Nước quý giá của tương lai khô hạn

07/06/2024 - 06:16

PNO - Ai Cập và cơn khát của hoang mạc khiến tôi thấu hiểu giá trị của nước trong đời sống của những cộng đồng trong lịch sử.

Tháng 4/2024 tôi đến Ai Cập. Hoang mạc cực kỳ khô và gió nóng. Những người Ai Cập dùng khăn che kín mặt để tránh gió cát khi đi bộ trên đường. Nhưng khi xe vừa dừng chân ở gần bờ sông Nile, trước mặt tôi hiện ra một dải màu xanh thẫm đầy sức sống. Dòng nước trong lành như cắt đôi Ai Cập thành 2 nửa: phần khô hạn mệt mỏi, phần tươi mát đầy những cánh đồng rau trái.

Đồng bằng sông Nile khiến tôi cảm động khi trở về đồng bằng sông Cửu Long là quê ba tôi - một vùng đất xanh mướt đầy cây trái, nơi dòng sông Mê Kông là tâm điểm của sự sống, nơi giọt nước tạo nên lịch sử và đời sống có thật.

Đoàn thanh niên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) tặng bồn chứa nước sạch  cho người dân ở xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang trong đợt hạn, mặn  cuối tháng 4/2024 - Nguồn ảnh: SAWACO
Đoàn thanh niên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) tặng bồn chứa nước sạch cho người dân ở xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang trong đợt hạn, mặn cuối tháng 4/2024 - Nguồn ảnh: SAWACO

Nhưng năm nay, Bến Tre quê ba tôi và nhiều tỉnh khác như Tiền Giang, Cà Mau và cả vùng đồng bằng bước vào mùa hạn hán khắc nghiệt. Những hàng dài người xếp hàng chờ hứng nước sạch, những xe tải cứu trợ nước đi từ xa về, những cánh đồng đổi màu, nước cạn kiệt, kênh xơ xác. Những nét long lanh ở con kênh nhỏ vào làng, đi qua vườn trái cây bị thay thế bằng những thân cây buồn oằn chết.

Những giọt nước ra đi như báo hiệu nhiều lần 1 thế kỷ biến đổi khí hậu đầy khốc liệt đang bủa vây quê tôi và nhiều vùng đất khắp Việt Nam. Lứa trẻ chúng tôi lớn lên với niềm tự hào quê hương mình đầy sông hồ, kênh xáng, đầy nước, đầy lúa, đầy trái cây. Chúng tôi đang đối diện với sự thay đổi đáng sợ chưa từng có: ba mẹ mình đứng xếp hàng chờ lấy nước ngọt, mặn về làm hỏng máy bơm. Hình ảnh những thùng nước ngọt trao vào tay bà con nông dân như món quà quý cũng là hình ảnh không ai tưởng tượng được ở hạ nguồn sông Mê Kông - con sông lớn thứ tư châu Á với nguồn nước dồi dào tưởng như bất tận.

Nhưng hóa ra, nguồn nước đầy sự sống đó không bất tận. Trong thế kỷ của cơn khát, mỗi quốc gia trên dòng chảy đều tìm cách giữ lại nguồn nước trong lành và khiến những quốc gia cuối nguồn càng “khát” hơn khi mỗi mùa hạn đến. Giọt nước trở thành sự đau đáu sống còn.

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, mỗi khi ba chở tôi ra bờ sông chơi, nước ngày lên ngày xuống dồi dào, gió ngoài bờ sông mát rượi, vườn nhà ông bà đầy cây trái ngọt lành. Năm nay, tôi lại về Bến Tre trong một chuyến cùng các cô chú nhóm thiện nguyện đi tặng nước sạch. Thế hệ chúng tôi đứng giữa ngã ba của một thời đại mới, nơi giọt nước quyết định sinh mệnh của một vùng đất đang ngày càng khan hiếm, sự tranh giành ngày càng khốc liệt, và tương lai ngày càng bất định.

Tôi đứng ở đồng bằng sông Nile, giữa một nửa hoang mạc đỏ rát màu cát, một nửa đồng bằng xanh mướt, và lần đầu thấm thía vẻ đẹp của nước, vẻ đẹp đã tạo sinh ra đồng bằng quê hương tôi ở Cửu Long, chảy trong mạch nguồn của mạng lưới kênh xáng khổng lồ và dòng Mê Kông vĩ đại. Lúc đó, câu hỏi trở nên gay gắt: “Chúng tôi sẽ làm gì để bảo vệ đồng bằng của mình, quê hương Cửu Long của mình?”.
Tôi trở về nhà cuối tháng Tư. Khi mở nước trong phòng tắm, tôi rùng mình hiểu ra: tương lai của nước bắt đầu từ mỗi khoảnh khắc tôi đang sống. Thế hệ chúng tôi phải hiểu, tiết kiệm nước là hành vi quan trọng nhất để mọi vùng đất quê hương có thể tồn tại và bớt cực khổ qua những mùa hạn. Mỗi giọt nước tiết kiệm được sẽ giúp giảm áp lực thiếu nước và có thể chi viện cho những vùng cần nước. Mỗi động tác tiết kiệm nước sẽ bảo vệ nguồn nước ngầm chung, tích lũy cho tương lai khi khí hậu ngày càng khó chịu và khó đoán.

Vì vẻ đẹp của nước, hãy cứu lấy nước mỗi ngày.

Hoa hậu Môi trường thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà vừa trở về từ chuyến đi làm giám khảo cho cuộc thi Hoa hậu Môi trường thế giới 2024. Cô là Đại sứ thiện chí trẻ Liên hiệp quốc, cùng thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững của tổ chức này. Ngay khi trở về Việt Nam, Thanh Hà bắt tay vào chuỗi hoạt động tặng nước sạch, thùng trữ nước sạch cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long vào đầu tháng Năm.
Tác phẩm dự thi cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước” hoặc gửi qua email toasoan@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước”.
Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Nhất: trị giá 10 triệu đồng.
- 1 giải Nhì: trị giá 6 triệu đồng.
- 2 giải Ba: mỗi giải trị giá 4 triệu đồng.
- 8 giải Khuyến khích: mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.
Lưu ý: Người nhận giải sẽ chịu các loại thuế, phí liên quan theo quy định hiện hành.

Nguyễn Thanh Hà - Hoa hậu Môi trường thế giới

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI