Nuôi giấc mơ hoa hậu thì có gì sai?

01/08/2022 - 09:02

PNO - Chẳng phải trong cuộc sống này, bất cứ sự vật hiện tượng nào cũng đều được nhìn nhận và đánh giá bằng những lời khen như “ôi đẹp quá”, “xinh quá”... sao? Vậy thì tại sao giấc mơ Hoa hậu lại bị dè bỉu đến vậy?

 

Có ai không thích mình đẹp?

Chắc chắn đây là câu hỏi “ấu trĩ” nhất của nhân loại. Có ai sinh ra mà không muốn mình có một ngoại hình hút mắt?. Tự cổ chí kim cũng không hiếm các danh sách xếp hạng các nhan sắc, như “tứ đại mỹ nhân” là một ví dụ. 

Hoặc giả, những huyền thoại về các cung phi của một thể chế nào đó trường tồn với thời gian thì cũng ít nhiều có nhan sắc thật ấn tượng. Vậy thì, cái đẹp chắc chắn là ai cũng mê rồi, ai cũng thích và ai cũng mong muốn được nhìn ngắm. 

Năm 2019, Nông Thuý Hằng Tham gia Hoa hậu Thế giới Việt Nam
Trước khi đăng quang tại Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022, Nông Thuý Hằng đã tham gia một số cuộc thi nhan sắc.

Thế nhưng, khi giấc mơ hoa hậu được dịp “nở rộ” thì lại bị chỉ trích quá nhiều. Họ chỉ trích cả những cô gái đi tìm kiếm danh hiệu, tìm kiếm những lời khen dù đôi khi với các cô gái ấy, việc tham dự cuộc thi chỉ là tìm kiếm một dấu ấn, ghi một kỷ niệm cho quãng thanh xuân ngắn ngủi.

Trái với ý kiến lo ngại, ông Nguyễn Quang Vinh - nguyên Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn - cho rằng hiện tượng này là bình thường. "Trước đây, chúng ta quy định 1 năm chỉ có 2 cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia. Tuy nhiên, vài chục sân chơi khác vẫn được tổ chức với tên gọi, hình thức khác nhau như hoa khôi, người đẹp, chưa kể một số cuộc thi 'chui'. Tôi cho rằng các cuộc thi góp phần quảng bá du lịch, văn hóa vùng miền, quốc gia, kích cầu kinh tế", ông Vinh nói.

Sòng phẳng mà nói, các cuộc thi hoa hậu đều thuộc các đơn vị tư nhân tổ chức. Kinh phí cũng không xin từ ngân sách. Thực hiện đúng quy chế tổ chức biểu diễn. Các cô gái cũng chẳng bất chấp các luân thường, đạo đức hay pháp luật chỉ vì theo đuổi danh hiệu. Vậy chúng ta đang chỉ trích họ ở điều gì?

Về sự "loạn cuộc thi", trước đây, khi quy định còn khống chế về số lượng và đơn vị cấp phép, sự loạn ấy đã có, chỉ là diễn ra theo một kiểu khác. Vì số lượng cuộc thi mỗi năm không được vượt "quota" nên phía sau các văn bản cấp phép tổ chức là một cuộc đua mà ở đó, sự nhũng nhiễu hay các xảo thuật kim tiền không hề vắng mặt. Các lời cáo buộc về nạn mua bán giải cũng không thiếu. Chưa kể, điều đó không hề đáp ứng được thị trường. Với một nhu cầu không vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục hay pháp luật... thì có lý do gì không để thị trường quyết định?

Thanh giả tự thanh 

Nói về chất lượng, thì vẫn như ông Vinh nói, “Mỗi người có quyền quyết định ủng hộ các cuộc thi chất lượng cao, phớt lờ sân chơi 'ao làng', để nó tự triệt tiêu. Đó là quy luật của nền kinh tế thị trường”. 

Hoa hậu xây nhiều thư viện với mong muốn giúp trẻ em có được điều kiên học tập tốt hơn
H'Hen Niê là người không ngừng thực hiện các hoạt động cộng đồng

Thực tế, đã có rất nhiều cuộc thi nhan sắc không có kết thúc có hậu, đã biến mất sau một mùa tổ chức. 

Nếu đứng ở khía cạnh tổ chức, ý kiến của Diễn viên Trương Ngọc Ánh, cũng là một điều hợp tình hợp lý: “Các chương trình giải trí như thi hoa hậu đang là tâm điểm thu hút, tại sao những tập đoàn lớn, có tầm nhìn lớn lại không được đầu tư tổ chức? Trong khi nếu không có thi hoa hậu thì tập đoàn cũng đem tiền đi tài trợ cho các chương trình khác? Hoa hậu cũng là một ngành công nghiệp, như K-pop vậy. Mọi người hãy đón chào nó một cách bình thường. Có người thích có người không nhưng rõ ràng có rất nhiều người thích, ủng hộ thì mới có nhiều cuộc thi tồn tại như vậy".

Nhìn nhận hoa hậu như một ngành công nghiệp của bà Ánh không sai và sẽ chẳng bao giờ là sai, bởi đến cuộc thi được xem là lâu đời và lớn nhất thế giới là Miss World (Hoa hậu Thế giới) mục đích ban đầu cũng là 1 sự kiện quảng bá đồ tắm tại Anh năm 1951!

Còn đóng góp cho xã hội, “Hoa hậu quốc dân” H’Hen Nie cũng đã nhấn mạnh: “Danh hiệu hoa hậu không chỉ là vinh dự khi đạt thành tích cao nhất của cuộc thi mà còn là giá trị của người đó dành cho cộng đồng, cho xã hội. Đối với Hen, nếu tất cả các cuộc thi tổ chức ra đều công bằng, đều mang lại giá trị cho cộng đồng theo tiêu chí, theo định hướng của cuộc thi đó thì Hen rất ủng hộ".

Cuộc thi nào cũng sẽ bị phán xét, cũng bị dòm ngó sau khi chung kết xong. Về cơ bản, hãy cho những cô gái thời gian để thể hiện và trưởng thành. Ngay như H’Hen Nie sau đêm chung kết cũng vậy, cũng bị chê bai đủ đường và chỉ đến khi cô vào top 5 Hoa hậu Hoàn vũ 2018 cô mới được nhìn nhận tích cực hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, tân Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 Nông Thuý Hằng khi được hỏi: “Bạn nghĩ gì khi ngày càng có nhiều cuộc thi hoa hậu?” đã trả lời rằng: “Mọi người đừng chỉ qua tâm câu chuyện có nhiều hay ít mà hãy nhìn vào việc ho hậu làm được nhiều hay ít việc cho cộng đồng. Nếu nhiều hoa hậu làm được nhiều điều tốt thì đó chẳng phải điều đáng mừng hay sao?”.

Cuối cùng thì, hoa hậu cũng chỉ là một cô bé đôi mươi có chút nhan sắc. Đừng "ấn" các tiêu chuẩn vĩ đại cho họ làm gì để rồi hoài nghi sự nở rộ của các cuộc thi. Với phái đẹp có lẽ cũng cần nhẹ lòng và bao dung đôi chút, dẫu sao đó vẫn là phái đẹp!

Khương Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI