Nước nổi - nước ròng

09/07/2021 - 18:40

PNO - Nước ròng thì sông cạn, bờ bên lở bày ra đáy bùn non màu nâu nhạt nhạt, mịn trơn. Mấy con rạch nhỏ từ nhánh sông rẽ vào cũng cạn nước...

Nhà nhỏ, rào quanh là những bụi cây chanh trồng xen cây quýt. Bà ngoại tưới cây hoa nguyệt quế mọc bên thềm; ông ngoại loanh quanh ngoài bờ ruộng phía sau nhà, đám anh em họ thì mải chơi đâu đó ngoài vườn. Còn tôi, thường nằm đung đưa trên võng, trên bụng đặt một cuốn sách nặng trịch, đọc say sưa.

Đó là những ngày hè của tôi ở quê ngoại, hồi tôi còn là một cô nhỏ chừng mười, mười hai tuổi. 

Mỗi năm, kỳ nghỉ hè, tôi được về quê tròn hai tháng để ở cùng ông bà ngoại. Đối với một đứa trẻ thành thị thì “về quê” là một chuyến du lịch dài ngày với rất nhiều khám phá, lạ lẫm mà thân thương, hồn nhiên gắn bó.

Quê miền Tây gắn liền với dòng sông, mỗi ngày đều đặn hai con nước lớn và ròng xoay chuyển. Nước lớn thì sông đầy ăm ắp, mênh mông rộng ra dễ chừng đến gấp rưỡi lúc nước ròng. Nước từ nguồn sông cái đổ vào sông nhánh theo con nước lớn, sông nhẹ nhàng dâng nước lên từ từ, chậm rãi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhìn hướng trôi của những cụm lục bình là biết nước đang lớn hay ròng. Lục bình lờ lững, trôi tản mát trên mặt sông, chạm vào nhau, có khi kết thành cụm lớn hơn, cùng nhau trôi tiếp, có lúc thì xoay xoay theo nước đẩy vài vòng rồi lại tách ra, mạnh ai nấy trôi mà tiếp tục chuyến đi của mình. 

Đến khi nước trở ròng, băng băng đổ ngược dòng chảy ra sông cái, lục bình xoay hướng. Những cánh lá xanh rì cắm trên thân xốp màu trắng xanh, đoạn giữa phồng thon dài như chiếc bình nhỏ, chắc vì vậy mà thành tên gọi lục bình.

Có mùa, những cụm lá xanh đó chở theo hoa. Hoa lục bình đẹp tuyệt. Cánh hoa mỏng mảnh, màu tím nhạt, cuối cánh lại điểm chút màu vàng, viền thêm chút trắng trên nền tím, hết sức duyên dáng. Nhiều bông lục bình nhỏ kết thành chùm lục bình hình tháp cao, đầy đặn, kiêu hãnh vươn lên trên đám lá xanh mướt mát.

Nước ròng thì sông cạn, bờ bên lở bày ra đáy bùn non màu nâu nhạt nhạt, mịn trơn. Mấy con rạch nhỏ từ nhánh sông rẽ vào cũng cạn nước, có khi chỉ còn là con lạch nhỏ xíu chảy nhẹ nhẹ ra phía sông. 

Xuồng nhỏ neo ở cầu đang bềnh bồng khi nước lớn thì giờ đây nằm im ru trên mặt bùn sát đáy. Mấy cây bần mọc bờ sông được dịp khoe bộ rễ um tùm. Nhắc cây bần thì mới nhớ, đó chính là cây Noel của lũ trẻ quê.

Tối mùa hè, đom đóm lấp lánh sáng đậu trên cây bần mọc ở mé sông. Giữa đêm tối trời (nhà quê thuở đó chưa có điện) đom đóm lập lòe trên nhánh cây, đẹp vô kể.

Quê tôi người ta di chuyển bằng xuồng, nhà nào cũng có một hai chiếc xuồng. Xuồng của ngoại đậu ở trong con mương nhỏ bên hông nhà, cột hờ mũi xuồng bằng sợi thừng nhỏ, đầu còn lại quấn lên gốc ổi. Hai chiếc dầm, chiếc bơi mũi, chiếc thì chèo lái, gác dọc trong lòng xuồng.

Nước lớn thì bơi xuồng ra dễ lắm, nhưng lúc nước ròng thì có khi phải lội bùn dưới mương mà đẩy xuồng ra tới sông mới hết mắc cạn để bơi. Ngồi trên be xuồng, nhúng chân xuống dòng sông, lấy cớ kỳ cọ lớp sình đang bám dính đến tận bắp chân, nước sông mát rượi chảy luồn qua ngón tay là một cái thú của riêng cô gái nhỏ ngày ấy. 

Những khung cảnh đồng quê miền Nam sông nước nằm bên bờ một nhánh nhỏ của dòng Cửu Long, tôi không còn giữ được gì nhiều cho hiện tại. Ký ức tản mát, dần dần bị quên lãng. Lũ trẻ ngày nay khó lòng hình dung được có một nơi như thế, có một cô gái nhỏ thị thành như vậy, trong veo nhìn ngắm, hòa mình vào quê hương… 

Kỳ Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI