Nuôi tình yêu và lý tưởng giữa thời bình

24/12/2020 - 05:41

PNO - Cưới nhau trong rừng và nuôi con trong rừng, hạnh phúc của cô gái hậu cần và bác sĩ quân y đã đi cùng những giai đoạn thăng trầm của lịch sử.

Gặp bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ - tổ trưởng tổ dân phố 2, P.Hiệp Phú, Q.9, nghe bà kể về những ngày tháng ở rừng Tây Ninh để chiến đấu, mới thấy hết ý nghĩa của những ngày hòa bình. 

Chăm sóc chồng, vun vén vườn tược và tham gia hoạt động địa phương là niềm vui tuổi xế chiều của bà Lệ
Chăm sóc chồng, vun vén vườn tược và tham gia hoạt động địa phương là niềm vui tuổi xế chiều của bà Lệ

Khát vọng tuổi 18

Ngày 2/9/1966, Nguyễn Thị Mỹ Lệ - khi đó còn ở tuổi 18 nhiều khát vọng - xung phong lên đường nhập ngũ vào K77 đoàn 82 miền đông Nam Bộ ở rừng Tây Ninh. 

Lúc đầu Mỹ Lệ được phân công làm nhiệm vụ hậu cần nấu cơm cho thương binh. Cơm được nấu bằng bếp Hoàng Cầm để giấu khói, tránh bị địch phát hiện, ném bom. Nấu xong, cô lại hát cho thương binh nghe. Những bài hát như Tâm tình người nữ quân y được cất lên át cả tiếng bom... Hầu hết mọi hoạt động ăn ngủ nấu nướng đều diễn ra trong lòng đất. 

Bộ đội ngoài chiến trường bị thương sẽ được chuyển hết về đoàn 82 để chăm sóc. Làm công việc hậu cần được ba năm thì đơn vị cử Mỹ Lệ học y tá và trở thành y tá khoa ngoại, làm việc tại phòng mổ dưới lòng đất. Mọi thuốc men, quân trang, nhu yếu phẩm đều được bộ đội ta đưa từ bên ngoài vào rừng.

Hồi đó Liên Xô, Cu Ba, Trung Quốc là ba nước bạn cung cấp vũ khí, đạn dược quân dụng, thuốc men giúp Việt Nam. Mỗi lần có ca mổ, y tá sẽ dùng ête xịt khắp phòng sát khuẩn. Bông băng, gạc, dụng cụ phòng mổ được hấp trong những thùng nhôm để đảm bảo khâu tiệt trùng. Mọi thứ đều tự chế, nhưng luôn đảm bảo vệ sinh y tế. 

Mỹ Lệ nhớ lại cái khốc liệt của chiến dịch Nguyễn Huệ (bến cầu Gò Dầu) năm 1972. Thương binh phần lớn bị sát thương do bom bi. Rất nhiều chiến sĩ trẻ tuổi mới vào trận đầu đã gặp thương tích… Phòng mổ của đơn vị hoạt động ngày đêm không nghỉ, thương binh nằm la liệt trong rừng. Để có điện mổ ban đêm, quân đội phải tự chế máy phát điện. Những chiến sĩ khỏe mạnh sẽ thay phiên nhau đạp xe đạp để tạo ra điện. Ngày cũng như đêm, bên trong phòng mổ, các bác sĩ y tá thay nhau trực, bên ngoài các chiến sĩ thay nhau đạp xe, vận chuyển thương binh, nhu yếu phẩm tiếp tế... Đó là những ngày tháng không thể nào quên. 

Cũng chính trong những ngày đạn bom khốc liệt này, bác sĩ Nguyễn Tuấn Khanh - một đồng chí cấp trên - đã phải lòng Mỹ Lệ mà cô không hề hay biết. Đến giữa năm 1973, khi chuyển đơn vị ra chiến trường ác liệt hơn, bác sĩ Khanh liền hỏi ý kiến xem Mỹ Lệ có chờ mình từ mặt trận trở về không? Tuy bất ngờ nhưng cô vẫn gật đầu đồng ý: “Anh cứ đi đi. Em ở đây sẽ đợi...”.

Đám cưới trong rừng - nuôi con trong rừng

Cuối năm 1973, sau Hiệp định Paris, vị bác sĩ và cô nữ y tá mới có dịp kết nối qua thư từ. Tháng 1/1974, một đám cưới được tổ chức trong rừng Tây Ninh với sự có mặt của những người đồng chí, đồng đội. Họ chính thức nên nghĩa vợ chồng. Những anh thương binh từng được họ chữa bệnh đã vào rừng bẫy thú mang về làm tiệc mừng cưới. Bữa tiệc còn có thêm vài gói kẹo, phong thuốc lá, vài bài ca cách mạng góp vui. 

Cưới xong, ở bên nhau đúng một tuần thì bác sĩ Khanh lại lên đường ra mặt trận, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam. Họ may mắn có con ngay sau đó. Nhưng niềm vui này chỉ có thể chia sẻ qua những cánh thư. Mỹ Lệ vẫn ngày đêm trong phòng mổ nơi rừng Tây Ninh, còn bác sĩ Khanh vẫn tham gia cứu thương ngay trên chiến trường. 

Ngày 16/9/1974 giữa bom đạn nơi cánh rừng già, Mỹ Lệ hạ sinh một cô con gái. Được một tuần thì bác sĩ Khanh xin phép về đưa hai mẹ con lên đơn vị chơi. Phương tiện chỉ có mỗi chiếc xe đạp cà tàng, đến đoạn đường khó, Mỹ Lệ phải xuống đi bộ, ròng rã gần một ngày trong rừng mới đến được đơn vị của chồng. Bà nhớ, chuyến đi tuy mệt, nhưng đó là một tuần hạnh phúc nhất của hai vợ chồng.

Sinh con nuôi con trong rừng thật nhiều kỷ niệm. Đứa trẻ bú sữa mẹ là chính, nhưng thỉnh thoảng cấp trên cũng tăng cường thêm hộp sữa bò, quần áo chủ yếu mặc lại của những đứa trẻ con của đồng đội, giường thì được ghép lại bằng cây rừng.

Tuy vậy, công việc của cô y tá vẫn không bị gián đoạn trong thời gian sinh và nuôi con. Mỗi khi vào phòng mổ, cô lại gửi con cho các chú thương binh trông giữ. Con đói khóc thì các chú bộ đội cho ngậm tay thay ti giả. Nghe tiếng máy bay lại chui vô hầm trú ẩn… Cuộc sống cứ ngày nối ngày.  

Gia đình bà Mỹ Lệ sau ngày giải phóng
Gia đình bà Mỹ Lệ sau ngày giải phóng

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn

Cuộc sống trong chiến tranh nay sống mai chết không ai dám hứa hẹn điều gì. Trong rừng nghe tin chiến thắng, Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng, niềm tin được gặp chồng trong Mỹ Lệ lại càng thôi thúc. 

Qua các chiến sĩ, biết chồng đang tiếp quản Bệnh viện Thống Nhất, bà bế con đến. Gặp lại nhau trong ngày chiến thắng, vợ chồng ôm con khóc ròng. Nhưng giây phút đoàn viên ấy cũng chỉ kéo dài được 15 phút, cả hai lại phải bịn rịn chia tay nhau để ông tiếp tục công việc tiếp quản Sài Gòn. Bà trở về quê mới biết mẹ và cậu đã mất từ nhiều năm trước. Lúc đó bà càng thấm thía cái mất mát, đau thương của chiến tranh. 

Năm 1975, bà nhận nhiệm vụ mới tại Quân y viện 7C. Mãi đến năm 1976, ông lại được cử về Suối Máu, Hố Nai, Đồng Nai. Lúc này, họ mới có với nhau thêm một cậu con trai.

Năm 1979, ông lại lên đường làm nhiệm vụ tại Campuchia ở đoàn 775. Cũng trong chuyến đi này, ông bị mảnh bom B40 ghim vào đầu không lấy ra được. Mãi đến năm 1985, ông về trường quân y giảng dạy cho đến năm 1991 thì về hưu, còn bà nghỉ hưu năm 1993. 

Từ khi về hưu, vợ chồng bà Mỹ Lệ mới bắt đầu có thời gian bên nhau. Nhưng đến năm 2018, ông bắt đầu có dấu hiệu mất trí nhớ. Di chứng của mảnh bom B40 còn ghim vào đầu chính là nguyên nhân gây teo não khiến ông lúc nhớ lúc quên. Thay vì gọi vợ, ông lại gọi chị xưng em. Bà nghe vậy lại càng thương và xót xa.

Hiện nay, ngoài việc chăm sóc ăn uống và sinh hoạt cho chồng hằng ngày, bà vẫn thường xuyên tham gia công tác xã hội hưu trí tại khu phố, phường. Lý tưởng cống hiến và tình riêng từ thời bom đạn - chính bằng cách đó - vẫn được bà Mỹ Lệ nuôi dưỡng trong bóng xế đời người. 

Đoàn Xuân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Bích Hằng 28-02-2023 08:09:27

    Tôi trong bức hình đã 49 tuổi. Tôi rất tự hào về ba má của mình.Có rất nhiều người tham gia kháng chiến, có người đã mất có người còn sống... Nhưng tên của ba má tôi được nhắc đến và lưu lại trên một bài báo, đây chắc chắn rằng sẽ là một kỷ niệm đẹp nhất của ba má tôi.

  • Thúy Vũ 17-02-2023 20:20:11

    Bài viết về cuộc đời của cậu mợ tôi. Cậu Khanh là em ruột của mẹ tôi. Cậu học giỏi & rất đẹp trai. Câụ xa quê ( thôn Đoàn xá, xã Hồng Phong, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) vào chiến trường miền Nam từ năm 1962, mới đầu còn có thư về, ông bà Ngoại thương nhớ cậu, dù ko có tin tức gì nhưng ông bà vẫn tin cậu còn sống. Hoà bình năm 1975, một thời gian thì cậu có tin về.... Ông bà mừng phát khóc, gặp ai cũng khoe tin cậu còn sống. Thế rồi mãi tới năm 1976, cậu mới đưa mợ & em Hằng về thăm nhà. Sau 15 năm xa nhà, cậu mất năm 2022, sau nhiều năm mất trí nhớ, gặp các chị em, các cháu ôm cậu vì thương cậu thì cậu vội lùi lại & nói : tôi ko biết cô là ai ... & Xưa tay. Cậu chỉ nhớ nhất từ : Đông Triều, nhắc đến 2 từ đó là cậu khóc, cậu nói: Quê tôi, tôi ko về đc nữa.. thương cậu vô cùng !!!
    Còn mợ tôi thì rất yêu cậu nên coi các anh, chị, cháu chắt nhà chồng như con & vô cùng chu đáo
    Chúc mợ luôn khoẻ mạnh để vui cùng con cháu !!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI