Tưởng nhàn mà lại thành… phức tạp
|
Trên mạng đang có rất nhiều thông tin hướng dẫn các bà mẹ nuôi con theo phương pháp Easy. Tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo cần cẩn trọng khi áp dụng (ảnh chụp màn hình) |
Hiện trên các mạng xã hội đang nở rộ phong trào nuôi con theo phương pháp Easy, viết tắt của eat (ăn) - activity (chơi) - sleep (ngủ) - your time (thư giãn). Phương pháp này hướng tới mục tiêu giúp các bé ăn ngủ đúng giờ, không quấy khóc, tự ngủ và ngủ thẳng giấc. Nhờ thế mẹ sẽ thảnh thơi, có nhiều thời gian thư giãn hơn.
Tuy nhiên, nhiều bà mẹ cho biết vô cùng chật vật khi áp dụng phương pháp nuôi con Easy. Theo hội nuôi con Easy hướng dẫn, chị N.T.M. (26 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) đã áp dụng bảng sinh hoạt ăn ngủ Easy cho con gái 6 tuần tuổi của mình. Cụ thể, ở giai đoạn tuổi của con chị, thời gian thức tối đa là 1 tiếng (tổng thời gian thức là 5-6 tiếng/ngày). Bé có khả năng tích trữ năng lượng trong 3 giờ. Như vậy, sau 3 giờ bé sẽ đói và cần cho bú.
Thế là chị M. bắt con tuân theo, có khi bé đói, khóc đòi bú thì phải ráng chờ đủ 3 tiếng mới được ăn. Ngược lại, thấy con ngủ lâu quá, qua giờ ăn, chị lại đánh thức con dậy cho bú. Đói không được ăn, đang ngủ ngon bị gọi dậy bắt bú làm bé cáu gắt, quấy khóc khiến cả nhà xót ruột. Ông bà nội thương cháu bé tí đã bị mẹ ép vào khuôn khổ, mắng con dâu “vẽ chuyện”. Ngay cả chồng chị cũng phải lên tiếng rằng “trẻ cần ăn ngủ theo nhu cầu”.
Chị P.N.D. (29 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) cũng hú hồn vì áp dụng phương pháp Easy cho con trai 4 tháng tuổi. Chị lên mạng, tham gia các nhóm nuôi con Easy để học hỏi kinh nghiệm. Ngay từ khi con chào đời, chị đã áp dụng bảng sinh hoạt ăn ngủ theo phương pháp này. Chị công nhận thời gian đầu khá vất vả nhưng chỉ sau vài tuần em bé đã vào nền nếp. Vợ chồng chị tự hào khoe rằng mình nuôi con rất nhàn, bé ăn có giờ, ngủ có giấc.
Khi bé có dấu hiệu buồn ngủ là mẹ quấn chặt lại bằng khăn kén, đưa vào phòng riêng, tắt đèn rồi mở máy phát tiếng ồn trắng (tiếng nước chảy, mưa rơi, chim hót… giúp bé đi vào giấc ngủ sâu). 19 giờ, bé đã đi ngủ và thẳng giấc tới 6 giờ sáng hôm sau. Con ngủ ngoan trong phòng, chị M. tự do làm các việc yêu thích như đọc sách, tập yoga, xem phim…
Mọi chuyện diễn ra thuận lợi cho tới cách đây 3 hôm, ba bé chạy vào phòng, cất giọng thảng thốt. Con đang nằm trong tư thế úp mặt xuống nệm, cố gắng chòi đạp, gần như sắp kiệt sức vì tay chân bị bó chặt trong kén. May mắn bé được phát hiện kịp thời, chị D. không dám nghĩ tới kết quả xảy ra nếu chồng vào thăm con trễ hơn vài phút.
Còn anh P.V.K. - ở huyện Nhà Bè, TPHCM - tỏ ra bực bội vì vợ áp dụng nuôi con theo phương pháp Easy. Cứ mỗi lần cho con ngủ là vợ anh lại cố gắng nhét núm vú giả vào miệng con dù bé không thích, nhè ra. “Bé bú mẹ rồi ngủ thiếp đi trong lòng mẹ, cô ấy lại vội vàng đánh thức con dậy bởi phương pháp nuôi con kiểu mới chỉ dẫn phải tập cho bé ăn ngủ tách biệt. Sao cứ làm cho mọi thứ phức tạp lên rồi nói là nuôi con Easy?”, anh K. phàn nàn.
Nhiều điểm chưa phù hợp
|
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên quấn khăn, bó tay khi trẻ đã biết lật - Ảnh: Tư liệu |
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ - phương pháp nuôi con Easy đang được lan truyền trên mạng có một số điểm chưa phù hợp, thậm chí nếu cứng nhắc làm theo còn gây nguy hiểm cho trẻ.
Cụ thể, các mẹ áp dụng biện pháp tập trẻ tự ngủ nhưng lại chưa đảm bảo an toàn. Trẻ biết lật rồi mẹ vẫn quấn tay trẻ, cho trẻ dưới 6 tháng tuổi ngủ phòng riêng, giường ngủ còn treo mùng, lót khăn, trẻ nằm trên tấm nệm mềm, lún, bên cạnh đặt gấu bông, lót tấm quây nôi. Bé đã biết lật mà quấn tay như vậy con sẽ không chống tay và quay mặt sang bên được. Trẻ nằm mùng hoặc nôi lót tấm quây, khi lật có thể vô tình quấn vào mùng gây ngạt.
Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh cho biết, khuyến cáo của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ, trẻ chỉ nên ngủ phòng riêng khi trên 6 tháng tuổi. Trẻ nhỏ hơn độ tuổi này phải được ngủ chung phòng với mẹ nhưng đặt bé vào nôi. Nếu nhà quá chật chội, không thể đặt nôi thì mẹ hãy để con vào một chiếc hộp không có nắp và đủ rộng rồi đặt trên giường cạnh mình. Làm như vậy sẽ tránh được nguy cơ bé bị người lớn ngủ quên đè ngạt.
Phụ huynh học theo các phương pháp mới được lan truyền trên mạng để nuôi con được nhàn nhưng lại chưa thực sự hiểu về đặc điểm giấc ngủ của trẻ dẫn tới lo lắng quá mức. Trẻ nhỏ ngủ không sâu là bản năng. Nếu ngủ sâu sẽ dễ ngưng thở khi ngủ do não của bé chưa trưởng thành khiến khả năng duy trì hô hấp lúc ngủ còn kém. Qua đó, không cần phải sốt ruột vì trẻ ngủ không sâu, miễn lúc thức bé vui vẻ, bú tốt, tăng chiều cao bình thường là ổn.
Việc mẹ cố đút ti giả cho con ngậm để ngủ ngon là sai lầm, bé sẽ bị phụ thuộc vào ti giả thì mới ngủ được. Ti giả nếu có cần chỉ là lúc đầu, hỗ trợ bé dễ đi vào giấc ngủ. Còn lúc bé đang ngủ mà nhè ti giả ra thì không cần nhét vào miệng con lại nữa. Mỗi đứa trẻ sẽ có nhu cầu ăn nhiều ít khác nhau. Trẻ sơ sinh rất dễ bị sặc sữa khi ngủ. Để tránh điều này, hãy cho con bú mẹ trực tiếp hoàn toàn (trừ những trường hợp trẻ bị bệnh, sinh non không đủ sức tự bú). Tự bú mẹ thì lượng sữa mới phù hợp với kích thước dạ dày và nhu cầu của trẻ. Sau khi bú phải bế bé ít nhất 15 phút để lượng sữa được đẩy từ dạ dày xuống ruột.
Bệnh viện Từ Dũ đã từng tiếp nhận vài trường hợp liên quan tới trẻ sơ sinh bị ngạt khi ngủ do cách chăm sóc sai lầm của người lớn. Tuy Việt Nam chưa làm thống kê cụ thể về trẻ em bị tai nạn, ngạt thở lúc ngủ nhưng thế giới đã có nhiều cảnh báo cho điều này. Hằng năm, tại Mỹ có 3.500 trẻ nhỏ tử vong liên quan tới giấc ngủ.
Thanh Huyền