Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

17/07/2014 - 08:29

PNO - PN - Không cạnh tranh được với những chương trình truyền hình thực tế về tài năng âm nhạc, biểu diễn, nhưng những chương trình thiên về khám phá, định hướng kỹ năng cho trẻ vẫn thu hút sự quan tâm của khán giả nhờ nội dung...

Sức hút từ sự hồn nhiên

Cha con hợp sức là chương trình mới nhất trong gần mười chương trình dạng này, vừa lên sóng số đầu tiên vào ngày 12/7 (phát sóng định kỳ lúc 16g30 các ngày thứ Bảy hàng tuần trên kênh HTV7). Đây là chương trình “format Việt” do Đài truyền hình TP.HCM phối hợp cùng Công ty MCV Corporation sản xuất sau những chương trình được yêu thích: Con đã lớn khôn, Ước mơ của em, Về trường. Cha con hợp sức là cuộc thi tài giữa hai đội chơi, mỗi đội gồm một cặp bố và con (từ năm - mười tuổi), kéo dài trong 48 giờ liên tục với các hoạt động: khám phá, trải nghiệm và chinh phục những nhiệm vụ do ban tổ chức đưa ra. Ở tập đầu tiên vừa được lên sóng, hai cặp bố con kỹ sư Nguyễn Mộng Lân - con gái Minh Thư (chín tuổi) và bố Nguyễn Hồng Ân - con trai Gia Khánh (mười tuổi) đã có cuộc tranh tài khá thú vị tại TP.Đà Lạt. Những thử thách không quá khó nhưng đòi hỏi khả năng nghe hiểu tiếng Anh, óc phán đoán, kiến thức cơ bản về địa lý và đặc sản Đà Lạt cũng như sự hiểu ý giữa hai bố con. Hình ảnh được dựng sinh động và sự hồn nhiên của các “thí sinh nhí” đã giúp Cha con hợp sức có một khởi đầu khá thú vị.

So với những chương trình truyền hình thực tế tranh tài khả năng ca hát, biểu diễn thì những chương trình truyền hình kỹ năng có phần “lép vế” hơn khi không phát sóng ở khung giờ đẹp, không được truyền hình trực tiếp và cũng ít tạo ra dư luận từ truyền thông. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, đó lại là những chương trình mang nhiều ý nghĩa về giá trị sống, giá trị gia đình.

Nuoi duong tam hon tre tho

Ước mơ của em - chương trình giúp các em nhỏ thực hiện “những điều không tưởng”
Trong ảnh: Linh Nga đang làm “hiệp sĩ” dạy múa cho bé Lê Ngọc Đan Chi

Nhường đất cho trẻ tự nỗ lực

Đại diện Công ty MCV Corporation, đơn vị sản xuất khá nhiều chương trình truyền hình thực tế kỹ năng cho trẻ em bày tỏ: “Đơn vị mong muốn thông qua các chương trình mang đến cho khán giả những vẻ đẹp tiềm ẩn, những giá trị đích thực trong cuộc sống, đặc biệt là mang đến niềm vui, sự tin yêu cuộc sống và hướng thiện, góp phần định hình, phát triển nhân cách thế hệ trẻ”. Những sân chơi kỹ năng này trước hết mang lại tiếng cười, sự trải nghiệm và lợi ích tinh thần dành cho trẻ tùy theo từng độ tuổi. Các chương trình không chỉ có chức năng giải trí mà tính giáo dục cũng rất cao. Ước mơ của em (phát sóng vào lúc 19g30 Chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7) là một trong những chương trình như vậy. Lên sóng từ tháng 5/2014, mỗi số phát sóng thời lượng 12 phút là câu chuyện của những “hiệp sĩ” - người nổi tiếng hỗ trợ các em thực hiện mong ước. Có khi là trở thành bác sĩ, ca sĩ, cô giáo mầm non, diễn viên lồng tiếng, diễn viên múa; lúc đơn giản hơn chỉ là làm món bánh kem đãi bạn, làm bút chì khổng lồ, vắt sữa bò, làm kẹp tóc cho mẹ hay công chúa từ thiện… Mỗi câu chuyện đều để lại nhiều bài học, vun đắp niềm tin vào việc thực hiện ước mơ trong tương lai cho các em.

Khá nhiều chương trình truyền hình kỹ năng cho trẻ vẫn đang được phát sóng: Ai thông minh hơn học sinh lớp 5 (phát sóng lúc 19g Chủ nhật hàng tuần trên VTV6), Khi trẻ vào bếp (phát sóng lúc 10g sáng Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV2), Cố lên con nhé (phát sóng lúc 9g15 trên kênh ANTV)…; mỗi chương trình một tiêu chí, nhưng chung quy đều tạo cơ hội cho các em bộc lộ khả năng, kiến thức, ứng xử cùng những trải nghiệm thực tế trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, đôi lúc với mục đích “ghi nhận sự thật”, đã có nhiều hình ảnh, cách dàn dựng khiến không ít phụ huynh lo lắng. Trường hợp ê kíp thực hiện để những đứa trẻ còn quá bé mang vác nặng nề trên một đoạn đường dài, thực hiện những nhiệm vụ quá vất vả so với độ tuổi trong Con đã lớn khôn; hay chương trình Khi trẻ vào bếp không ít lần khiến người xem thót tim với những màn “xử lý” thực phẩm, rau củ bằng dao khá nguy hiểm; hồi hộp với ứng biến những tai nạn nhỏ trong nhà bếp của các thí sinh nhí… Thêm vào đó, đôi lúc tính tương tác chưa cao, trẻ chưa thật sự phát huy hết khả năng xử lý tình huống mà còn lệ thuộc nhiều vào người lớn.

Nhiều phụ huynh có con em từng tham gia các chương trình cũng bày tỏ mong muốn con hòa đồng, năng động, phát triển được các kỹ năng, trải nghiệm cần thiết. Vì vậy, vẫn rất cần mỗi chương trình có những định dạng, thử thách thiết thực, phù hợp với từng độ tuổi, “nhường đất” cho trẻ tự nỗ lực.

 TIỂU QUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI