Ngày vui ở xã vùng biên
Sau những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” mang đậm sắc màu văn hóa của đồng bào vùng Lìa, huyện Hướng Hóa, thì chương trình chính bắt đầu. Dù được quan tâm đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhưng đến nay xã Thanh vẫn là xã biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn, với đường biên giới dài 17km tiếp giáp với 2 huyện Mường Nòng và Sê Pôn của nước bạn Lào và liền kề với 4 xã nằm trong vùng Lìa thuộc huyện Hướng Hóa là Hướng Lộc, Thuận, Lìa, Xy.
|
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai (bìa phải) - Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM - tặng quà cho hội viên phụ nữ nghèo ở vùng Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị |
Xã Thanh có 863 hộ, 4.268 nhân khẩu thì hơn một nửa là hộ nghèo, được phân bổ ở 6 thôn bản chạy dọc theo tuyến đường Lìa và đường biên giới dọc sông Sê Pôn. Đây cũng là địa phương có số hộ nghèo cao nhất của huyện Hướng Hóa.
Ông Hồ A Cất - Chủ tịch UBND xã Thanh - cảm ơn sâu sắc đến chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và các cá nhân, đơn vị đồng hành. Chương trình do Hội LHPN và Bộ đội Biên phòng TPHCM phối hợp với Hội LHPN và Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khơi dậy ý chí vươn lên của phụ nữ cũng như huy động sự chung tay, góp sức của cộng đồng hướng về các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới trong phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo; đặc biệt, hội viên phụ nữ nghèo tại xã Thanh và Ba Tầng rất vui, hạnh phúc khi được thụ hưởng chương trình này.
Đây là cơ sở để mọi người nỗ lực phát triển kinh tế hộ gia đình, tiến tới xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. “Tôi mong muốn sau khi nhận các phần quà, các công trình, các phương tiện sinh kế mà chương trình đã trao tặng, bà con chúng ta, đặc biệt là các chị em hội viên phụ nữ, phải cố gắng nhiều hơn nữa, vượt khó vươn lên để xóa được cái đói, cái nghèo” - ông Hồ A Cất kỳ vọng.
Trong chuyến công tác, đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho gia đình hội viên, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chị Hồ Thị Phải - đồng bào Vân Kiều - vui mừng khi nhận được tiền và quà của chương trình. Chị nói, mùa hè ở đây bà con thường thiếu nước.
Muốn có nước họ phải lội bộ hơn 6km lên thượng nguồn sông Sê Pôn để cõng nước về. Hôm nay, nghe đoàn tặng 2 giếng nước cộng đồng, bà con rất vui. “2 vợ chồng mình có 4 đứa con nhỏ, cuộc sống dựa vào mấy sào đất trồng sắn cao sản trên đồi và thuê đất của các bạn Lào trồng chuối. Nhưng làm mãi cũng không đủ ăn. Hôm nay nhận được món quà của bà con TPHCM gửi tặng, mình vui quá. Bà con xã Thanh phấn khởi vì sắp có nước giếng khoan, nhà tắm cộng đồng” - chị Phải vui.
|
Đoàn công tác trao bảng tượng trưng tặng 20 bộ máy tính cho hội phụ nữ các xã ở 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị) |
Xúc động khi được tặng bò giống, chị Hồ Thị Dâm - 45 tuổi, ở bản A Ho, xã Thanh - cho biết, vợ chồng chị có 5 người con, đứa lớn nhất 21 tuổi, đứa nhỏ nhất 14 tuổi, được xem là gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất bản. “2 vợ chồng tôi nhiều năm nay vất vả, sống trong căn nhà sàn dột nát, bữa cơm khi có khi không. Hôm nay được tặng bò giống, tôi mừng lắm. Sau này, nếu kinh tế khấm khá, mình sẽ giúp đỡ lại các chị em trong bản” - chị Hồ Thị Dâm nói.
Nghe tin Hội LHPN và Bộ đội Biên phòng TPHCM ra tặng sinh kế và xây dựng hệ thống giếng nước sạch giúp bà con, ông Hồ Xuân Hôn - 78 tuổi, bản A Ho, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thanh - đã hiến tặng gian nhà bếp hơn 100m2 nằm cạnh đường chính gần trung tâm xã, để làm giếng nước và bể tắm cộng đồng phục vụ bà con.
Ông Hồ Xuân Hôn bộc bạch: “Lâu nay người dân ở đây không có nước sạch dùng. Nghe tin bà con nhân dân TPHCM thông qua hội phụ nữ tài trợ kinh phí, giám sát thi công làm giếng, làm nhà tắm cộng đồng, mình rất vui. Bao năm ước mơ có nước sạch để phục vụ sinh hoạt của người dân bản A Ho sắp thành hiện thực”.
Chia sẻ khó khăn với đồng bào biên giới
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, đồng bào các dân tộc cư trú trên địa bàn biên giới, hải đảo là những người hằng ngày cùng bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, trong đó có những đóng góp quan trọng của phụ nữ.
Hiện nay, mặc dù Đảng và Nhà nước có sự quan tâm chăm lo đặc biệt, nhưng đời sống của bà con, đặc biệt là phụ nữ, còn gặp nhiều khó khăn và cần sự chung tay chăm lo, hỗ trợ, động viên của cộng đồng. “Chúng tôi mong muốn các chị em phụ nữ vùng biên giới xã Ba Tầng và xã Thanh sẽ nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế để không ai bị bỏ lại phía sau đúng như mục đích, ý nghĩa của chương trình” - bà Nguyễn Trần Phượng Trân gửi gắm.
|
Đoàn công tác đến kiểm tra công trình giếng nước mà chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã hỗ trợ bà con ở huyện Hướng Hóa |
Để phát huy hiệu quả và ý nghĩa của chương trình, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các đơn vị đồng hành. Hội LHPN và Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị sẽ phối hợp chặt chẽ, tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao kiến thức cho phụ nữ dân tộc khu vực biên giới; duy trì, xây dựng mới các mô hình sinh kế bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực biên giới.
“Chúng tôi mong muốn, sau khi đón nhận sự giúp đỡ của Hội LHPN TPHCM, hội viên phụ nữ xã Ba Tầng và xã Thanh sẽ triển khai tốt công việc còn lại của mình, nỗ lực hơn nữa để vươn lên trong cuộc sống. Rất mong lãnh đạo huyện Hướng Hóa, cấp ủy, chính quyền xã Thanh chỉ đạo, hướng dẫn chị em thực hiện, sử dụng hiệu quả các phương tiện sinh kế, công trình dân sinh được hỗ trợ” - bà Trần Thị Thanh Hà - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị - phát biểu.
Ngày 12/4 trong chuyến công tác tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), Hội LHPN và Bộ đội Biên phòng TPHCM đã đến thăm và tặng quà cho các gia đình hội viên, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở các xã Ba Tầng và xã Thanh với tổng kinh phí trao tặng hơn 850 triệu đồng. Cụ thể, đoàn đã tặng 2 giếng nước cộng đồng, 28 sinh kế, 30 nhà vệ sinh tự hoại, 20 máy vi tính, 200 phần quà cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. |
Thuận Hóa