Nước ối ít hay nhiều nguy hiểm như thế nào cho cả mẹ lẫn bé?

15/09/2019 - 07:00

PNO - Ngoài chức năng bảo vệ trẻ, nước ối còn giúp duy trì nhiệt độ ổn định của thai nhi trong tử cung, cho phép bé tự do “bơi lội” trong túi nước ối. Nhờ vậy, xương và cơ của bé phát triển cứng cáp hơn.

Nước ối là gì?

Đó là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, có khả năng tái tạo và trao đổi, giữ một vai trò quan trọng đối với sự sống còn và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. 

Nước ối xuất hiện từ ngày thứ 12 sau thụ thai. Lúc này, buồng ối vẫn nằm riêng trong mầm phôi và đã có dịch kẽ phôi. Khoảng 16 ngày tiếp theo, tức ngày thứ 28 tính từ lúc thụ thai, nhau thai đã hình thành tuần hoàn và tạo nên sự thẩm thấu nước ối.

Nuoc oi it hay nhieu nguy hiem nhu the nao cho ca me lan be?
 

Nước ối có vai trò gì?

Nước ối bảo vệ thai tránh sự xâm nhập của vi trùng từ bên ngoài. Nước ối còn có chức năng tái tạo năng lượng và cung cấp dưỡng chất cho thai nhi.

Nước ối còn giúp thai tránh được sự chèn ép quá mức do những cơn co cơ tử cung làm ảnh hưởng đến sự cung cấp máu nuôi bào thai qua mạch máu rốn; thậm chí còn bảo vệ thai nhi tránh khỏi những va chạm, sang chấn. 

Nước ối cũng giúp duy trì nhiệt độ ổn định của thai trong tử cung, bảo đảm môi trường vô trùng cho thai nhi trong bọc ối, cho phép bé tự do “bơi” trong túi nước ối, nhờ vậy, xương và cơ của bé phát triển cứng cáp hơn.

Nước ối có chức năng nuôi dưỡng phôi thai, bảo đảm cho sự sống còn và phát triển của thai. Từ 34 tuần trở lên, thai nhi hấp thu từ 300-500ml nước ối mỗi ngày. Lượng nước ối này góp phần tạo phân su, vào máu giúp cân bằng dịch trong cơ thể thai nhi và một phần được lọc tạo thành nước tiểu cho bé.

Về mặt cơ học, nước ối tạo môi trường cho thai phát triển hài hòa và bình chỉnh về ngôi thai trong ống sinh dục của mẹ trong những tháng cuối thai kỳ. Trong lúc chuyển dạ sanh, nước ối tiếp tục bảo vệ thai nhi khỏi những sang chấn của cơn co tử cung và nhiễm khuẩn.

Nước ối giúp thành lập đầu ối nong cổ tử cung của mẹ giúp cho sự xóa mở cổ tử cung được thuận lợi hơn. Sau khi vỡ ối, nước ối giúp bôi trơn đường sinh dục của mẹ giúp thai nhi dễ được sinh ra hơn.

Nuoc oi it hay nhieu nguy hiem nhu the nao cho ca me lan be?
 

Nước ối được tạo thành từ đâu?

Nước ối được tạo ra từ thai nhi, màng ối và máu của người mẹ.

Từ thai nhi: Trong giai đoạn đầu thai kỳ, da thai nhi có liên quan đến sự tạo thành nước ối, thông thường điều này chấm dứt khi thai được 20 tuần tuổi, tuy nhiên cũng có thể kéo dài đến 28 tuần tuổi tuỳ vào từng bé. 

Từ tuần thứ 20, nước ối có nguồn gốc từ khí-phế-quản, do huyết tương của thai nhi thẩm thấu qua niêm mạc hô hấp của bé. Nhưng nguồn gốc nước ối quan trọng nhất là do đường tiết niệu, sang tuần thứ 16, hệ thống tiết niệu của bé trở thành nguồn sản xuất nước ối. Đó là lý do tại sao phải khảo sát hệ niệu thai khi người mẹ xuất hiện tình trạng thiểu ối.

Từ màng ối: Màng ối bao phủ bánh nhau dây rốn, cũng tiết ra nước ối. Trong những trường hợp phù nhau thai, nước ối được tiết ra nhiều và thường gây đa ối.

Từ máu của người mẹ: Giữa các chất có trong máu của người mẹ và nước ối có một sự trao đổi qua lại ở màng ối. Như vậy, nước ối luôn được tái tạo. Và sự tái tạo mang tính tuần hoàn này được thực hiện thông qua thai nhi nhờ hệ tiêu hóa.

Chúng ta có thể nhận biết điều này khi thai nhi nuốt ối vào tuần thứ 20. Hiện tượng tuần hoàn này có mức độ tăng dần khi thai đủ tuổi và sau đó giảm đi. Đó là lý do khi thai càng già tháng càng có nguy cơ bị thiểu ối.

Ngoài ra, nước ối còn được tái hấp thu qua da của bé, màng ối và dây rốn.

Nuoc oi it hay nhieu nguy hiem nhu the nao cho ca me lan be?
 

Nước ối ít hay dư ối sẽ nguy hiểm như thế nào?

Trong thai kỳ, đánh giá thể tích ối gián tiếp qua siêu âm: đo chỉ số nước ối (AFI) hoặc khoang ối lớn nhất.

Chỉ số nước ối bình thường (từ 6 – 12cm): Mẹ bầu có thể yên tâm với chỉ số ối này.

Khi nước ối quá ít hay không còn (gọi là vô ối, chỉ số nước ối sẽ <3cm): thai nhi có nguy cơ mất tim thai do chèn ép rốn. Nguy cơ dị tật bẩm sinh do hậu quả của việc chèn ép hệ xương và giảm sản phổi. Lúc này, sản phụ có nguy cơ mổ lấy thai và sinh non.< p>

Khi nước ối ít (thiểu ối, chỉ số ối ≤ 5cm): gây tăng tỷ lệ bị dị tật bẩm sinh, đặc biệt là hệ xương và hệ hô hấp, thai nhi phát triển không được khỏe mạnh, dễ bị suy thai, tăng nguy cơ mổ lấy thai và sinh non.

Khi dư ối (chỉ số ối từ 12 - 25cm): Thường kèm với thai nhi lớn hơn bình thường, tuy nhiên mẹ bầu không cần lo lắng nhiều ở tình trạng này.

Đa ối (chỉ số ối > 25cm): có khả năng bị vỡ ối sớm, sinh non, gây ra tình trạng nhau bong non, ngôi thai bất thường, sa dây rốn. Tăng tỉ lệ mổ lấy thai. Khi đa ối ở tuổi thai <26 tuần, cần khảo sát kỹ hệ tiêu hóa thai nhi.< p>

Tóm lại, thai phụ cần theo dõi sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện sớm tình trạng bất thường của nước ối, để cả mẹ lẫn con "vượt cạn" an toàn.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI