Nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề: 'Rút kinh nghiệm' lỗi không quản lý cơ sở nuôi trẻ suốt hơn 20 năm!

20/08/2014 - 09:27

PNO - PN - Tuần thứ ba liên tiếp, cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội lại “nóng” những chất vấn của các nhà báo về vụ án mua bán trẻ em liên quan đến chùa Bồ Đề.

Nuoi tre o chua Bo De: 'Rut kinh nghiem' loi khong quan ly co so nuoi tre suot hon 20 nam!
Toàn cảnh cuộc họp báo

Kết luận thay cơ quan điều tra vì “đáp ứng nhu cầu của nhà báo”

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết: “Công an Hà Nội đang tích cực điều tra để xử lý đúng người đúng tội. Áp dụng theo luật hình sự, thì chúng tôi chưa có căn cứ để chứng minh ni sư Thích Đàm Lan vi phạm pháp luật”. Rất nhiều nhà báo đã đứng lên đề nghị cần làm rõ xung quanh vụ án liên quan chùa Bồ Đề. Các câu hỏi đều đi vào các vấn đề cụ thể, chi tiết. Tiếc rằng phần trả lời của đại diện cơ quan chức năng quá chung chung, né tránh. Số trả lời được cho là đi vào trọng tâm câu hỏi của nhà báo khá ít ỏi.

* Tại thời điểm tiến hành thanh tra chùa Bồ Đề, Q.Long Biên đã xác định chùa không đủ điều kiện để chăm nuôi trẻ và người già cơ nhỡ với số lượng lớn, không đủ điều kiện để trở thành cơ sở bảo trợ xã hội. Tức là hơn 20 năm nay, việc nuôi trẻ ở đây là trái pháp luật. Q.Long Biên và P.Bồ Đề sẽ phải chịu trách nhiệm gì, khi để nhà chùa nuôi trẻ với số lượng lớn trong một thời gian kéo dài?

- Ông Đỗ Mạnh Hải: Tới năm 2008, khi Chính phủ ban hành Nghị định 68 quy định tổ chức nuôi dưỡng từ 10 trẻ trở lên phải thành lập cơ sở bảo trợ xã Hội (BTXH), thì địa phương mới tiến hành kiểm tra. Chùa tiếp nhận trẻ cơ nhỡ là việc bị động, mở lòng từ bi. Đáng ra chính quyền phải có hướng dẫn cụ thể cho nhà chùa để đưa những trường hợp này đến trung tâm BTXH, tuy nhiên quận đã chưa kiên quyết. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm.

* Kết luận “chưa có căn cứ kết luận sư Đàm Lan có vi phạm pháp luật” - nghĩa là nhà sư không hề liên quan đến vụ án mua bán trẻ, hay cơ quan công an đang tiếp tục điều tra?

- Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Chúng tôi đang tiếp tục điều tra vụ án, kết luận sư Đàm Lan chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật chỉ là kết luận cuối cùng khi cơ quan công an tuyên bố kết thúc vụ án.

- Công an Q.Long Biên công bố đã xác minh được 11 cháu bé nghi mất tích. Nhưng khi các nhà báo tiến hành điều tra độc lập, thì tìm ra kết quả trái ngược. Cụ thể: cháu Tùng Anh được công bố là đang ở với mẹ tại xã Xuân Châu, H.Xuân Trường, Nam Định; ngày 13/8, Báo Phụ Nữ về điều tra được chính quyền địa phương khẳng định: không có cháu Tùng Anh tại địa bàn và cũng không có cán bộ nào về xác minh thông tin với địa phương. Vậy có thể đánh giá thế nào về năng lực điều tra và tính chính xác từ kết quả điều tra của Công an Q.Long Biên?

- Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Việc xác minh danh sách 11 cháu bé nếu không chính xác, những cán bộ thực hiện việc xác minh sẽ phải chịu trách nhiệm về kết quả mình đưa ra.

* Về 11 trẻ em bị cho là mất tích, Công an Q.Long Biên có tiến hành kiểm tra tận nơi, so sánh và chụp ảnh, xác định tên tuổi địa chỉ hay không? Các cháu bé đó hiện có đang được sống an toàn hay không? Bé Tùng Anh hiện đang ở đâu? Cơ quan chức năng có thể cung cấp địa chỉ chính xác của các cháu đến tận thôn-xã, để báo chí kiểm tra tính xác thực?

- Ông Phan Đăng Long: Chúng tôi có danh sách về nơi ở và địa chỉ của 11 cháu bé nghi mất tích. Các cháu đều mang tên Anh, họ Cù hoặc Công - đó là tên họ nhà Phật, chứ không phải nhà chùa có mục đích tráo đổi trẻ như suy diễn cố tình của báo chí. Cháu Tùng Anh đang ở trong một cơ sở tôn giáo thuộc tỉnh Đồng Nai. Còn cụ thể địa chỉ của các cháu thế nào thì chúng tôi không có trách nhiệm phải cung cấp.

* Tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy ngày 12/8, ông Phan Đăng Long công bố “Ni sư Đàm Lan không liên quan đến vụ án chùa Bồ Đề”. Vậy ông Long lấy tư cách gì để kết luận nhanh gọn thay cơ quan điều tra?

- Ông Phan Đăng Long: Buổi họp trước, vì các đồng chí cứ muốn biết sư Đàm Lan có liên quan đến vụ án hay không, tôi biết nên tôi nói cho các anh chị phóng viên. Đáng lẽ phải có văn bản cụ thể, nhưng vì nhu cầu thông tin của các đồng chí nên tôi nói trước. 

Nhiều câu hỏi chưa được giải đáp

Kết thúc buổi họp báo, còn rất nhiều câu hỏi của các nhà báo vẫn bị bỏ ngỏ, chưa được đại diện các cơ quan chức năng trả lời:

* Từ năm 1989, chùa Bồ Đề đã tiếp nhận và nuôi trẻ em cơ nhỡ, nhưng theo báo cáo của Q.Long Biên (mà ông Đỗ Mạnh Hải đưa ra đầu buổi họp báo) thì tới tận năm 2008 quận mới đánh giá lần đầu về việc chăm nuôi trẻ ở chùa. Vậy suốt chín năm trời, đơn vị chức năng nào kiểm tra và giảm sát việc nuôi trẻ ở chùa?

- Ni sư Thích Đàm Lan từng khẳng định: chưa bao giờ nhà chùa cho nhận con nuôi. Nhưng tại buổi họp báo hôm nay, cơ quan điều tra thông báo: nhiều trẻ con chùa Bồ Đề hiện đã có cuộc sống ổn định và êm ấm. Vậy, tới giờ đã có bao nhiêu trẻ ở chùa Bồ Đề chính thức được cho nhận làm con nuôi? Nhà chùa có báo cáo danh sách này hay không?

- Việc buôn bán trẻ xảy ra ở chùa Bồ Đề, các trường hợp cho nhận con nuôi vi phạm pháp luật cũng xảy ra ở chùa Bồ Đề. Vậy ni sư Thích Đàm Lan- với tư cách người trụ trì, có phải chịu trách nhiệm gì không?

Phóng viên bị “mời” khỏi phòng họp báo

Trong phần trả lời của mình, ông Phan Đăng Long lên án gay gắt báo chí đã quy chụp, suy diễn việc nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề, gây bức xúc cho các cơ sở tôn giáo đang làm việc thiện nguyện.

Ông Long nói: “Bản chất vụ việc này không phải như báo chí thông tin đâu! Chỉ là cô bảo mẫu Trang lợi dụng sơ hở của nhà chùa để kiếm chút lợi con con. Nhưng cũng không phải là tham tiền! Bản chất vụ mua bán trẻ em này là đáp ứng nhu cầu được làm mẹ của một phụ nữ vô sinh, họ muốn có con và dang tay đón nhận trẻ. Như vậy là do từ việc thông cảm hoàn cảnh, chứ không phải buôn bán người như báo chí suy diễn…”.

Khi một nhà báo chất vấn tiếp: “Người phụ nữ mua trẻ từ bảo mẫu Trang là Nguyệt - “người mẹ vô sinh” như ông nói, đã xác định được chị ta có hai con đẻ, năm con nuôi, mua nhiều giấy chứng sinh khống. Như vậy, ông có giữ quan điểm thông cảm hoàn cảnh cho người muốn làm mẹ và dang tay nhận trẻ hay không?”, thì ông Long trả lời chắc chắn: “Chị Trang thấy nhu cầu mua trẻ của chị Nguyệt nên thông cảm và tin nên mới phạm lỗi. Còn chị Nguyệt mua cháu bé làm gì thì lại là chuyện khác, ở đây tôi không đề cập đến!”. Ông Long còn nói thêm: "Chị Nguyệt là... người đàng hoàng" (?).

Ông Long dành nhiều tâm huyết để miêu tả việc chùa Bồ Đề mở lòng từ bi đón những phận người cơ nhỡ. Nhận thấy phần trả lời lan man, một nhà báo đã xin phép dừng lời ông Long để nhắc ông quay lại trọng tâm. Vị chủ tọa này đã thẳng tay chỉ vào mặt và quát yêu cầu nhà báo này ra khỏi phòng họp báo.

Nhóm phóng viên

80 trẻ chưa được đăng ký khai sinh ở chùa Bồ Đề

Theo kết quả thanh tra chùa Bồ Đề của Q.Long Biên, vào thời điểm kiểm tra, chùa có 135 người. Đối chiếu danh sách, hồ sơ của nhà chùa và các cơ quan quản lý thì có tới 24 người (trong đó gồm 21 trẻ em và ba người già) không có mặt.

Theo các địa chỉ do sư trụ trì Thích Đàm Lan cung cấp và xác định, có ba người già và năm trẻ em được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội; 13 trẻ được gia đình nuôi dưỡng; một trẻ được nhận làm con nuôi (có quyết định của UBND P.Bồ Đề) và hai trẻ được nuôi dưỡng tại chùa khác. Người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em là những người cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn, không có kỹ năng nghiệp vụ chăm sóc đối tượng theo tiêu chuẩn quy định.

Ngoài ra, 100% trẻ trong độ tuổi 0-6 chưa được đi học tại các cơ sở giáo dục theo quy định, trong số trẻ 6-16 tuổi có 18 trẻ được đi học thường xuyên. Hiện nay, có 80/92 trẻ chưa được đăng ký khai sinh.

Chiều ngày 18/8, UBND quận nhận được văn bản đề ngày 15/8/2004 của chùa Bồ Đề đề nghị đưa toàn bộ số đối tượng đang nuôi dưỡng tại chùa vào Trung tâm BTXH Thành phố.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI