Ly hôn, vì chưa có việc làm và chỗ ở, hơn nữa thằng bé lại là cháu đích tôn nên tôi đồng ý để con ở với bố, còn mình thì sang tỉnh khác làm việc. Thay vì tuần một lần, tôi dồn thành tháng một lần đi thăm con.
Con trai tôi khá ngoan và hiểu chuyện, mỗi lần gặp mẹ cháu đều hỏi khi nào mẹ giàu, khi nào mẹ mới đón con đi với mẹ. Tôi hứa sẽ chăm chỉ làm việc, làm thêm và tăng ca dành dụm, rất nhanh sẽ đón con đi.
Thực tế tôi cũng đang làm vậy, một người phụ nữ thất bại trong hôn nhân đã đủ bất hạnh, thêm không nuôi nổi con còn bất hạnh gấp trăm lần. Đâu ai biết những đêm tôi khóc ướt gối, trách con người kia một thì nhớ con mười, tôi tận dụng mọi thời gian rảnh để làm việc, ban ngày ở công ty, chiều về tôi làm thêm đủ thứ việc, nào là đi phục vụ quán ăn, đi giao hàng cho mấy mối bán trái cây, nấu ăn cho mấy gia đình trong khu nhà trọ đi làm về muộn, sáng sớm dậy nấu nồi xôi bán trong khu nhà trọ và đi bán rong tới cơ quan là vừa hết.
Tôi luôn chân luôn tay làm việc, không để cho mình có thời gian rảnh, tối về phòng trọ, tôi chỉ tắm rửa là ngả lưng ngủ ngay không suy tư trằn trọc, nhiều ngày quá mệt mỏi tôi còn ngủ quên trong phòng tắm, đến khi lạnh quá mới giật mình thức giấc lết về tấm nệm trải ở góc phòng. Mỗi sáng, mở mắt ra là tôi nhìn lên tấm lịch, nhẩm tính còn bao nhiêu ngày nữa được về gặp con.
|
Bao nhiêu ngày nữa mẹ được về gặp con. Ảnh minh họa: Internet |
Hai ngày mẹ con gặp nhau, tôi dẫn con đi công viên, cho con chơi những trò con thích, thằng bé chỉ chơi một lát, còn lại hai mẹ con nắm tay nhau đi dạo và chụp ảnh. Tối tôi cho con đi ăn ngoài rồi về khách sạn nghỉ ngơi, trước khi đi ngủ, thằng bé lôi trong ba lô ra một nắm tiền đưa tôi: “Con cho mẹ này!”.
Trong nắm tiền có cả tờ năm trăm nghìn, hai trăm nghìn và có mấy tờ tiền giấy mệnh giá nhỏ, tôi nhíu mày hỏi con: “Tiền đâu vậy con, sao con có nhiều vậy?”. “Tiền cô cho, mỗi lần nhờ con làm gì, cô lại cho, bà nội cũng thế!”.
Con tôi đã mười hai tuổi, nó đã biết nghĩ, biết tiêu tiền và biết chơi điện tử, thế mà người lớn trong nhà lại cho thằng bé nhiều tiền vậy, không sợ nó hư hay sao?
“Con đã lấy tiền mua gì chưa?”.
“Có, con có mua một cây kem. Còn lại con để dành cho mẹ hết, cho mẹ đỡ vất vả”.
Tôi nghẹn lời nhìn con, con tôi lớn thật rồi, con đã biết lo lắng và quan tâm đến mẹ, Sắp hè rồi, tuần trước tôi mới đi hỏi trường học cho con, học phí cũng không rẻ nhưng tôi sẽ yêu cầu bố thằng bé phụ giúp. Tôi sắp được gần con rồi. Bao cố gắng của tôi trong hai năm nay sắp được đền bù xứng đáng.
Những lần gặp sau, con đều cho tôi tiền, có lần lên đến gần ba triệu, bằng nửa tháng lương của tôi. Tôi bắt đầu sinh nghi, hỏi thẳng con: “Con nói thật cho mẹ biết, con làm gì mà cô cho con tiền nhiều vậy?”.
“Cô nhờ con đổ rác, quét nhà, lau nhà và gấp quần áo, cô đầy tiền, mở túi ra là thấy tiền ngay”.
Tôi linh cảm có chuyện gì đó hoàn toàn không như con kể, tôi tự trách mình không cảnh giác ngay từ đầu. Tôi và chồng cũ vì canh không ngọt cơm không lành mới chia tay, ngày đó chúng tôi đã ầm ĩ không ít nên sau này tôi tận lực tránh anh ta, nhất là khi anh ta có vợ, là người con tôi gọi bằng cô, mỗi lần cần nói chuyện với con, tôi nhắn tin qua chồng cũ nhưng cô ta cũng hậm hực khó chịu, sau đó mua cho con tôi cái điện thoại đời cũ để tránh tôi liên lạc với chồng cô ta. Hẳn cô ta sợ "tình cũ không rủ cũng đến". Cô ta nào biết, thoát khỏi anh ta, tôi như được sống lại, được tái sinh.
|
Tôi linh cảm có chuyện gì đó. Ảnh minh họa: Internet |
Lần đi thăm này, trước khi đón con, tôi nhắn tin hẹn gặp chồng cũ.
Anh nói không hề biết chuyện vợ mới và bà nội cho thằng bé tiền, mà tiền đâu ra cho nhiều vậy, đột nhiên anh đứng phắt dậy: “Dạo này cô ấy hay kêu mất tiền, còn nghi ngờ thằng bé nhưng tôi gạt đi, nói nó bé biết gì, tôi còn nói cô ấy mẹ ghẻ đổ oan cho con chồng”.
Tôi lặng người, mường tượng ra con tôi đã làm gì, tôi cố không tin con tôi đã làm vậy, vì ánh mắt nó khi nhìn tôi rất trong sáng và hồn nhiên.
Đón con, tôi cho con vào công viên chơi, lúc mỏi chân hai mẹ con ngồi nghỉ ở ghế đá, tôi mua cho con cây kem và kể cho con nghe câu chuyện có người ăn trộm đồ của người khác, người này ăn trộm rất tài, lấy được rất nhiều tiền của, nhưng người nhà của anh ta không vui chút nào khi dùng những đồng tiền phi pháp này. Cha anh ta già yếu bệnh hoạn, ngày ngày ông lết ra đường ăn xin, con gái anh ta ngoài giờ học còn đi nhặt bao nylon, vỏ chai để bán kiếm tiền. Cho đến ngày con gái anh ta bị bệnh, cô bé nhất định không đi bệnh viện, không chịu uống thuốc vì không muốn sử dụng những đồng tiền ấy. Lúc đó anh ta mới tỉnh ngộ và hứa với con gái sẽ bỏ nghề trộm cắp, sẽ làm ăn lương thiện.
Con tôi nghe câu chuyện, càng ngày đầu càng cúi xuống, tôi nghe đau thắt trong ngực, những gì tôi nghĩ hóa ra là sự thật.
|
Ảnh minh họa: Internet |
Con kêu mệt đòi về, không muốn đi chơi tiếp. Tôi đưa con về khách sạn, nó lên giường ngủ ngay. Tôi nằm bên con, sắp xếp ngôn từ để lát nữa nói với con, hy vọng thằng bé nghe lời. Tôi quên mất con đã sắp mười ba tuổi, lứa tuổi ương ngạnh và khó dạy, nhất là khi lại sống trong gia đình khiếm khuyết thiếu hụt tình cảm.
“Con chỉ muốn giúp mẹ thôi, mấy người đó toàn nói xấu mẹ, có hôm cô nấu canh chua bị chua quá, bà nội nói cô nấu ăn không ngon bằng mẹ, thế là cô dỗi bỏ cơm, bố phải đi theo dỗ, phải đi mua phở cho cô. Cô còn mắng con là cút đi theo con mẹ mày đi, xàng ràng trong nhà ngứa mắt”.
“Vậy nên con lấy tiền của cô?”.
“Cô đi về toàn bắt con cất giày xách túi, mang nước ra ngâm chân, còn nói mai kia tao tống cổ mày ra đường cho khuất mắt! Con ghét!”.
“Con có biết con làm vậy là sai không? Bố có biết cô sai con làm những chuyện này còn mắng con không?”.
“Bố ở đó, bố nghe hết mà!”.
Tôi nghe phẫn uất dồn ứ trong tim trong não mình, tôi giục con đi tắm, ngay trong chiều kêu xe đưa con về nhà chồng cũ, ngôi nhà tôi ngàn lần không muốn quay lại, nhưng vì con tôi phải ba mặt một lời nói chuyện đàng hoàng.
Tôi biết nuôi một đứa trẻ không dễ dàng gì, bởi không chỉ nuôi mà còn phải thương yêu, bảo ban và dạy dỗ, không phải cho nó ngày ba bữa ăn, một góc để ngủ là xong. Khi đứa trẻ ấy chẳng máu mủ ruột rà thì cần có thêm lòng bao dung và kiên nhẫn. Nhưng tôi đã sai rồi, sẽ chẳng có ai thương yêu con như mẹ, tôi là mẹ còn dứt áo ra đi thì mong gì một người lạ đến thương yêu con tôi?
Tôi quyết định rồi, dù cuộc sống của tôi còn vất vả, nhưng hôm nay tôi sẽ làm mọi cách đưa con về bên cạnh mình. Mẹ con đói khổ có nhau.
Hiền Phương