Nước Nga trang trọng kỷ niệm 95 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên đến Petrograd

17/05/2018 - 18:13

PNO - Ngày 17/5/2018, tại Điện Smolny, thành phố Saint Peterburg (Cộng hòa Liên bang Nga) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên đến Petrograd (tên cũ của thành phố Saint Petersburg).

Thành phố này được xem là cái nôi của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Tại đây, 95 năm trước, ngày 30/6/1923, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc đã lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga. Chuyến đi đã trở thành một biểu tượng lịch sử cho những thay đổi mang tính chất quyết định đến con đường cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng tổ quốc Việt Nam.

Nuoc Nga trang trong ky niem 95 nam ngay Bac Ho lan dau tien den Petrograd
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày Bác Hồ lần đầu đến Petrograd tại Điện Smolny (Ảnh: Tô Nguyễn)

Tham dự lễ kỷ niệm có ông Nguyễn Thiện Nhân- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; ông Huỳnh Thành Đạt- Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; bà Thân Thị Thư- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; ông Lê Thanh Liêm- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; ông Ngô Đức Mạnh- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền  Việt Nam tại Nga.

Phát biểu chào mừng, ông G. Poltavchenko- Thống đốc Saint Petersburg cho rằng, việc tổ chức Lễ kỷ niệm 95 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến Petrograd có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử hai đất nước, hai dân tộc.

Ngày 5/6/1911 từ bến cảng Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước 30 năm ròng, đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia để tìm ra con đường đúng đắn giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Đó là con đường đi theo lý luận cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, đi theo con đường của Cách mạng tháng Mười.

Nuoc Nga trang trong ky niem 95 nam ngay Bac Ho lan dau tien den Petrograd
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm (Ảnh: Tô Nguyễn)

Cũng chính ngay từ những ngày đầu tiếp cận với chủ nghĩa Mác- Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm đến nước Nga để có thể tìm hiểu sâu hơn về phong trào cộng sản và cách kết nối giữa phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam với cuộc cách mạng vô sản của nước Nga vĩ đại. Được sự giúp đỡ của các đồng chí cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với danh nghĩa là đại biểu dân tộc thuộc địa tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản, đã đáp chuyến tàu thủy Karl Lipnech cập cảng St.Petersburg vào ngày 30/6/1923.

Đó là lần đầu tiên Người đặt chân đến nước Nga.

Từ lần đầu tiên ấy năm 1923 đến năm 1938, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần đến nước Nga và đã có khoảng thời gian hơn sáu năm học tập và hoạt động tại đây, vừa truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin và lý luận con đường cứu nước vào Việt Nam; sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thành một đảng cách mạng chân chính với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn; tuyển chọn và giới thiệu cho Quốc tế cộng sản những sinh viên Việt Nam ưu tú đang học tại Trường Đại học Phương Đông để đưa vào chương trình đào tạo chuẩn bị nhân lực cho cách mạng Việt Nam.

Năm 1938, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời nước Nga, mang theo hành trang là chủ nghĩa Mác – Lê nin, đường lối của Quốc tế Cộng sản, chính sách, kinh nghiệm của Nhà nước Xô-viết, công tác đào tạo cán bộ của Ðảng Cộng sản Nga, lên đường về Tổ quốc, gánh vác sứ mệnh trọng đại mà lịch sử đã lựa chọn và giao phó.

Có thể nói sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do; thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, thống nhất nước nhà là những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh dẫn dắt dân tộc đi theo chân lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin.

Nuoc Nga trang trong ky niem 95 nam ngay Bac Ho lan dau tien den Petrograd
Các thành viên của đoàn công tác do bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM khẳng định: “Hơn 50 năm gắn bó với nước Nga, từ lúc tìm ra con đường Cách mạng cho đến lúc vĩnh biệt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải nghiệm và cảm nhận được những tình cảm chân tình và sự giúp đỡ to lớn của nước Nga Xô viết đối với cách mạng Việt Nam.

Người quý trọng tất cả những gì liên quan đến Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, đến V.I.Lê-nin, đến tình hữu nghị Việt – Xô.

Cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành trọn tấm lòng thủy chung son sắt, lòng biết ơn vô hạn đối với Lê-nin, Cách mạng Tháng Mười và nhân dân Liên Xô. Người nói: "Việt Nam có câu tục ngữ: "Uống nước nhớ nguồn". Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười".

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, ngay từ những năm đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, việc phát triển quan hệ với Liên Xô đã là một trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Liên Xô trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày 30/1/1950 cũng đã trở thành ngày kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga sau này.

Trải qua những biến động của lịch sử, quan hệ Việt Nam – Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay không chỉ tiếp nối được nền tảng tốt đẹp vốn có mà còn phát triển lên tầm cao mới.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam là ưu tiên củng cố và phát triển quan hệ với Liên bang Nga. Nước Nga cũng đẩy mạnh chính sách hướng Ðông, coi Việt Nam là cầu nối, điểm tựa để triển khai chính sách này. Tháng 7/2012, hai nước đã ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.

Nuoc Nga trang trong ky niem 95 nam ngay Bac Ho lan dau tien den Petrograd
Đoàn Đại biểu TPHCM tham dự Lễ kỷ niệm tại Saint Petersburg (Ảnh: Tô Nguyễn)

Tại buổi lễ, bí thư Thành ủy TP.HCM cũng bày tỏ sự xúc động khi được hồi tưởng lại những chặng đường lịch sử gian nan nhưng rất hào hùng mà 2 dân tộc đã trải qua, đồng thời nhấn mạnh “đây cũng chính là sứ mệnh cho những thế hệ kế tiếp, tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị lịch sử trong quá khứ để xây dựng và phát triển tương lai. Đó là lý do hôm nay chúng ta chứng kiến việc ký các thỏa thuận hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Saint Petersburg triển khai lộ trình hợp tác giai đoạn 2018-2020; Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Tổng hợp Saint Peterburg...”.

Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định mối quan hệ ngoại giao gắn bó keo sơn giữa hai đất nước, dân tộc Việt - Nga được thiết lập, tình hữu nghị gắn bó giữa Việt Nam - Liên Xô trước đây và Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay vẫn luôn luôn và mãi mãi bền chặt.

N. Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI