Nuôi con ăn học quá chật vật, có nên bỏ phố về quê?

23/10/2024 - 18:34

PNO - Áp lực kinh tế, chi phí giáo dục cao khiến nhiều người đắn đo: tiếp tục trụ lại hay bỏ phố về quê để tiết kiệm chi phí?

Kinh tế khó khăn, chi phí giáo dục cao là bài toán nan giải của nhiều gia đình. Ảnh Freeik.com
Kinh tế khó khăn, chi phí giáo dục cao là bài toán nan giải khiến nhiều gia đình tính chuyện bỏ phố về quê (nguồn ảnh: Freepik.com)

Chị Phương Nghi - một người mẹ ở phường An Lạc, quận Bình Tân đang đối diện với quyết định vô cùng khó khăn. Áp lực kinh tế từ việc nuôi dạy cặp song sinh tuổi ăn tuổi lớn đã khiến chị tính đến phương án: chuyển về quê sống để giảm chi phí.

2 con gái chị đang học lớp 8. Mỗi tháng, chị Nghi phải chi một khoản tiền hơn 10 triệu đồng cho việc học của các con. Đầu năm, trong khi người khác chỉ lo cho 1 bé đi học đã than, với chị Nghi khoản chi nào cũng gấp đôi: đồng phục mua 5 bộ thành 10 bộ; sách 1 bộ thành 3 (2 bộ ở trường, 1 bộ ở nhà)… riêng khoảng đóng quỹ phụ huynh (quỹ dành cho hoạt động của lớp), quỹ trường đầu năm đã vài triệu… Rồi tiền học chính khóa, học thêm, ngoại khóa… khiến chị Nghi rạc người vì 1.001 khoản chi.

Trong khi đó, mức lương công chức nhà nước của vợ chồng chị chỉ trên dưới 20 triệu đồng/tháng, anh chị phải nhận sổ sách kế toán làm thêm, khiến chị thấy gánh nặng kinh tế oằn vai.

Chị Nghi tính: “Hiện vợ chồng tôi làm tháng nào tiêu hết tháng đó, không có chút tích lũy, sau này con vào đại học, hay ốm đau bệnh hoạn thì đào đâu ra tiền?”.

Chị tính rằng, nếu cả nhà về quê sống, 2 con sẽ có tuổi thơ êm đềm, chơi nhiều hơn học như cha mẹ ngày xưa. Chi phí học trường làng của 2 con ở quê chỉ hơn 2 triệu đồng, không cần bán trú, không phải học thêm và chi phí ăn uống quê cũng chỉ bằng 1/5 ở thành phố. Chưa kể, chị còn mảnh đất ruộng 5.000m thừa kế của ba mẹ để có thể trồng lúa, trồng rau, nuôi cá, gà vịt… cải thiện cuộc sống.

Về quê, chị có thể làm kế toán cho một công ty xuất khẩu thủy sản với mức lương 12 triệu đồng. Chồng chị có thể làm ở phòng công chứng tư khoảng 8 triệu đồng/tháng. Chị tính, mỗi tháng vợ chồng tích lũy ít nhất 10 triệu đồng. Tuy nhiên, chồng chị chưa sẵn sàng phương án bỏ phố về quê vì lo ngại 5 năm nữa, khi con học đại học, gia đình có thể lại dịch chuyển một lần nữa, khi đó anh chị đã lớn tuổi, không dễ xin việc ở TPHCM. Mà để 2 con lên thành phố thuê nhà đi học cũng tốn kém và không an tâm.

Vợ chồng anh Tưởng ở Q6, TPHCM cũng đang chia phe: anh muốn về quê, còn chị Nga - vợ anh lại muốn ở lại thành phố. Anh là tài xế, chị là lao công cho 1 công ty may mặc. Thu nhập của vợ chồng được 22 triệu đồng/1 tháng, bao gồm cả tiền đi giúp việc nhà ngoài giờ của chị Nga.

Lâu nay vợ chồng chị luôn trong cảnh thắt lưng buộc bụng. Gia đình anh chị có rất nhiều khoản chi: tiền nhà trọ 4 triệu đồng/tháng (gồm điện nước), con đứa học lớp 6, đứa lớp 8.

Mỗi tháng, 2 con học tốn 7 triệu đồng cho các loại chính khóa, học thêm, tiếng Anh… Tuy nhiên, khoản chi nặng gánh khiến chị lo lắng là chi phí y tế. 2 con và chồng đều bị bệnh suyễn, chị cũng có bệnh tiểu đường, đau khớp nên gia đình phải đi bác sĩ thường xuyên. Không thể cắt giảm chi tiêu y tế (có lần sợ tốn tiền không đi bác sĩ, anh Tưởng suýt chết vì lên cơn suyễn cấp tính, may mà cấp cứu kịp thời), vợ chồng anh Tưởng phải xiết chặt việc mua sắm, ăn uống và cả việc học của con.

Chị Nga tâm sự: “Nhà tôi gần như không mua quần áo. Vợ chồng tôi chỉ mặc đồ cũ người khác cho. Quần áo 2 con thì do tôi được các anh chị làm chung thương hay mua đồ cho các cháu. 2 con thích đi học tiếng Anh ở trung tâm, nhưng gia đình không đủ khả năng, chỉ có thể cho học ở gần nhà một tháng hết 500.000 đồng/bé”.

Sống ở thành phố quá chật vật, loay hoay lại đến ngày phải trả tiền nhà trọ, anh Tưởng muốn về quê Tiền Giang - nơi có căn nhà của cha mẹ và anh là con trai út nên được thừa hưởng. Ý tưởng đưa các con về quê để tiết kiệm chi phí và học hành không áp lực trở nên hấp dẫn với anh Tưởng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chị Nga không muốn rời TPHCM - nơi chị đang có một công việc ổn định và nhiều mối làm thêm.

Về quê, đất ruộng không có, vốn liếng cũng không, việc làm cũng ít nên chị lo không biết sẽ sống thế nào? Còn anh Tưởng khăng khăng “ở quê có ai chết đói đâu, về là sống được hết”.

Cuộc sống đô thị với những tiện nghi hiện đại và cơ hội phát triển không ngừng đã trở thành ưu thế của nhiều gia đình thành phố. Tuy nhiên, áp lực kinh tế, đặc biệt là chi phí giáo dục ngày càng cao, đã khiến nhiều người phải đắn đo giữa việc gồng mình ở lại thành phố để con được tiếp cận với môi trường học tập tốt nhất, hay về quê để tiết kiệm chi phí. Quả là một bài toán nan giải!

Bỏ phố về quê là quyết định lớn, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi lẽ, không chỉ có yếu tố kinh tế, mà còn có nhiều yếu tố khác như môi trường sống, chất lượng giáo dục, sự phát triển toàn diện của con cái cũng cần được xem xét thấu đáo.

Gia Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI