Nuôi con cà cuống

26/02/2020 - 18:02

PNO - Nước mắm cà cuống có vị cay và thơm rất dân dã, rượu cà cuống cũng rất thơm ngon, nên cả hai món này đều rất được ưa chuộng.

“Cà cuống là loài côn trùng sống tự nhiên dưới nước, nơi đồng ruộng, ao hồ. Do môi trường hiện có nhiều thay đổi, chúng đang dần biến mất trong tự nhiên. Chúng cũng là loài côn trùng đặc biệt khó nuôi” - chị Nguyễn Thị Lan - chủ trang trại cà cuống ở ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh - cho biết. 

Trại cà cuống của chị Lan nằm giữa khoảng nắng mênh mông miền biên giới. Bà chủ thế hệ 8X mời chúng tôi dĩa cà na ngâm đường cho dịu lại cái nắng đường xa rồi từ tốn nói về lý do thành lập mô hình kinh tế “có một không hai” của mình. “Mình lớn lên từ đồng ruộng. Cà cuống, ếch, nhái, chẫu chàng, cua, ốc… đều thân quen, như một phần máu thịt, nên mình đã chọn ngành thủy sản để học rồi về công tác tại hội nông dân xã nhà. Lương nhà nước chỉ đủ sống, còn mình sức trẻ, ham học hỏi để làm giàu. Vậy là sau thời gian dài mày mò tìm hướng đi mới, mình đã chọn nuôi con cà cuống” - chị Lan tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Lan với những con cà cuống của mình
Chị Nguyễn Thị Lan với những con cà cuống của mình

Chị đầu tư xây 20 bể nước trong khu lán trại hơn 3.000m2 rồi vớt lục bình về làm mát môi trường nước nơi cà cuống ở và tìm hiểu nguồn thức ăn của chúng. Nói thì ngắn nhưng những việc ấy chị phải mất hai năm mày mò. Để có con cà cuống thương phẩm cũng không dễ dàng mà phải trải qua 5 lần lột xác. Chị Lan đã nhiều lần thất bại mới tạm thành công như hôm nay.

Cà cuống ăn bằng vòi. Chúng tự săn mồi và những chú nhái con, cá con là thức ăn chính của chúng. Nguồn thức ăn này được chị Lan mua lại từ bà con địa phương rồi thả vào bể. Sau khi hút hết chất bổ, xác con mồi sẽ nổi lên mặt nước và người nuôi phải vớt bỏ để bảo đảm môi trường. 

Tuổi đời của cà cuống từ khi ra đời đến khi trở thành hàng thương phẩm là 45 ngày. Nếu để làm con giống thì phải mang sang bể khác nuôi tiếp.

Cà cuống giống có giá 130.000 đồng/con và thời gian nuôi đến khi xuất dài gấp hai lần. Chị Lan tươi cười: “Khó nhất trong quá trình nuôi là khâu ấp trứng. Những cành củi có nhiều ngạnh được cho vào ao để con cái bám vào đẻ trứng. Khi chúng đẻ thì tách những cành này sang ao khác để tránh bị biến thành thức ăn của chúng. Khi trứng nở thành con thì vớt cà cuống con thả vào ao riêng và nuôi chúng bằng trứng ốc bươu vàng. Bởi thế nên ao nuôi cà cuống con cần có nhiều lục bình và ốc bươu vàng“.

Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu nên cứ hết giờ làm việc cơ quan là chị Lan lại về túc trực tại trại của mình. “Bận bịu quá chưa có thời gian lập gia đình luôn” - bà chủ trẻ sinh năm 1985 cười khoe chiếc răng khểnh.

Ngoài bán cà cuống thịt, cà cuống giống, chị Lan còn làm nước mắm cà cuống, rượu cà cuống. Nước mắm cà cuống có vị cay và thơm mùi tinh dầu quế rất dân dã; rượu cà cuống uống cũng rất thơm ngon, nên cả hai món này đều rất được ưa chuộng. 

Cả vùng Phước Chỉ đều thán phục sự “liều lĩnh” của cô chủ trẻ với mô hình nuôi cà cuống hết sức độc đáo nhưng lại cho thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng và luôn trong tình trạng “cháy hàng”. 

Phạm Trang 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI