Nuôi dạy trẻ 6-18 tháng tuổi: Cung cầu không gặp nhau

08/07/2024 - 06:27

PNO - Các trường mầm non ở TPHCM nhận giữ trẻ 6-18 tháng tuổi từ hơn 10 năm qua nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Nhưng hiện tại, phụ huynh than không tìm thấy chỗ gửi, trường mầm non lại than không nhận đủ trẻ.

Loay hoay tìm chỗ gửi con

Đầu tháng Năm, khi con gái sắp tròn 6 tháng tuổi, chị Như Huỳnh (quận 6) bắt đầu tìm chỗ gửi con để đi làm trở lại. Khi chị đăng bài lên các nhóm Facebook dành cho phụ huynh, đa số khuyên chị nên nhờ ông bà, thuê người giúp việc chăm hoặc gửi con cho nhóm trẻ gia đình, không nên gửi vào trường mầm non. Cuối cùng, chị phải năn nỉ người hàng xóm trông giúp con vài tháng với mức tiền công 4 triệu đồng/tháng, khi con cứng cáp mới gửi cho trường mầm non tư thục.

Chị chia sẻ: “Mùa hè, các con của cô hàng xóm nghỉ học nên có thời gian trông trẻ. Tôi đang lo không biết hết hè sẽ gửi con ở đâu. Tôi tham khảo thì thấy giá nhận trẻ 6-18 tháng của các trường tư thục từ 3-10 triệu đồng/tháng tùy cơ sở vật chất của trường và yêu cầu của phụ huynh”. Khi nghe nói các trường mầm non công lập cũng nhận trẻ trong độ tuổi này, chị ngỡ ngàng, cho rằng chỉ có trường tư thục mới nhận.

Anh Văn Khoa (quận 12) cũng vất vả tìm chỗ gửi con 6 tháng tuổi và không biết rằng trường mầm non công lập cũng nhận trẻ 6-18 tháng. Còn chị Diễm Mi (TP Thủ Đức) thì đón mẹ từ tỉnh Phú Yên vào chăm con mình từ lúc sinh đến nay. Con chị nay tròn 1 tuổi nhưng chị chưa dám gửi đi đâu do không yên tâm. Chị định nhờ mẹ ở lại chăm cho đến khi bé tròn 20 tháng, mới gửi vào trường mầm non.

Chị Hà Thu (quận 7) kể, khi con gái tròn 1 tuổi, chị bế con đến trường mầm non gần nhà. Vừa vào cổng, chị bị bảo vệ chặn lại, gằn giọng: “Đi đâu đây?”. Sau câu trả lời “đi xin nhập học cho con 12 tháng”, bảo vệ xua tay: “Hết suất rồi, về đi”. Sau 3 lần bế con đến trường và bị bảo vệ đuổi, chị liên hệ với hiệu trưởng thì được xác nhận: “Trường vẫn còn nhiều chỗ dành cho trẻ 6-18 tháng”. Sau khi gửi con, chị thấy lớp vẫn nhận thêm vài trẻ nữa. Chị nói: “Nếu tôi không kiên trì thì không thể gửi được con vào trường. Chị chồng tôi ở huyện Nhà Bè có nhà sát trường mầm non nghe tin tôi gửi được con thì ngạc nhiên lắm bởi không biết trường công lập cũng có lớp dành cho độ tuổi đó”.

Ngày 14/6/2014, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND về hỗ trợ giáo dục mầm non, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non mở lớp dành cho trẻ 6-18 tháng tuổi.

Để cung cầu gặp nhau

Bà Kiều Mỹ Chi - Phó trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức - cho biết, Thủ Đức có hơn 20 cơ sở mầm non công lập và tư thục nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi. Để được cấp phép mở lớp giữ trẻ 6-18 tháng, các nhóm trẻ gia đình, lớp mẫu giáo tư thục phải có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Các cơ sở chỉ giữ tối đa 70 trẻ và họ chỉ cần nhận trẻ trên 18 tháng tuổi cũng đã đủ số lượng.

Trẻ được chăm sóc tại Trường mầm non phường 13, quận 10, TPHCM
Trẻ được chăm sóc tại Trường mầm non phường 13, quận 10, TPHCM

Bà nói: “Việc tiếp nhận trẻ 6-18 tháng được các cơ sở giáo dục thực hiện hằng tháng. Chỉ cần trẻ đủ tháng và trường còn dư chỉ tiêu thì sẽ nhận. Phụ huynh có nhà ở các quận giáp ranh nhưng gần trường cũng có thể gửi được con nếu trường còn trống chỗ. Dù vậy, số trẻ được gửi vào các trường rất ít, có trường chỉ tuyển được 1-2 trẻ”.

Do đó, theo bà, các trường cần bám sát nhu cầu của địa phương khi muốn mở lớp dành cho trẻ 6-18 tháng. Địa phương nào có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp thì nhu cầu gửi trẻ ở độ tuổi này mới cao. Bà cũng lưu ý, các trường mầm non luôn đăng thông tin tuyển sinh lên trang Facebook và trang web của trường; phụ huynh muốn tìm lớp cho con thì nên tìm kiếm các trang này hoặc tra thông tin của phòng GD-ĐT.

Ngay từ năm 2014, Trường mầm non Măng Non I (quận 10) đã tổ chức lớp dành cho trẻ 6-18 tháng tuổi. Trẻ được chia thành 2 nhóm: nhóm 1 từ 6-12 tháng, số lượng 12-15 trẻ; nhóm 2 từ 13-18 tháng, số lượng 15-18 trẻ. Lớp học được trang trí bắt mắt, sạch sẽ, có khu vui chơi, ăn uống, tập đi, vệ sinh, tắm nắng… Trường còn có phòng riêng dành cho phụ huynh đến cho con bú vào buổi trưa. Mỗi lớp có 2 giáo viên chăm sóc trẻ và 1 nhân viên làm vệ sinh, giặt tã, quần áo… Mức thu của các lớp này chỉ khoảng 2,6-2,7 triệu đồng/tháng gồm học phí, khoản thu thỏa thuận, tiền ăn, tiền nước…

Bà Bùi Cát Thụy - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trường ưu tiên tuyển con của giáo viên, cán bộ, viên chức phường 12, 13 và 14. Dù vậy, có những năm, sĩ số nhóm 1 vẫn không đủ. Bà giải thích: “Nhiều gia đình thích nhờ ông bà, người giúp việc chăm trẻ hơn là gửi trẻ vào trường hoặc đợi trẻ trên 1 tuổi mới đi gửi. Trẻ 6-8 tháng thường khóc nhiều, cần có hơi của ông bà, cha mẹ mới nín. Khi khóc nhiều, giấc ngủ của trẻ không ổn định, phụ huynh xót con nên cho nghỉ khiến sĩ số thường xuyên biến động”.

Về tình trạng phụ huynh không biết thông tin trường mầm non công lập có lớp dành cho trẻ 6-18 tháng, bà Bùi Cát Thụy lý giải, các trường chủ yếu truyền thông bằng miệng qua phụ huynh hoặc giáo viên. Ngoài ra, trường cũng đăng tải thông tin nhận trẻ lên Facebook và website nhưng cũng chừng mực, không rầm rộ bởi hoạt động của các lớp này chủ yếu là cho trẻ ăn và ngủ, chưa có nhiều hoạt động vui chơi. Hơn nữa, trường cũng tránh đăng hình ảnh của trẻ.

Theo bà, mỗi phường nên có 1 trường mầm non mở lớp dành cho trẻ 6-18 tháng để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh; mỗi quận chỉ có 1 trường mở lớp loại này là quá ít.

Kinh phí đầu tư cao, nhu cầu thấp

Từ năm học 2014-2015, ngành giáo dục TPHCM bắt đầu triển khai việc giữ trẻ 6-18 tháng ở các trường mầm non công lập. Bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, chi phí đầu tư cho mỗi lớp học có thể lên đến hàng trăm triệu đồng bởi lớp phải có nỉ xốp bao bọc, có đồ chơi, nôi, ghế ăn, rổ ngủ, khu vực vệ sinh, phòng cất trữ sữa, phòng để mẹ vắt sữa để dành cho con, thù lao cho giáo viên cũng cao hơn giáo viên các lớp khác.

Trong khi đó, nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh lại thấp. Toàn thành phố hiện có khoảng 200 cơ sở mầm non công lập và ngoài công lập có lớp dành cho trẻ 6-18 tháng, nhưng có nhiều cơ sở chỉ tuyển được 1-2 trẻ mỗi năm.

Theo bà, không nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi con 6-18 tháng. Đa phần họ giữ con ở nhà hoặc đợi đến khi con đủ 12 tháng mới gửi cho cơ sở mầm non bởi việc chở con đi lại rất khó khăn. Khi phụ huynh chọn gửi con vào trường thì sĩ số trẻ cũng biến động nhiều; chỉ cần trẻ nôn trớ, mọc răng, khóc nhiều là phụ huynh liền cho nghỉ học. Do đó, không nên mở lớp đại trà mà nên xem xét nhu cầu của địa phương mình. Địa phương nào có nhiều công ty, xí nghiệp, cư dân đông đúc thì mới tổ chức lớp giữ trẻ 6-18 tháng.

Nhận trẻ từ 3 tháng tuổi vào trường mầm non

Theo Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ GD-ĐT về điều lệ trường mầm non, trẻ em từ 3-6 tháng tuổi được nhận vào trường mầm non. Trẻ em từ 3-36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm lớp: nhóm 3-12 tháng có tối đa 15 trẻ; nhóm 13-24 tháng có tối đa 20 trẻ. Nếu số lượng trẻ trong mỗi nhóm không đủ 50% so với số trẻ tối đa được quy định thì được tổ chức thành nhóm lớp ghép có không quá 20 trẻ. Trẻ em có quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với điều kiện đi lại của trẻ và khả năng tiếp nhận của trường mầm non; được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp với khả năng và nhu cầu của trẻ; được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần; được đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn tại trường mầm non…

Gửi con ở trường tốt hơn gửi cho hàng xóm

Khi con trai được 5 tháng tuổi, chị Thu Mai (huyện Nhà Bè) phải gửi con để đi làm trở lại. Không có người thân, chị gửi con cho bà hàng xóm lớn tuổi vì nghĩ rằng bà này có nhiều kinh nghiệm trông trẻ. Bà hàng xóm đặt con chị trên chiếc giường 1m2 trong căn nhà chật hẹp. Khi con chị 9 tháng tuổi, muốn trườn đi để khám phá thì bị bà ta nắm chân kéo lại để bà xem phim bộ. Mỗi lần chở con đến gửi, con chị đều mếu máo. Chị để ý thì thấy con trai e ngại, giấu giếm mỗi khi có nhu cầu vệ sinh. Thì ra, mỗi khi bà hàng xóm nấu ăn, làm việc nhà bận tay, con chị đi vệ sinh liền bị la mắng, nạt nộ dẫn đến sợ hãi. Con tránh cả chị dù chị luôn động viên rằng việc này không có gì phải xấu hổ. Khi con 12 tháng tuổi, chị gửi con cho một trường tư thục gần nhà, con chị vẫn giấu giếm việc đi vệ sinh. Hôm nào lỡ ị trong tã, con ngồi nép vào một góc, không chơi đùa cho đến khi mẹ đón về.

Vậy nên, khi có đứa con thứ hai, chị gửi con vào trường mầm non công lập từ sớm. Ở trường, phòng của con rộng 50 - 70m2, sàn nhà luôn khô ráo, sạch sẽ. Con có giờ học vận động, giờ học nhận biết những thứ đơn giản. Đồ chơi thì rất nhiều, được phân theo chủ đề, cất vô trong những cái hộp lớn, tới giờ chơi mới được mang ra, phân chia khu vực. Ở trường, con chị có bạn bè, con đi học rất vui vẻ nên chị rất yên tâm.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI