Nuôi dưỡng bình đẳng thông qua trao quyền kinh tế cho nữ giới

08/03/2023 - 15:23

PNO - Chương trình kêu gọi hưởng ứng nâng cao bình đẳng giới thông qua trao quyền kinh tế cho phụ nữ với chủ đề “trao quyền khởi nghiệp, nuôi dưỡng bình đẳng” đang được hưởng ứng rộng khắp.

Trao quyền kinh tế cho nữ giới là một bước cơ bản hướng tới bình đẳng giới vì nó mang lại cho phụ nữ cơ hội đạt được sự độc lập và tự chủ về kinh tế. Bằng cách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của riêng mình, họ có thể thoát khỏi vai trò giới truyền thống và những kỳ vọng của xã hội vốn hạn chế tiềm năng của họ.

Tinh thần kinh doanh cũng cung cấp cho phụ nữ một nền tảng để thách thức và thay đổi các chuẩn mực và định kiến về giới. Bằng cách đảm nhận vai trò lãnh đạo trong doanh nghiệp của mình, phụ nữ có thể thách thức định kiến cho rằng phụ nữ không có khả năng hoặc không phù hợp với các vị trí lãnh đạo.

Cổ vũ tinh thần này, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới tại Việt Nam đã phát động phong trào “Trao quyền khởi nghiệp, nuôi dưỡng bình đẳng”. Là đơn vị khởi động chương trình, anh Huỳnh Lê Khánh đồng sáng lập ForGood Vietnam cho rằng: “Điều này có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, truyền cảm hứng cho những phụ nữ khác theo đuổi mục tiêu và nguyện vọng của họ”. Chiến dịch nhanh chóng lan rộng và nhận được sự ủng hộ của nhiều nữ doanh nhân, các bạn trẻ và những nhà hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới.

ForGood Vietnam phát động chương trình truyền thông xã hội “trao quyền khởi nghiệp, nuôi dưỡng bình đẳng” nhận được nhiều quan tâm trong cộng đồng phụ nữ khởi nghiệp - Ảnh: SSM
ForGood Vietnam phát động chương trình truyền thông xã hội “trao quyền khởi nghiệp, nuôi dưỡng bình đẳng” nhận được nhiều quan tâm trong cộng đồng phụ nữ khởi nghiệp - Ảnh: SSM

Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, “Bạo lực kinh tế trong hôn nhân thực sự là một vấn đề với 21% phụ nữ từng trải qua trong đời và 12% phụ nữ vẫn đang bị bạo lực kinh tế hiện thời. Nó bao gồm những vấn đề như bị cấm đi làm, lấy tiền cô ấy kiếm được dù không được cô ấy đồng ý, từ chối đưa tiền cho cô ấy để chi trả các chi phí gia đình”. Cho nên anh khuyến khích nữ giới nên ý thức rằng: “Khởi nghiệp và làm chủ bắt đầu từ việc phụ nữ phải làm chủ được chính cuộc đời mình thay vì trao quyền quản lý cuộc đời mình vào tay người khác”.

Chị Diễm Ngân - Giám đốc Công ty May Education chia sẻ từ trải nghiệm của bản thân khi được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh những phụ nữ xung quanh mình phải luôn là người đứng sau và sống một cuộc đời lệ thuộc về kinh tế: “Mình ủng hộ phụ nữ kinh doanh hay tự kiếm tiền để được tự do tài chính. Việc không lệ thuộc làm tiếng nói của mình có giá trị hơn bao giờ hết”.

Chị Diễm Ngân bày tỏ quan điểm của mình về trao quyền kinh tế cho phụ nữ là giúp nữ giới có tiếng nói bình đẳng hơn trong xã hội - Ảnh: SSM
Chị Diễm Ngân bày tỏ quan điểm của mình về trao quyền kinh tế cho phụ nữ là giúp nữ giới có tiếng nói bình đẳng hơn trong xã hội - Ảnh: SSM

Tham gia ở vai trò tình nguyện viên của một chương trình đào tạo giúp xóa bỏ những định kiến về giới trong các ngành nghề khác nhau tại Việt Nam, bạn Vân Nguyễn hiểu được rằng chỉ cần mỗi người phụ nữ có niềm tin vào bản thân mình thì “họ có thể tự chủ kinh tế và trở thành một nhà lãnh đạo nếu họ muốn. Và nếu họ học được cách tự trao quyền cho chính mình, tài năng và sức sáng tạo của họ sẽ bừng nở như một khu vườn, rực rỡ và đầy sức sống. Để từ đó, họ cùng trao quyền cho nhau, cho tất cả các giới trong cộng đồng”.

Bạn Vân Nguyễn tin rằng, mỗi một phụ nữ đều có thể trở thành những nhà lãnh đạo tài giỏi và mang đến nhiều giá trị nếu họ tin vào chính mình - Ảnh: SSM
Bạn Vân Nguyễn tin rằng, mỗi một phụ nữ đều có thể trở thành những nhà lãnh đạo tài giỏi và mang đến nhiều giá trị nếu họ tin vào chính mình - Ảnh: SSM

Nghiên cứu từ ILO hay Global Entrepreneurship Monitor đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng có lực lượng lao động đa dạng hơn, mức độ hài lòng của nhân viên cao hơn và tập trung nhiều hơn vào trách nhiệm xã hội. Các doanh nhân nữ cũng có xu hướng tái đầu tư một tỷ lệ cao hơn lợi nhuận của họ trở lại cộng đồng của họ, góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế địa phương.

Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Trân - cố vấn IFC cho biết: “Trao quyền kinh tế cho nữ giới không chỉ giúp xóa bỏ bất bình đẳng giới mà còn là cách một nền kinh tế có thể tận dụng được nguồn lực hiệu quả để tạo nên những sức mạnh to lớn hơn, giải quyết được những vấn đề kinh tế xã hội một cách hài hòa và triệt để hơn”.

Châu Khoa

Nguồn: SSM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI