Nuôi cháu, vợ chồng xào xáo

07/08/2021 - 05:51

PNO - Em không thích thêm người trong nhà chút nào. Nhưng chồng em không hỏi ý kiến em, đã đồng ý với chị.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Gia đình em đang sống trong căn hộ chung cư ở thành phố. Diện tích chỉ hơn năm chục mét vuông, hai vợ chồng hai đứa con ở cũng không rộng rãi gì. Tính em thích bày biện, trang trí nhà cửa, nên dù có chật một chút vẫn gọn gàng, sạch đẹp. Mọi việc chỉ trở nên khó chịu khi chị gái của chồng em ly hôn, gửi con chị sống chung. 

Cháu gái năm nay 12 tuổi, khi vợ chồng chị chia tay, cháu sống với mẹ. Mẹ cháu ở Bình Dương, đi làm trong khu công nghiệp. Chị nói xin cho con bé lên sống chung trong mấy tháng hè, trước khi bắt đầu năm học mới.

Em nghe kiểu nói chuyện của chị, thấy không chỉ là “mấy tháng hè”, chắc là vào năm học mới chị muốn tìm trường cho bé học ở thành phố, rồi gửi con ở nhà em. 

Em không thích thêm người trong nhà chút nào. Nhưng chồng em không hỏi ý kiến em, đã đồng ý với chị. Anh ấy nghĩ đơn giản, con gái đầu của em năm nay cũng chín tuổi, hai đứa ngủ chung với nhau được. Ăn uống thì đáng bao nhiêu, chỉ thêm chén đũa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Song thực tế là hai đứa nhỏ không thích nhau. Cháu gái từ nơi khác đến, đã không biết cách xử sự, thường lấy đồ của người khác dùng tự nhiên không xin phép, khi nhắc nhở thì trả lời ngang ngược. 

Chị chồng em gửi con cũng không nói gì chuyện tiền cơm, trong khi chồng em cứ nhắc em mua sắm thứ này thứ kia cho cháu. Vợ chồng bắt đầu có bất hòa, em nghĩ chuyện này không đáng để gia đình em xào xáo lục đục. Em muốn nói chị ấy đón cháu về, nhưng cũng ngại chồng em không đồng ý…

Tâm Nguyễn (TP.HCM)

Em Tâm Nguyễn thân mến, 

Nhà thêm người, thêm chi phí, em phải chăm thêm một đứa trẻ bắt đầu tuổi ẩm ương… đây là áp lực lớn, không thể coi thường. Tuy nhiên, có một điều rất quan trọng em đừng quên: Đây là chuyện gây ra bởi những người lớn, chuyện sắp xếp giữa những người lớn. Bản thân cô bé 12 tuổi kia không tự quyết việc này.

Cháu đến ở nhà em có gây thêm áp lực cho em thật, nhưng không phải lỗi của cháu. Vì vậy, trong chuyện này, em cần xác định luôn: Những người lớn phải nói chuyện với nhau, cùng nhau thu xếp, tuyệt đối không vì áp lực mà bực bội đổ lỗi lên đầu đứa trẻ.

Trẻ nhỏ rất dễ tổn thương, cháu em đã chịu một vết thương từ đổ vỡ gia đình, từ cuộc chia tay của ba mẹ, mình đừng làm cho vết thương ấy sâu thêm, cũng đừng gây thêm nỗi đau đớn hờn tủi nào nữa. 

Em cố gắng nhé. Vẫn biết chuyện cố gắng là không dễ, nhưng một mặt mình tìm cách giải quyết, một mặt mình phải luôn cố gắng cho đến khi nào mọi việc được thu xếp ổn thỏa, hợp tình hợp lý, em ạ. 

Đầu tiên là chuyện giữa em và chồng. Vợ chồng em phải nói chuyện thật kỹ với nhau, và đừng để cho cháu phải chứng kiến, phải nghe. Em hãy nói hết những khó khăn của em, về tiền bạc, về chỗ sinh hoạt trong nhà, về tính cách của cháu, về yêu cầu của chồng em…

Từng việc một, vợ chồng bàn bạc tìm cách giải quyết. Không phải nói một lần mà xong hết, nên tốt nhất em nên duy trì kênh trao đổi này, thường xuyên, cởi mở, để chồng em cùng hiểu và cùng lo với vợ. 

Với chị chồng cũng vậy. Em nên điện thoại hỏi thăm, nói chuyện với chị để biết thêm về tính tình của cháu, để chị có thể chia sẻ thêm hoàn cảnh, tâm tư. Chắc vì hoàn cảnh khó khăn, chưa thu xếp được cuộc sống ngay sau cuộc ly hôn, chị ấy mới gửi con ở nhà em vài tháng, chứ người mẹ nào mà không muốn gần con. 

Em nên bàn bạc với chị về kế hoạch sắp tới cho cháu, đừng đoán mò rồi lại suy nghĩ mệt thêm. Nếu chuyện chị gửi cháu ở nhà em lâu dài, cũng nên nói chuyện thẳng thắn về tiền bạc. Thời bây giờ, nuôi một đứa trẻ không đơn giản.

Sự rõ ràng sẽ tốt cho cả vợ chồng em và cho chị, đồng thời khiến mình đối xử với cháu công tâm hơn, thoải mái hơn. Sông có khúc người có lúc, giúp đỡ chị em, con cháu khi ngặt nghèo là việc quý, em đã bắt đầu việc quý ấy, giờ chỉ tìm cách làm cho nó ổn thỏa hơn thôi. Chúc em thu xếp gọn việc nhà em nhé.

HẠNH DUNG

(hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI