Hơn 20 học viên đủ lứa tuổi, ngành nghề cùng hội tụ, háo hức khám phá sâu hơn bộ môn nghệ thuật mình yêu mến, hay xa hơn là nuôi giữ một đam mê ấp ủ từ lâu.
“Ở nhà, thấy nghệ sĩ diễn trên ti vi khóc hay quá mà mình làm không được, giờ thì cũng biết… khóc sơ sơ rồi” - chị Nguyễn Thị Như Nguyệt (Q.8) tự hào chia sẻ về những gì đã tiếp thu được qua các khóa học cơ bản. Giờ thì chị tiếp tục đăng ký tham gia lớp đào tạo ca - diễn cải lương nâng cao của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
NSƯT Tú Sương (giữa) trao đổi với chị Như Nguyệt (trái) và chị Thúy Loan về chương trình học
Chị Như Nguyệt cho biết mình là một học viên “thâm niên” đã thọ giáo nhiều chương trình dạy ca diễn cải lương, kể cả các hướng dẫn qua mạng xã hội, kênh YouTube để “thỏa đam mê”. Tiếp xúc với các khóa học ngắn hạn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang do nghệ sĩ Hải Long phụ trách từ năm 2016, dù bận rộn mấy chị vẫn sắp xếp thời gian tham gia. “Nhiều khi tuần ba buổi học, tôi chỉ đến được một buổi. Nhưng cứ có lớp, dù ít dù nhiều tôi cũng theo. Đây là nơi tôi gửi gắm đam mê của mình. Hiện tôi đã biết cách xử lý một bài ca, các trình thức biểu diễn, và cũng có cơ hội đứng trên sân khấu để làm Phồn Y hay Xê Đa…”, chị Như Nguyệt chia sẻ về những điều tưởng chỉ dừng lại trong giấc mơ thuở thiếu thời, mà vì hoàn cảnh gia đình đành tạm gác lại nhiều năm qua.
Đến nay, dù cuộc sống không mấy dư dả với công việc của một thợ may, chị Nguyệt vẫn “quyết tâm bám trụ đến cùng”. “Tôi muốn được đi diễn. Dù tuổi đã lớn, nhưng đây là đam mê từ nhỏ, tôi không thể buông bỏ”, chị Nguyệt nói. Chị tin rằng lớp đào tạo ca diễn và các hoạt động khuyến khích phong trào của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ giúp mình từng bước thực hiện đam mê.
NSƯT Lê Tứ song ca cùng học viên Như Nguyệt tại lễ khai giảng
Trong các học viên mới, có Nguyễn Trương Thế Thanh - “ngôi sao nhí” của các liên hoan đờn ca tài tử một thời. Được biết đến ở chương trình Giọng hát Việt nhí 2015, nhưng trong giới đờn ca tài tử, Thế Thanh đã sở hữu một “bảng vàng” thành tích từ rất sớm, là gương mặt đầy triển vọng của đờn ca tài tử Nam bộ. Thế nhưng, thời gian sau Thế Thanh không còn xuất hiện vì… vỡ giọng, nên em trở lại tập trung việc học.
Ở tuổi 20, chất giọng đã ổn định, Thế Thanh mong muốn tìm lại vị trí và phát triển sự nghiệp. Trong khi chờ đợi lớp tuyển sinh đại học của Khoa Kịch hát dân tộc (Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), Thế Thanh tìm đến lớp học này, hy vọng có thể bổ sung các kỹ năng cần thiết phục vụ cho con đường nghệ thuật tương lai của mình.
Từ Suối Tiên (TP.Thủ Đức), vợ chồng anh Bùi Tấn Lực và chị Tô Dương Thúy Loan cũng có mặt tại buổi họp mặt khai giảng, với tư cách “quan sát viên”. Làm nghề buôn bán nhỏ, cả hai vợ chồng đều mê đờn ca tài tử - cải lương. Nhờ niềm đam mê này, họ quen chị Như Nguyệt qua một chương trình dạy ca cải lương trên YouTube. Chỉ qua hai lần gặp gỡ, chị Như Nguyệt đã thuyết phục anh Lực, chị Loan đến tìm hiểu lớp học.
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang khai giảng Lớp đào tạo ca - diễn cải lương ngắn hạn năm 2022
Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - Phan Quốc Kiệt cho biết: “Trước đây, nhà hát đã tổ chức một số lớp ngắn hạn, và thấy rằng, ngoài các học viên muốn trở thành nghệ sĩ, thì cũng có những học viên làm các ngành nghề khác. Có người là công chức, viên chức nhà nước, có người làm nghề tự do, có cả doanh nhân… Có học viên hơn 70 tuổi, và có em chỉ mới 16 tuổi. Vì đam mê, họ muốn được hiểu sâu hơn về nghệ thuật truyền thống. Đó là giá trị mà lớp học ngắn hạn của chúng tôi mong muốn đem lại - tạo sân chơi bổ ích và lành mạnh cho các đối tượng yêu thích cải lương và có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật này. Hy vọng sẽ phát hiện một số nhân tài, và duy trì được một lực lượng khán giả luôn ủng hộ cho cải lương”.
Lớp đào tạo ca - diễn cải lương ngắn hạn năm 2022 của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang kéo dài ba tháng/lớp, gồm hai chương trình học vỡ lòng (người mới tiếp xúc) và nâng cao (đã biết ca diễn cơ bản) với sự tham gia giảng dạy của các nhà giáo uy tín và các nghệ sĩ tên tuổi của nhà hát, như: tiến sĩ Mai Mỹ Duyên (phụ trách học phần lý thuyết), nghệ nhân ưu tú Kim Loan, NSƯT Mỹ Hằng, nghệ sĩ Hải Long (dạy ca), NSƯT Lê Tứ (nghệ thuật biểu diễn), NSƯT Tú Sương, NSƯT Lê Trung Thảo (vũ đạo)…
Theo ông Phan Quốc Kiệt, các lớp học ngắn hạn đợt này tổ chức bài bản, quy củ hơn trước đây, và gắn kết chặt chẽ với các hoạt động của nhà hát hơn. Không chỉ nhằm phát triển phong trào mà còn đi vào chiều sâu, mong muốn phát hiện thêm được các “nhân tố mới”.
Ngoài việc tăng cường quảng bá để thu hút học viên, lớp học còn tạo điều kiện cho các học viên tham gia giao lưu học hỏi từ chính các hoạt động của nhà hát, như các chương trình giao lưu truyền thống kết nối các thế hệ nghệ sĩ của nhà hát, chương trình “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu cải lương” được livestream hằng tuần, chương trình biểu diễn phục vụ định kỳ…
Sáng 11/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình phối hợp với trường THCS Hàm Nghi tổ chức chương trình “Hạo khí Cần Vương”.