Nuôi dưỡng ước mơ

05/06/2013 - 17:25

PNO - PN - Có chung một cái tên, cùng một mái ấm, nhưng hai chị em Phượng Linh và Bảo Linh đã phát triển theo hai con đường hoàn toàn khác nhau. Trần Phượng Linh - thủ khoa đầu vào Khoa Văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM - đoạt giải...

Nói về hai đứa con theo đuổi hai con đường được xem là… ngược chiều nhau, ông Trần Hoàng Long (giảng viên môn Toán tại Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Vinatex TP.HCM) và bà Nguyễn Thị Sáng chia sẻ, ngoài ảnh hưởng tích cực từ dòng họ có nhiều người đỗ đạt thì Phượng Linh và Bảo Linh được giáo dục một cách rất tự nhiên. Có lẽ, điều đáng ghi nhận nhất của hai chị em là sự lắng nghe nhau và cùng nhau nuôi những ước mơ.

 Nuoi duong uoc mo

Phượng Linh cùng mẹ vào bếp

Nơi đam mê nảy mầm

“Có một điều thú vị trong đại gia đình em là bên nội đa số học chuyên về khoa học tự nhiên, đặc biệt là toán. Thế nhưng, ông nội lại là giáo viên dạy văn. Đến ba thì lại nối nghiệp toán. Có lẽ chính sự hòa trộn ấy đã làm nên hai con đường riêng của hai chị em” - Phượng Linh chia sẻ.

“Đại gia đình” mà Phượng Linh nhắc đến chính là dòng họ Trần nổi tiếng hiếu học ở Hưng Nguyên, Nghệ An.

Với thuận lợi của “con nhà nòi” toán học, ba mẹ rất muốn hai con theo học các ngành tự nhiên, nhưng khi biết Phượng Linh ôm mộng văn chương, gia đình lại hỗ trợ em theo đuổi giấc mơ ấy. Dù luôn khuyên nhủ, góp ý cho các con trong mỗi sự lựa chọn, nhưng vợ chồng ông Long vẫn tôn trọng những ý muốn của con.

Vợ chồng ông Long luôn cố hết sức chăm lo cho các con, dù mọi thứ bị giới hạn trong đồng lương giáo viên của ông. Khoản tiền ít ỏi đó, nhiều khi còn phải chia đôi, bởi bệnh thoái hóa cột sống đã nhiều năm của bà Sáng. Vì bệnh, bà Sáng chỉ ở nhà nội trợ, nhưng công việc nội trợ nhiều khi cũng quá sức bà.

Trong cuộc sống nhiều chật vật, lo toan đó, sách là niềm vui chung của cả gia đình. Thấy ba thường ngồi ở bàn làm việc, say sưa đọc sách, lúc nhỏ, Bảo Linh hồn nhiên nghĩ, người lớn thì phải đọc sách. Giữa những khó khăn về vật chất, khoản tiền mua sách cũng là một khoản chi tiêu cố định của cả nhà. Không đủ điều kiện để đến với những thú giải trí tốn kém, sách trở thành món quà để Phượng Linh mỗi tháng được vui niềm vui “tha” sách về nhà, để cả nhà cùng chia sẻ, cùng hiểu nhau qua những trang sách.

Cả Phượng Linh và Bảo Linh đều thừa nhận, mình đã nhiều lần đánh mất niềm tin vào bản thân. Nếu không có hình ảnh của ba mẹ nhẫn nại trước mọi khốn khó và những tấm gương sống động trong dòng họ, có lẽ hai chị em vẫn còn mắc kẹt đâu đó với các thử thách của đời thường.

 Nuoi duong uoc mo

Cả nhà đón Bảo Linh về từ kỳ thi Olympic Toán quốc tế ở Argentina

Cả nhà cùng mơ

Trên con đường học vấn, cả Phượng Linh và Bảo Linh đều thấy ba mẹ mình cứ già đi qua những cuộc thi. Lần đi Argentina để thi Olympic quốc tế, ngày nào Bảo Linh cũng nhận được năm cuộc điện thoại từ gia đình. Cả nhà lần lượt cầm máy, chỉ để nhắc cậu ăn uống, nghỉ ngơi, đi ngủ sớm. Không ai nhắc đến giải thưởng, nhưng Bảo Linh biết, mình cần phải nỗ lực để không phụ lòng người thân luôn lo lắng cho mình. “Em biết mình đang mang theo ước mơ, hy vọng của cả nhà”, Bảo Linh nói “Lúc đón em trở về ở sân bay, mẹ đã khóc và ôm lấy em, khiến một người vốn vô tư như em cũng phải kiềm chế để khỏi khóc theo mẹ”.

Cả hai chị em đều có những ngày vô cùng căng thẳng trước những kỳ thi, riêng Phượng Linh còn có những tháng ròng vùi đầu trong sách vở và máy tính để chuẩn bị cho một công trình nghiên cứu khoa học. Để hai con có được không gian yên tĩnh, ba mẹ bao giờ cũng đi nhẹ, nói khẽ. Những lúc việc học gấp rút không thể phụ mẹ làm việc nhà, ngồi trong phòng học, nghe mẹ khẽ khàng làm cơm dưới bếp, Linh vừa thấy ấm lòng, vừa biết ơn mẹ vô cùng.

Lên đại học, ba mẹ không còn phải vất vả nhiều cho việc học của mình, nhưng Phượng Linh vẫn không quên những đêm mưa tầm tã, học đã mệt, lại phải đứng một mình dưới mưa để đón xe buýt về nhà. Lúc đó, Phượng Linh đang chực khóc thì thấy ba mặc áo mưa từ từ rà xe tới. Mừng mừng tủi tủi, Linh òa khóc. Đến tận bây giờ, cô con gái lớn vẫn luôn tự hỏi, một người đàn ông vừa phải quán xuyến kinh tế của cả gia đình giữa cái thành phố này, vừa phải nghe ngóng, cập nhật thông tin về việc học của con, lại phải chăm lo bệnh tật của vợ, lấy đâu ra năng lượng để hào hứng giảng giải cho con những khúc mắc của đời thường?

Riêng với ông Long, sự tận tụy của ông không chỉ xuất phát từ tình yêu thương, mà còn chính là những ước mơ của mình. Đi bên cạnh con trên từng chặng đường học tập, từng giấc mơ của con đều đổ bóng xuống ông bà. Tuy cả nhà đã quá quen với những kỳ thi, nhưng bao giờ Bảo Linh ôm cặp đi thi, hay Phượng Linh tham dự một hội thảo khoa học là cả gia đình đều phấn khởi như lần đầu.

Chỉ vài tháng nữa, Phượng Linh sẽ ra trường, tiếp tục con đường trở thành một nhà nghiên cứu, Bảo Linh sang Singapore du học với học bổng toàn phần. Cả hai chị em đều rơi nước mắt: “Gia đình là nơi nuôi lớn ước mơ của em, vậy mà giờ em phải rời xa để thực hiện chính giấc mơ ấy”. Nhưng, hai chị em Linh lại an lòng vì hiểu mình vẫn có gia đình bên cạnh trên mọi chuyến đi.

 Minh Trâm 

Bài cuối: Dạy con bằng chính đời mình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI