|
Anh Phan Văn Hiếu và chị Trần Lâm Thu Thảo cùng 2 con gái - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Gặp nhau hằng ngày qua màn hình điện thoại
Cuối năm 2005, Phan Văn Hiếu - một kỹ sư làm việc trong ngành cao su Việt Nam - rời đất nước theo lời phát động thực hiện chủ trương mang cây cao su sang Lào, giúp nước bạn phát triển và tô thắm tình hữu nghị giữa 2 quốc gia.
3 năm sau, vợ anh Hiếu là chị Trần Lâm Thu Thảo cũng được chuyển công tác sang Lào làm cùng đơn vị với chồng. Vì công việc nên vợ chồng anh Hiếu phải gửi con lại cho cha mẹ ở quê (tỉnh An Giang) nuôi nấng. Thế nhưng, anh chị luôn có những bí quyết riêng để đồng hành cùng con trong hành trình khôn lớn, dù gặp cách trở địa lý.
Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình nên từ khi con còn nhỏ, anh Hiếu và chị Thảo đã tập dần cho con tính tự lập, không dựa dẫm vào cha mẹ, ông bà. Hằng ngày, dù bận cách mấy, cặp vợ chồng này đều dành khoảng thời gian bất di bất dịch để gọi điện trò chuyện cùng con. “Tập cho con tự lập, nhưng chúng tôi không muốn con cảm thấy bị lạc lõng, bỏ rơi. Chúng tôi có 1 group Zalo gia đình. Cứ 21g là gọi video cho nhau trò chuyện. Chúng tôi muốn nói chuyện với con hằng ngày để cha mẹ, con cái hiểu nhau, gắn bó với nhau. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dễ dàng lắng nghe tâm sự, mong muốn của con để kịp thời uốn nắn, đưa lời khuyên” - anh Hiếu nói.
Hiện nay, con gái lớn của anh chị đã bước vào đại học. Dù bận việc học hành, họp nhóm, nhưng cả gia đình vẫn duy trì “luật lệ” gặp nhau mỗi tối qua màn hình điện thoại. Chị Thảo tự hào kể: “Dù ở 2 quốc gia, nhưng chúng tôi “gặp nhau” hằng ngày. Khi đi chơi hay có việc gì, các con đều gọi điện hoặc nhắn tin xin phép vợ chồng tôi. Chúng tôi nói chuyện với con như những người bạn, tôn trọng con nên các con rất thoải mái chia sẻ hoặc xin lời khuyên, dù không ở gần nhau”.
Cũng cùng chồng làm việc ở Lào và gửi con về Việt Nam khi con mới lên 4 tuổi, chị Hồ Thị Thủy (nhân viên Công ty cổ phần Quasa - Geruco) đã trải qua không ít khó khăn, thách thức trong quá trình nuôi dạy con từ xa. Vợ chồng chị Thủy có 2 cậu con trai (bé lớn năm nay lớp Chín, bé nhỏ học lớp Sáu).
Chị Thủy trải lòng: “Việc chuẩn bị hành trang cho con vào năm học mới tưởng chừng là việc làm thường xuyên, bình thường của các bậc cha mẹ, nhưng với tôi đó là một niềm vui, một niềm hạnh phúc khó tả. Rất lâu rồi vợ chồng tôi không được cùng nhau chuẩn bị tập sách cho con, vì có mấy khi cả vợ chồng được về Việt Nam một lượt. May mắn là 2 con tôi rất hiểu chuyện. Các bé không trách móc mà rất tự giác trong học tập, không chờ ai nhắc nhở. Các con thật sự là động lực để vợ chồng tôi tiếp tục phấn đấu”.
Dù không ở gần con song bất kỳ sự kiện quan trọng nào mà con tham gia, chị Thủy đều theo dõi rồi nhờ người chụp ảnh lại. Chị cũng không ngại chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ của con lên mạng xã hội kèm những lời chúc, sự tự hào và cổ vũ con. Chị Thủy hào hứng cho biết, đây được xem là bí kíp để chị vừa “khoe” khéo con, vừa giúp con cảm thấy cha mẹ luôn ở bên cạnh ủng hộ và dõi theo từng bước chân của con trong hành trình phát triển.
|
Vợ chồng chị Hồ Thị Thủy và con trai trong dịp tết Nguyên đán 2024 - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Khoảng cách địa lý không thể ngăn cản tình cảm gia đình
Chị Võ Thị Phượng (nhân viên Công ty cổ phần Quasa - Geruco) cũng là một bà mẹ điển hình trong việc nuôi dạy con xuyên biên giới. Chị Phượng sang Lào công tác vào năm 2018. Chồng chị thì đã làm việc tại Lào từ năm 2013. Đến năm 2020, chị mang thai và được về Việt Nam sinh con. Vì tình hình dịch bệnh phức tạp nên chị Phượng ở lại Việt Nam chăm sóc con và làm việc trực tuyến. Đến năm 2022, chị trở lại Lào làm việc. Do địa phương nơi chị công tác không có cơ sở giáo dục mầm non cho người Việt nên chị đành chấp nhận cảnh mẹ một nơi, con một ngả. Tuy vậy, chị Phượng luôn có cách riêng để chu toàn việc nuôi dạy con.
Hiện tại, vợ chồng chị thực hiện chiến lược không về Việt Nam cùng lúc, mà chia nhau ra để có được nhiều thời gian gần con hơn.
“Quê tôi ở TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, cách công ty chỉ 160km nhưng lại là ở 2 quốc gia nên thứ Bảy hằng tuần tôi đều tranh thủ về thăm con. Quãng đường từ công ty đến cửa khẩu rất khó đón xe nên tôi nhờ anh em trong công ty chở giúp. Còn từ cửa khẩu về nhà, tôi đi xe đò. Đến Chủ nhật, tôi về lại công ty làm việc. Dù hơi cực và di chuyển tốn kém, nhưng con chỉ mới 4 tuổi, tôi muốn được gần con nhiều hơn, đồng hành cùng con trong hành trình phát triển và trưởng thành” - chị Phượng nói.
Chị Phượng tự hào cho biết thêm, dù con còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện. Ban đầu, mỗi lần mẹ trở lại Lào công tác, bé khóc và đòi theo suốt, nhưng sau khi được giải thích mẹ đi vì công việc, sau này bé không còn khóc đòi mẹ nữa.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Thùy Linh (nhân viên Công ty cổ phần Quasa - Geruco), tình yêu thương của cha mẹ chính là điều quan trọng nhất của những đứa trẻ. Con chị Linh năm nay 3 tuổi nên chị chưa gặp áp lực trong việc dạy con học hành.
Bên cạnh đó, chồng chị kinh doanh tại Việt Nam nên cũng phần nào đỡ đần chị lo cho con nhỏ. Tuy nhiên, không vì vậy mà chị lơ là việc quan tâm, chăm sóc con. Đặc biệt, việc ăn uống của con mỗi ngày chị cũng luôn theo dõi rồi cùng chồng đưa ra chế độ dinh dưỡng phù hợp cho con. Chị Linh chia sẻ: “Không được gần mẹ là một thiệt thòi lớn của con, nên hễ xong việc là tôi gọi về cho con ngay, quan tâm đến con hằng ngày như luôn hỏi xem “Hôm nay con làm gì? Hôm nay có làm quen được bạn nào mới chưa? Con ăn được mấy chén cơm?”.
Chị Linh hiểu, ở độ tuổi này, con rất hay bệnh vặt nên rất lo, luôn hỏi han và nhắc chừng chồng về việc ăn uống của con. Chị tiết lộ, có khi chồng còn trách chị vì từ ngày có con, chị mê con còn hơn mê chồng - mỗi lần gọi về cứ nói chuyện với con suốt, để chồng “ra rìa”.
Những ông bố, bà mẹ mà chúng tôi gặp trong chuyến công tác tại Lào đều có điểm chung là luôn muốn dành tình cảm gấp nhiều lần hơn cho những đứa con ở xa; bởi họ hiểu trong những năm tháng ấu thơ, gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ. Chính vì vậy, dẫu xa con vì công việc, các anh chị luôn tìm cách bù đắp những thiếu hụt do hoàn cảnh xa cách. Họ tâm sự, đang cố gắng từng ngày để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tích lũy kinh tế, chờ ngày trở về để đoàn tụ bên người thân và những đứa con yêu.
Nhã Chân