Ngày nay, học sinh học rất nhiều thứ. Vì vậy, để nuôi 1 học sinh tiểu học, phụ huynh phải chi khá nhiều tiền (Nguồn ảnh AI minh họa: Freepik.com)
Con tôi dang học lớp Ba ở một trường công bình thường tại một quận vùng ven TPHCM. Đầu năm học, tôi mua cho con 2 bộ sách (1 bộ để ở lớp và 1 bộ để ở nhà. 2 năm học trước tôi chỉ mua 1 bộ và mỗi ngày con mang vác về quá nặng) hết 1.000.000 đồng. Trong đó, bộ sách giáo khoa 15 cuốn Chân trời sáng tạo giá 235.000 đồng/bộ; Bộ sách giáo khoa tiếng Anh (Family and Friend) và tiếng Anh tăng cường gần 300.000đ/bộ.
Đồng phục của con tôi bình quân 180.000 đồng/bộ. Tôi mua 3 bộ đồng phục chính, 1 bộ đồng phục thể dục và 2 bộ đồng phục ngủ trưa hết 1.080.000 đồng (bé nhiều mồ hôi nên tôi phải cho mặc đồng phục ngủ trưa).
Về tập thì năm học trước con nhận thưởng được 15 cuốn nên gần như đủ dùng. Tôi chỉ mua thêm vài quyển, và bìa bao, nhãn dán, đồ dùng học tập như bút, thước, bảng, phấn, bút xóa, bút dạ quang, hộp bút… hết khoảng 300.000 đồng.
Ngoài ra, món không thể thiếu là cặp đi học. Thị trường cặp đi học như ma trận và tôi chọn loại bình thường, không phải thương hiệu lớn, có chức năng chống gù lưng là 238.000 đồng. Bên cạnh đó là giày, món này cũng tốn không ít tiền vì con cần ít nhất 2 đôi: giày có quai hậu di học bình thường và 1 đôi giày thể thao. Do con chạy giỡn nhiều nên tôi chọn giày của một thương hiệu Việt Nam mà nhiều học sinh chọn là 370.000 đồng/đôi; giày thể thao 280.000 đồng/đôi.
Nhưng khoản chi phí tốn kém nhất khi con đi học là tiền đóng cho trường hàng tháng với gần 20 mục mà không phụ huynh nào nhớ nổi.
Ví dụ: tiền suất ăn bán trú 38.000đồng/suất, tiền nước uống 20.000 đồng/tháng, tiền học tin học 38.000 đồng/tháng, tiền học kĩ năng sống 30.000 đồng/tháng, tiền học tiếng Anh tăng cường 100.000 đồng/tháng, học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài 120.000 đồng/tháng, tiền tổ chức giáo dục STEM (thật ra tôi chưa hiểu là tiền gì?) 30.000 đồng/tháng, tiền tổ chức phục vụ, quản lý, vệ sinh bán trú 303.000 đồng/tháng, tiền sử dụng máy lạnh 23.000 đồng/tháng…
Ngoài ra, còn nhiều khoản thu theo năm như sổ liên lạc điện tử, tiền học phần mềm trực tuyến, tiền học phẩm, tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế, tiển khám sức khỏe đầu năm học…
Phiếu báo đóng tiền tháng 9 của con (chỉ 18 ngày học) là 2.073.130 đồng (chưa đóng bảo hiểm y tế).
|
Nuôi con cái ăn học, là bài toán nan giải của cha mẹ. (Nguồn ảnh minh họa: Freepik.com) |
Tuy nhiên, đó là những chi phí cố định. Khi con đi học, dù muốn dù không, phụ huynh phải tốn cho những chi phí phát sinh (dù trường thông báo là không bắt buộc, nhưng phụ huynh không thể không đóng): tiền mua máy lạnh đầu năm học, quỹ hoạt động cho lớp (phụ huynh giữ) dùng để in, phô tô tài liệu, mua học phẩm cho lớp (như quả địa cầu, bản đồ…), trang trí lớp học… Các khoản này được thông báo là tự nguyện, nhưng "mức sàn" ban đại diện cha mẹ học sinh gợi ý là 400.000 đồng/học sinh. Bên cạnh đó là quỹ của trường 300.00 đồng/học sinh (gia đình nào có 2 học sinh học trong trường thì giảm còn 250.000 đồng/học sinh).
Chưa hết, đầu năm học này, cô giáo chủ nhiệm của con tôi vận động phụ huynh trả lương cho cô bảo mẫu. Vì cô bảo mẫu đi làm từ tháng 8 (mà nhà trường chỉ trả lương cho bảo mẫu từ tháng 9). Vậy là phụ huynh chung sức, mỗi người 50- 100.000 đồng hoặc nhiều hơn tùy "lòng thơm thảo" cho khoản này.
Ngoài ra còn có 1 khoản phí mà phụ huynh hay gọi là “phí đối phó”. Đó là việc cho con đi học thêm. Có phụ huynh thật sự có nhu cầu cho con học thêm. Tuy nhiên, cũng có phụ huynh cho con học thêm chỉ để con không bị thầy cô ...đì. Ở tiểu học, phí học thêm dao động từ 500-700.000 đồng/tháng.
Con tôi thấy bạn đi học thêm đông nên đòi đi học và tôi cũng cho con học thêm môn Anh văn của giáo viên đứng lớp.
Thật ra, con tôi đã học Anh văn ở trung tâm ngoại ngữ, một tháng 2,5 triệu đồng, nên tôi không cho con đi học thêm cô giáo. Thế nhưng, mới đầu năm học con đã kể: “Con giơ mỏi tay mà cô không kêu. Cô chỉ kêu các bạn học thêm nhiều lần”. Vậy là con tôi đi học thêm để tiết học nào con cũng được cô giáo gọi trả lời và khen ngợi, con bé rất vui!
Ngoài tiền học, tiền ăn của con cũng là một khoản đáng kể. Tôi thường cho con ăn sáng ở trường (ở nhà ngủ mới dậy con không ăn sáng nổi) với giá 20.000 đồng một phần cơm hoặc bánh canh hoặc nui... Tôi cũng dằn túi cho con 15.000 đồng, là giá thấp nhất so với mặt bằng của các bạn cùng lớp, để con có thể ăn ly mì, hay uống ly nước…
Tan học, thỉnh thoảng con cũng hay ăn vặt trước cổng trường, khoảng 20. -40.000 đồng/lần. Với những phụ huynh cho con đi học thêm ngay sau học chính khóa, thì con tốn thêm tiền ăn bữa chiều cho con, khoảng 30-50.000 đồng/bữa.
Tính ra, để nuôi 1 học sinh tiểu học, dù khá tiết kiệm, phụ huynh vẫn tốn ít nhất là 5 triệu đồng mỗi tháng. Chị tôi, con học ở một ngôi trường trong trung tâm thành phố thì chi phí còn cao hơn tôi chừng 1-3 triệu đồng/tháng. Và nếu chẳng may, con trúng trường đầu năm phải “đóng bảng vàng” thì số tiền đội lên nhiều lần. Chưa kể, còn khoản phí phát sinh là quà cáp, tiền biếu thầy cô, cô bảo mẫu vào dịp lễ tết... Tuy không ai bắt buộc, nhưng tôi tin, không phụ huynh nào trong đời chưa từng chi khoản này, nhất là khi con học mầm non, tiểu học.
Ngọc Nga