tiếp nhận cuộc đời này. Không phải lúc nào cũng cần gồng lên mà sống, cũng cần mạnh mẽ “tư duy tích cực” ào ào, phô trương ta chỉ cần nghĩ ta mạnh là ta làm được tất cả. Trong tác phẩm Hồng lâu mộng, tác giả Tào Tuyết Cần nói rằng xương thịt đàn bà được tạo thành từ nước, thơm tho tinh khiết mềm mại. Sức mạnh ghê gớm nhất của nước chính là sự mềm mại dó. Hãy cứ sống là mình, thật với mình, yếu đuối thì có hề chi, quê mùa sến sẩm có hề chi, ai trong đời không một lần để mình chùng xuống ngẫm chuyện đời, trải lòng mấy câu boléro. Sức mạnh cả đó, đừng giỡn mặt, sức mạnh của lòng trắc ẩn, của phần âm tính giúp cân bằng con người, của sự thả lỏng mình để hồi phục trọn vẹn.

Thế giới quanh mình rì rầm bất tận những thở than tâm sự của người đàn bà. Nhạc sĩ họ Trịnh có lần xin “cho ta nương nhờ chút thở than”, vậy ra mới biết nào phải thở than chỉ là yếu đuối, vậy sao bạn đời của mình không nương nhờ chút ấy, lại cứ hay cằn nhằn: đàn bà động chuyện gì cũng than?

 Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI