Nước uống ở nhiều thành phố của Pháp bị ô nhiễm

24/01/2025 - 08:43

PNO - Theo một nghiên cứu được công bố ngày 23/1, một loại hóa chất vĩnh cửu liên quan đến các vấn đề sức khỏe và dị tật bẩm sinh đã được tìm thấy trong nước máy ở nhiều thành phố và thị trấn của Pháp, bao gồm cả Paris.

Hóa chất vĩnh cửu có liên quan đến các vấn đề sức khỏe và dị tật bẩm sinh - Ảnh: AFP
Hóa chất vĩnh cửu có liên quan đến các vấn đề sức khỏe và dị tật bẩm sinh - Ảnh: AFP

Theo cuộc khảo sát do tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng UFC-Que Choisir và nhóm môi trường Future Generations thực hiện, hóa chất TFA (axit trifluoroacetic) được phát hiện trong 24/30 mẫu được thu thập ở nhiều thành phố của Pháp, trong đó có cả Paris.

TFA là một loại chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS), thường được gọi là hóa chất vĩnh cửu vì chúng không dễ phân hủy.

Ngoài ra, nồng độ TFA của 20 trong 30 mẫu thu thập còn vượt quá giới hạn quy định của châu Âu.

Theo quy định của Liên minh Châu Âu, từ năm 2026, tất cả nước uống không được vượt quá 500 nanogram/lít đối với các chất PFAS.

Các tổ chức phi chính phủ đang yêu cầu thêm TFA vào danh sách cấm.

Trong số 30 thành phố và thị trấn đã phân tích nước, quận 10 của thủ đô nước Pháp có nồng độ TFA cao thứ hai, ở mức 6.200 nanogram/ lít, sau Moussac ở miền Nam nước Pháp.

Thị trấn Bruxerolles ở miền tây nước Pháp đứng thứ ba với 2.600 nanogram/lít.)

Ngoài TFA, các chuyên gia còn phân tích sự hiện diện của các hóa chất khác trong nước.

Một dự luật nhằm hạn chế việc sản xuất và bán PFAS đã được các nhà lập pháp Pháp thông qua lần đầu tiên vào đầu năm 2024, dự kiến ​​sẽ được đưa ra bỏ phiếu lần nữa vào tháng tới.

Thu Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI