Thế nào là mẹ tốt?
Khi được hỏi “Thế nào là một người mẹ tốt, thế nào là một người mẹ tệ?”, chế Hòa nói: “Quan điểm của tôi là không có bà mẹ tốt, cũng không có bà mẹ tồi. Với tôi, mẹ không phải là một chức danh”.
|
Chế Hòa và cậu con trai lớn |
Theo chị, cũng không có “quy chuẩn làm mẹ” kiểu như: 1. Làm mẹ phải dịu dàng. 2. Làm mẹ phải chuẩn mực. 3. Làm mẹ phải tâm lý... với các tiêu chuẩn đè nặng lên vai một phụ nữ có con.
Mẹ chỉ là một tiếng xưng hô. Mẹ là một con người, một phụ nữ, bên trong là một vũ trụ riêng biệt. Con là một con người khác có mối liên hệ sinh học với mẹ, bên trong con vẫn là một vũ trụ bí ẩn và duy nhất mà mẹ phải lần dò khám phá suốt khoảng thời gian mẹ sống bên con”.
Và sau cùng, mẹ chỉ là một người bình thường, có những khi điên rồ, xấu xí, có những lúc gàn dở, sai lầm. Nhưng là một người vô cùng yêu thương con, sẵn sàng dành cho con những gì tốt nhất mình có được, mẹ sẵn sàng lắng nghe, nhận lỗi và cố gắng sửa sai. Mẹ là một người không phải cái gì cũng biết nhưng là một người sống lâu hơn con trong cõi nhân gian này nên sẽ hướng dẫn con những gì mẹ biết, cho con những cách thức để tìm kiếm kiến thức, tìm hiểu thế giới.
Ông, bà, cha, mẹ, con… đều là những người đang học cách chung sống với nhau và tận hưởng cuộc đời.
Dạy con theo sách rất… khác với đời thực
Chế Hòa rất mê đọc sách, trước khi có con chế Hòa đã đọc nhiều sách về nuôi dạy con, cả của tác giả phương Đông lẫn phương Tây. Khác biệt rất lớn giữa sách nuôi dạy con và cuộc sống đời thực ấy nằm ở sự so sánh.
“Nhiều sách thường khuyên, nuôi dạy con thì không nên so sánh, nhưng thực ra khi nuôi dạy con “phải so sánh” - chế Hòa cho biết.
Chế Hòa nói: “Chẳng thể nào không so sánh khi con có một đứa em, một người anh “xêm xêm” tuổi ở ngay bên cạnh, học cùng một trường, cùng một chương trình giáo dục, cùng cha cùng mẹ, cùng điều kiện sống. Nhưng việc học hành, ăn ngủ, vui chơi chúng lại trải qua khác hẳn nhau.
Làm sao không so sánh trong khi mẹ hỏi con “Hôm nay có bài tập gì?”, mặt con cứ đơ ra không biết, “tập của con đâu, sách của con đâu”, con không nhớ đã bỏ ở đâu rồi, trong khi đứa trẻ con cô cậu, chỉ lớn hơn một tuổi, thì biết đăng ký học với trường qua email, qua trang web, biết mỗi ngày tự làm bài, tự chạy xe đi học, tự biết canh giờ ăn uống, tắm rửa, kết quả học xuất sắc. Mẹ cậu bé ấy chỉ việc đi làm tối về ngủ, chẳng phải lo lắng gì”.
Chế Hòa giãi bày rằng, đôi khi chị phải phân tích: “Con học… chậm quá, mà tính tình thì bướng bỉnh quá! Con mất hai buổi chiều của cả mẹ lẫn con để hoàn thành hai bài chính tả, còn em con chỉ cần một tiếng. Vậy nên con đừng ganh tị khi thấy em nhiều thời gian chơi hơn, cũng đừng chống đối khi mẹ yêu cầu con dành nhiều thời gian học hơn em. Mình chậm thì phải cần cù hơn bù lại”.
|
Hai con trai của chế Hòa |
So sánh hợp lý cũng cần thiết
Nhìn con cha mẹ thường ngẫm đến bản thân. Bảo rằng sống đừng so sánh, đừng ngước lên nhìn xuống, nhưng dễ gì ta không chạnh lòng khi thấy người khác giàu có, giỏi giang hay có đứa con ngoan ngoãn hơn con mình. Nhưng so sánh để hiểu rằng mình thiếu gì và đang có gì để nỗ lực hoặc biết hài lòng hơn lại cần thiết. Đó là một trong rất nhiều điều không có trong sách dạy con.
“Cũng có thể ông trời thử thách nên “ban cho” tôi một đứa con trai (cậu con lớn) đặc biệt. Con có IQ thấp, khả năng tập trung kém, gầy ốm, chậm chạp, mơ màng, lười biếng. Con có phần nhút nhát, sợ hãi từ bóng đêm cho tới con gián” - chế Hòa cười nói.
Con trai chế Hòa chưa thật sự bị một hội chứng tâm lý nào, nhưng nhiều biểu hiện của cậu chạm đến sát ngưỡng chịu đựng của mẹ. Chế Hòa tâm sự, khi bé ba tuổi, không bằng lòng một điều gì đó con sẽ hét lên với một âm vực cao chói lói, âm lượng như có thể… rung tường, bể mái, và kéo dài cả phút đồng hồ.
Có lần chế Hòa và con đứng trong toilet, nhìn con, biết con đang “lên cơn” ngang bướng và sắp sửa hét, chế Hòa vội vàng: “Con đừng hét, con đừng hét! Trời ơi, con đừng hét mà!”. Nhưng không kịp nữa, con hét lên lùng bùng màng nhĩ, tiếng hét dội ong ong vào mấy bức tường nhà tắm chật chội. Tim chế Hòa đập thình thịch như muốn nhảy khỏi lồng ngực, không biết vì tức giận, sợ hãi hay bị kích động. Chế Hòa vội vàng lao ra khỏi nhà tắm. Nếu tiếp tục đứng trong đó, có lẽ chế Hòa mất kiềm chế và hét lên cùng con.
Chế Hòa cho biết chị từng đánh đòn con. Đó là buổi tối chị phải thức rất khuya làm việc, nhưng mới năm giờ sáng con đã dậy quấy khóc hàng tiếng đồng hồ không có lý do.
Trẻ nhỏ không bao giờ biết bạn đã thức khuya đến mức nào, đã phải dậy từ sớm ra sao, đã trải qua một ngày làm việc mệt nhoài, đang đói cồn cào, khát cháy họng hay nóng nực, bẩn thỉu, cáu bẳn ra sao. Con cứ la hét, phá phách, vòi vĩnh, mè nheo, đánh nhau rách đầu chảy máu.
Thậm chí khi mẹ tưởng đã có thể ngả lưng và ngủ... như chết, thì con bắt đầu sốt cao, ói khắp nệm gối, áo quần, đầu tóc của mẹ. Lúc ấy mẹ phải là một chiến binh kiên cường. Và đôi khi mẹ không biết rốt cuộc vì sao mình có thể sinh tồn qua những ngày tháng như vậy.
Có con, chế Hòa học được rằng, mọi việc đôi khi không phải cứ hợp lý là được, không phải cái gì cũng có cách giải quyết. Có con, ta học được cách chấp nhận, gồng mình chịu đựng và chờ đợi ngày mọi chuyện chuyển biến tốt hơn.
Tuệ Nga