PNO - Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc hỗ trợ người dân trám lấp giếng khoan không thể diễn ra như dự kiến. Trong khi đó, ở nhiều nơi, người dân vẫn quen dùng nước giếng khoan trong sinh hoạt khiến các mạch ngầm ở TPHCM đang dần cạn nước.
Ở xóm trọ trên Quốc lộ 1, đoạn thuộc P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, nước máy đã “phủ sóng” đến từng phòng trọ, người dân sử dụng nước sạch và trả tiền theo chỉ số trên đồng hồ nước. Nhưng ở xóm trọ Ao Sen phía đối diện, giếng khoan vẫn là nguồn cung cấp nước cho khoảng 300 công nhân. Chiều đến, chiếc máy bơm gầm gào liên tục hút nước từ giếng khoan vào các bồn chứa để các công nhân tắm giặt sau giờ tan ca. Hàng trăm người xúm xít quanh bể chứa nước. Những hôm bị cúp điện bất thường, mọi người phải ngồi chờ đến tận khuya mới có nước.
Chị Ngọc Bích - quê tỉnh Đồng Tháp, đã ở lâu năm ở xóm trọ Ao Sen - cho biết 15 năm sống và làm việc ở TPHCM, chị chỉ dùng nước ở giếng khoan bởi khu đất làm nhà trọ bị vướng quy hoạch. Nhà trọ ở đây không được xây dựng kiên cố mà chỉ được ngăn tạm bợ để cho thuê. Khu này không có số nhà nên đơn vị cấp nước không thể cung cấp nước sạch. Người trong 120 phòng trọ ở đây trường kỳ dùng nước từ giếng do chủ khu đất thuê người khoan khi lập khu trọ. “Nước được hút từ trong lòng đất nên không lo bị ô nhiễm. Nước ở đây dùng thoải mái, không phải trả tiền. Giếng khoan được cái là không có mùi hôi như nước máy. Tụi tui xài riết, quen rồi” - chị Ngọc Bích nói.
Nhà bà T.T.H., ở đường Lạc Long Quận, Q.11, được công ty cấp nước gắn đồng hồ từ hàng chục năm trước. nhưng mấy năm qua, cả gia đình sáu nhân khẩu của bà vẫn dùng nước giếng khoan. Theo bà, do làm nghề buôn bán, cần nhiều nước để dọn rửa hằng ngày nên bà dùng nước giếng khoan để đỡ trả khoản tiền nước khá lớn cho công ty cấp nước mỗi tháng: “Mấy tháng vừa rồi, dịch bệnh khiến việc kiếm tiền khó khăn nên tôi dùng nước giếng khoan nhiều hơn. Mọi khi, tôi chỉ dùng nước giếng khoan để tắm giặt, lau dọn nhà và cửa hàng. Nước để ăn uống vẫn là nước máy, mỗi tháng chỉ dùng vài mét khối”.
Ông Đ.Q.A. - ở đường Phan Huy Ích, Q.Gò Vấp - cho biết đến nay, gia đình ông vẫn dùng nước giếng khoan để tắm giặt do không quen với mùi nước máy. Bởi vậy, chiếc đồng hồ nước ở nhà ông thường có chỉ số rất thấp và có một vài tháng gần như “bất động”.
Công nhân tại khu trọ Ao Sen (120 phòng) đang dùng nước giếng khoan được bơm lên bồn chứa chung
Theo ông Trần Công Lễ - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân - trong khu vực cấp nước của công ty, có rất nhiều giếng khoan. Trong đó, Q.10 có 2.040 giếng, Q.11 có 1.779 giếng và P.Phú Trung của Q.Tân Phú có 936 giếng. Các khu dân cư dọc các đường Cách Mạng Tháng Tám, Tô Hiến Thành, Lạc Long Quân, Kênh Tân Hóa, cư xá Phú Thọ Hòa… là nơi có nhiều giếng khoan nhất. Ông thông tin: “Sau khi có nhà máy nước Tân Hiệp, lượng nước sạch cung cấp cho bà con luôn được bảo đảm nhưng nhiều hộ vẫn quen xài nước giếng khoan. Trong kỳ tháng 1/2022, chúng tôi ghi nhận có 9.778 hóa đơn ghi chỉ số 0m3 nước (gắn đồng hồ nhưng không dùng nước) và có đến 5.513 hóa đơn ghi chỉ số dùng nước từ 1 - 4m3. Nhưng thời gian qua, mỗi tháng, chúng tôi ghi nhận từ 10.000-13.000 hóa đơn có chỉ số tiêu thụ từ 0-4m3 nước”.
Theo ông, trên địa bàn do Phú Hòa Tân phụ trách việc cấp nước, có tình trạng người dân lắp đồng hồ nước chỉ để đối phó còn thực tế, họ chỉ dùng nước giếng khoan. Nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp cũng đang dùng song song hai nguồn nước, gồm nước sạch của công ty cấp nước và nước từ giếng khoan. Đơn cử, Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen lắp đồng hồ nước cỡ lớn nhưng trong năm 2021, tháng cao nhất cũng chỉ dùng 218m3 nước, tháng thấp nhất là 102m3 nước. Năm 2020, tháng cao nhất, công ty này dùng 447m3 nước, tháng thấp nhất chỉ 60m3 nước. Năm 2019, khi chưa có dịch COVID-19, tháng cao nhất, công ty này cũng chỉ dùng đến 1.519m3 nước.
Trong năm 2021, tháng cao nhất, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Phú Thọ (nhà hàng Thủy Tạ) chỉ dùng 385m3 nước, tháng thấp nhất chỉ dùng 96m3 nước. Năm 2019, khi chưa xảy ra dịch COVID-19, công ty này cũng chỉ dùng cao nhất là 1.302m2 nước (tháng Chín), còn lại chỉ dùng từ 300 - 400m3, có tháng chỉ dùng 230m3. Mức tiêu thụ nước như trên còn thấp hơn so với một hộ có kinh doanh dịch vụ thông thường.
Ông Huỳnh Hảo Tài - Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Trung An - cho biết Trung An phụ trách việc cấp nước sạch ở Q.12, Q.Gò Vấp và H.Hóc Môn với tổng cộng 348.669 đồng hồ nước. Trong tháng 1/2022, có 47.924 đồng hồ nước thể hiện mức tiêu thụ 0m3, chiếm đến 14%, chủ yếu tập trung ở H.Hóc Môn.
Nước ngầm gây nhiều mối nguy cho sức khỏe
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cuối năm 2021, đơn vị này đã kiểm định chất lượng nước giếng do hộ dân tự khai thác ở các quận 8, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, TP.Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Kết quả, tất cả các mẫu nước giếng đều không đạt chỉ số hóa lý, 20% mẫu không đạt chỉ số vi sinh.
Nhân viên một công ty cấp nước đang kiểm tra một giếng khoan để chuẩn bị trám lấp
Ông Huỳnh Hảo Tài cho biết, hiện nay, rất nhiều gia đình ở TPHCM vẫn dùng nước giếng khoan vì cho rằng dùng nước máy vừa tốn kém, vừa không cần thiết. Trước đây, nguồn nước giếng khá sạch và an toàn nhưng với sự gia tăng dân số cũng như số nhà máy, khu công nghiệp, nước ngầm đã bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải được xả thẳng ra tự nhiên. Thêm vào đó, phân bón, thuốc trừ sâu, bãi rác sinh hoạt bị phân hủy cũng ngấm dần vào mạch nước ngầm gây ô nhiễm. Do đó, việc sử dụng nước giếng khoan lâu ngày có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Thời gian qua, Công ty Trung An thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền về tác tại của việc sử dụng nguồn nước không an toàn.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TPHCM - nhận định nước ngầm ở độ sâu dưới 30m thường an toàn về mặt vi sinh vật nhưng cũng có rủi ro là vi sinh vật có hại được chuyển từ mặt đất xuống nước ngầm trong quá trình khoan. Thêm nữa, trong mạch nước ngầm ở những vùng địa chất khác nhau, độ hòa tan muối khoáng, kim loại và các chất độc hại cũng khác nhau. Do đó, nếu người dân khoan giếng ở những nơi có nhiều chất độc hại hòa tan trong nước thì việc sử dụng lâu ngày chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chất thường thấy nhất là phèn sắt, phèn nhôm.
“Theo tôi, người dân nên chọn nguồn nước sạch do các trạm cung cấp vì chúng được cơ quan chức năng kiểm định thường xuyên. Ở nơi chưa có nước sạch, người dân buộc phải dùng nước giếng khoan thì cần xử lý và kiểm định nước thường xuyên. Có những nơi, khi áp lực bão hòa đều thì nước không bị ô nhiễm nhưng khi nước ngầm bị hút thì có sự di chuyển nước từ nơi nhiều nước đến nơi đang bị hút cạn, có thể kéo theo chất độc hại đến giếng. Cho nên, nước giếng cần phải được kiểm tra định kỳ và thường xuyên” - bác sĩ Nguyễn Xuân Mai phân tích.
Giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá - chuyên gia môi trường - cho rằng trước đây, nước ngầm ở độ sâu 6 - 70m thường an toàn nhưng qua thời gian, nguồn nước này có nguy cơ bị ô nhiễm do các chất độc hại thấm theo ống nước. Ngoài ra, ở những vùng có đất cát, khả năng thấm rất nhanh nên khi khai thác nước ngầm, các chất độc hại sẽ xâm lấn vào mạch nước ngầm: “Nguồn nước bị ô nhiễm kim loại nặng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra nhiều bệnh cho người dùng lâu ngày, trong đó có cả bệnh ung thư”.
Khoan giếng gây sụt lún
Một năm trước, nhiều căn nhà trên đường Lâm Hoành, P.An Lạc, Q.Bình Tân bỗng nhiên nứt toác. Theo một báo cáo quan trắc, trong vòng 10 năm, mặt đất ở P.An Lạc đã bị lún hơn 81cm. Ông Tiến - ở cuối đường Lâm Hoành - cho biết khi xây dựng nhà, các hộ ở hai bên đường này đều chủ động nâng cao nền nhà, nhưng sau một thời gian, các căn nhà dần thấp xuống. Cư dân ở đây rất mong các cơ quan chức năng có giải pháp hạn chế tình trạng sụt lún để họ yên tâm sinh sống.
Tương tự, vài năm nay, những căn nhà trong hẻm 113 Võ Duy Ninh, Q.Bình Thạnh cũng bị nứt nền, vách. Nơi bị sụt lún rõ nhất trong hẻm là chân tường rào bao quanh một tòa nhà nằm ở giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh và hẻm 113 Võ Duy Ninh. Do sụt lún, mặt đất và chân bức tường của tòa nhà này bị hở ra, có đoạn hở gần một gang tay.
Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Trắc địa bản đồ TPHCM - cho biết hiện tại, ở khu trung tâm TPHCM, tình trạng khai thác nước ngầm đã được kéo giảm nhưng ở các vùng đang đô thị hóa, tình trạng này vẫn còn. Người dân vẫn tự phát khai thác nước ngầm để tưới tiêu, sản xuất nhỏ và sinh hoạt. Điều này gây ra tình trạng sụt lún ở các quận ven, huyện ngoại thành.
Ông phân tích: “Nước ngầm bị khai thác quá mức sẽ làm thay đổi kết cấu mặt đất, gây sụt lún. TPHCM đang có nhiều khu vực bị sụt lún rất nặng, diễn biến theo từng năm như ở P.An Lạc, Q.Bình Tân. Trong khi đó, triều cường hiện nay đã lên đến 1m72. Có một số tuyến đường trước đây không bị ngập nhưng nay ngập là do đất sụt lún và đỉnh triều lên cao. Đỉnh triều có xu hướng ngày càng cao do biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nếu tình trạng khai thác nước ngầm vẫn tràn lan thì sụt lún và ngập là điều khó tránh khỏi”.
Theo tiến sĩ Lê Văn Trung, cách đây nhiều năm, ngành chức năng của TPHCM đã có các giải pháp cho vấn đề này nhưng sự quan tâm vẫn chưa đúng mức, chưa quyết liệt. Ngoài gây sụt lún, việc khai thác nước ngầm quá mức sẽ dẫn đến một hệ lụy nghiêm trọng, đó là sự xâm nhập mặn tầng nước ngầm. Khi nước ngầm bị hút cạn, tầng phía trên vừa bị lún, vừa bị nhiễm mặn sẽ dẫn đến tình trạng sa mạc hóa. Điều này sẽ phá vỡ sự phát triển bền vũng của một vùng đất.
“Chúng ta không cấm hẳn việc khai thác nước ngầm, bởi nước ngầm cũng là một nguồn tài nguyên quý, nếu không khai thác, nó sẽ chảy ra đại dương. Điều cần làm ở đây là đánh giá đúng lượng bổ cập nước ngầm để đưa ra mức khai thác hợp lý. Ví dụ, mức bổ cập là 500.000 m3/ngày đêm thì ta cho khai thác dưới con số này. Còn nếu cứ để khai thác tràn lan như hiện nay thì sụt lún, ô nhiễm hay xâm nhập mặn là tất yếu” - phó giáo sư - tiến sĩ Lê Văn Trung nhận định.
Con hẻm trên đường Võ Duy Ninh, Q.Bình Thạnh bị sụt lún
Còn theo tiến sĩ Lê Huy Bá, cách đây 20 năm, ông và các cộng sự đã có nhiều nghiên cứu về tác động của giếng khoan. Khi đó, nước máy còn hạn chế nên ở nhiều vùng như Bình Tân, Bình Chánh, Tân Bình, “nhà nhà dùng giếng khoan, người người dùng giếng khoan”. Ông nói: “Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa khai thác nước ngầm và sụt lún ở TPHCM. Những túi nước ngầm bị hút cạn sẽ gây ra sụt lún và suy giảm chất lượng nước. Theo tôi, ngoài hạn chế việc khai thác giếng khoan vô tội vạ, cần có chính sách hỗ trợ người dân trám lấp giếng khoan đúng cách vì nếu trám lấp bừa bãi, tác hại còn nghiêm trọng hơn. Kiểm soát việc khai thác nước ngầm bây giờ là hơi muộn, nhưng theo tôi vẫn còn kịp”.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, từ tháng 3/2021, sở đã đặt mục tiêu giảm lưu lượng khai thác nước ngầm 1.650m3/ngày đêm, đồng thời có tờ trình gửi UBND TPHCM xem xét, trình HĐND TPHCM chấp thuận chủ trương thực hiện “Đề án hỗ trợ kinh phí trám lấp giếng cho các hộ dân trên địa bàn TPHCM”. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số nhiệm vụ nhằm giảm khai thác nước dưới đất không thể triển khai hoặc bị chậm so với kế hoạch đề ra. Mới đây, sở tiếp tục kiến nghị UBND, HĐND TPHCM quan tâm, chỉ đạo, sớm phê duyệt đề án này.
Nguyên nhân người dân vẫn còn sử dụng hai nguồn nước
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện lưu lượng sử dụng nước thủy cục của các hộ dân đã có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, người dân ở một số quận huyện vẫn sử dụng hai nguồn nước do nguồn nước cấp ở một số khu vực còn hạn chế, chưa có mạng cấp nước cấp hai, cấp ba hoặc áp lực nước chưa ổn định.
Ngoài ra, người dân còn sử dụng hai nguồn nước để tiết kiệm chi phí, một số người không quen dùng nước máy do khó chịu với mùi clo. Theo quy định hiện hành, hộ dân sử dụng nước dưới đất không phải xin phép, không phải đăng ký. Hiện nay, các công trình khai thác nước dưới đất thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời hạn giấy phép từ 5-10 năm nên sở gặp khó khăn khi muốn đưa nhóm đối tượng này vào chỉ tiêu giảm khai thác nước ngầm hằng năm của TPHCM.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.