Nuôi chữ cho con

27/05/2013 - 17:02

PNO - PN - Theo ông Phạm Trọng Thỉnh - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, gia đình ông Trần Trung Thực không chỉ là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế, mà còn là điểm sáng trong phong trào hiếu học: “Nói...

Ông Thực vốn là bộ đội phục viên, quê Thanh Hóa. Năm 1984, sau hai năm rời quân ngũ, ông kết hôn cùng bà Lê Thị Trung, sinh được bốn người con. Cả gia đình sáu người sống dựa vào mấy sào ruộng nên rất chật vật. Nhìn các con nheo nhóc, đói ăn, thất học, ông Thực xót xa lắm. Nhưng, muốn cho con đến trường, trước hết phải tìm kế sinh nhai. Đi đến đâu, gặp ai, ông cũng hỏi thăm về các vùng kinh tế mới có thể gầy dựng, ổn định cuộc sống. Cuối cùng, bài toán mưu sinh làm tiền đề mở cánh cửa chữ nghĩa cho các con đã có đáp án. Năm 1992, ông dắt díu gia đình vượt ngàn cây số vào Di Linh lập nghiệp.

 Nuoi chu cho con

Nuôi giấc mơ đến trường cho con

Thôn 18, xã Hòa Bắc những năm ấy bạt ngàn đồi hoang, nhà cửa thưa thớt. Đặt chân đến hôm trước, che tạm cái lều, hôm sau ông Thực đã đi… tìm trường cho con. Xong đâu đó, ông mới xắn tay gầy dựng kinh tế. Với số vốn lận lưng ít ỏi từ tiền bán mảnh ruộng ở quê, vợ chồng ông mua mấy sào đất, đầu tư nuôi vài loại gia cầm và trồng hoa màu ngắn vụ để giải quyết miếng ăn trước mắt. “Hồi ấy vất vả lắm. Nắng cũng như mưa, 3g sáng là vợ chồng, con cái mỗi người một ngả, đến tối mịt mới về. Mẹ nó thì lo vắt cơm nắm cho các con đi học mang theo, tôi vừa chăm mảnh vườn nhà, vừa tranh thủ đi cuốc mướn. Thương nhất là các con, nhà cách trường chỉ hơn năm cây số nhưng phải soi đèn lội bộ từ 4g sáng mới đến kịp giờ học” - ông Thực kể.

Hiểu nỗi lòng cha mẹ, sẵn tính ham học, các con ông không quản ngại khó khăn, luôn nỗ lực học giỏi, chưa một lần để bố mẹ rầy la, nhắc nhở. Còn nhớ lần người con út Trần Công Huân được chọn vào đội thi học sinh giỏi cấp tỉnh khối lớp 6, do sức khỏe rất kém, thể trạng nhỏ thó, không thể vượt nổi quãng đường trên 10 cây số lội bộ mỗi ngày để vừa ôn luyện vừa theo chương trình học của nhà trường, Huân xin không tham gia. Thấy con buồn, ông Thực quyết định đồng hành cùng con trên chặng đường này. Mỗi sáng khi sương đêm còn kín lối, ông Thực hì hụi cõng Huân đi, tối cõng về. Sau mấy tháng trời cha con cùng đến lớp, kỳ thi ấy, Huân đoạt giải nhì môn toán.

Đường đến trường có con suối vắt ngang, lội qua là ướt quần nên mấy anh em luôn phải “trừ hao” nửa tiếng để lội xong, đứng vắt quần cho khô mới đi tiếp. Những đôi chân bé nhỏ ấy thường xuyên trầy xước, tứa máu và chai sần nhưng không một lời than vãn. Thấy các con ham học, vợ chồng ông Thực càng cố làm lụng. Lâu lâu, ông lại mất hút cả ngày, tối về chìa ra cuốn sách nâng cao lận thắt lưng còn đẫm mồ hôi tặng con. Những lúc như vậy, mắt các con ông sáng rực niềm vui. Ông cũng vui nhưng lo. Ông bảo: “Lo nhất là đến ngày con hỏi xin học phí, vợ chồng tôi phải tìm người chịu mua cây, mua gia cầm để bán non. Dẫn người ta về nhà mình, tôi chỉ đám bắp nhú cờ, chỉ bầy gà chưa lớn, hỏi họ mua được bao nhiêu để xin ứng trước, sau đó tiếp tục nuôi trồng đến ngày họ vừa lòng thì đến lấy”. Nhớ lại quãng thời gian khốn khó đó, vợ chồng ông Thực đều bảo đó là hành trình “lấy ngắn nuôi dài” gian khổ nhất trong đời họ. Giấc mơ dằng dặc về giảng đường đại học của các con trong gia đình người cựu chiến binh rồi cũng dần thành hiện thực.

Gia đình gương mẫu

Đến nay, người con gái đầu của ông bà là Trần Thị Hiếu (SN 1985) đã là thạc sĩ kinh tế - tài chính, đang làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu ở TP.HCM; Trần Doanh Hiệu (SN 1986) và Trần Văn Hiều (SN 1988) đang khoác áo sinh viên của Học viện Quân y Hà Nội. Cách đây hai năm, cậu út Huân (SN 1993) cũng được vinh danh là á khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thủ khoa của tỉnh Lâm Đồng.

Với những thành tích ấy, tháng 11/2012, gia đình ông Thực được tỉnh Lâm Đồng trao bằng khen là gia đình hiếu học trong Đại hội Gia đình - dòng họ hiếu học, cụm dân cư khuyến học lần thứ III do tỉnh tổ chức. Nhận bằng khen từ tay PGS-TS Lương Ngọc Toản - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, ông Thực rưng rưng: “Đối với bậc sinh thành, đây là hạnh phúc, niềm tự hào lớn nhất mà các con mang lại”. Hỏi thăm về “bí quyết” nuôi dạy con, ông chia sẻ: “Tôi chỉ biết làm kinh tế và động viên, còn vượt khó, nỗ lực học tập và hướng về tương lai đều do các con tôi chọn lựa. Tôi học chưa qua lớp 7 nên con học qua lớp này có hỏi bài là tôi lắc đầu, song bao giờ tôi cũng dặn con ráng tìm giải đáp, không tự tìm được thì hỏi thầy, nhờ bạn”. Các con ông cho biết, niềm đam mê học tập họ có được là nhờ cha luôn khơi gợi hay những tấm gương hiếu học thành tài khác như TS Lê Bá Khánh Trình, GS Ngô Bảo Châu…

Trước thời điểm năm 2010, thôn 18 xã Hòa Bắc chưa có điện. Để có nước tưới tiêu cho cây trồng chính của vùng là cà phê, ông Thực vận động mọi người gom góp đủ số tiền 70 triệu đồng mua bình điện hạ thế. Tuy nhiên, đặt việc học lên hàng đầu nên vào mùa thi cử, để có điện cho con em trong thôn ôn luyện, ông Thực lại vận động và “lên lịch” sử dụng điện cho từng hộ gia đình, tránh tình trạng quá tải điện năng. Bên cạnh đó, ông còn vận động thành lập quỹ khuyến học nhằm trao học bổng cho học sinh giỏi cũng như hỗ trợ các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Chia sẻ niềm vui, ông Thực cho biết: “Đi kinh tế mới, hầu như ai cũng chỉ nghĩ đến việc gầy dựng kinh tế chứ ít ai quan tâm đến chuyện học của con. Tôi lại khác. Chính những năm tháng túng thiếu, đói nghèo triền miên cùng sự thất học của mình thời trẻ là động lực giúp vợ chồng tôi quyết tâm tìm con đường học vấn cho các con. Kinh tế là đòn bẩy, sự học và kiến thức mới là đích đến!”.

 Tuyết Dân

Kỳ tới: mài “ngọc”

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI