Nước Mỹ đã có thể giảm được 40% số ca tử vong do COVID-19?

11/02/2021 - 19:33

PNO - Báo cáo y khoa mới công bố nêu rõ, hàng trăm ngàn ca tử vong “không cần thiết” đã xảy ra ở Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, và lưu ý khoảng 40% số ca tử vong do đại dịch COVID-19 trong năm 2020 lẽ ra đã được ngăn chặn, nếu tỉ lệ tử vong của Hoa Kỳ tương đương với các quốc gia phát triển khác trên thế giới.

Một người đàn ông biểu tình phản đối việc ứng phó của ông Donald Trump khi đại dịch bùng phát tại Mỹ - Ảnh: The Guardian/Getty Images
Một người đàn ông biểu tình phản đối việc ứng phó của ông Donald Trump khi đại dịch bùng phát tại Mỹ - Ảnh: The Guardian/Getty Images

Báo cáo - được công bố hôm 11/2 trên một trong những tạp chí y khoa lâu đời nhất và nổi tiếng nhất thế giới, The Lancet - giải thích rằng ngay cả trước đại dịch, Hoa Kỳ đã chứng kiến ​​461.000 cái chết “không cần thiết” trong năm 2018, khi so sánh với tỷ lệ tử vong ở các quốc gia G7 khác (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Vương quốc Anh). So sánh tỷ lệ tử vong vì COVID-19 với nhóm đồng đẳng này, Mỹ sẽ có số ca tử vong ít hơn 40% vào năm 2020, nếu tỷ lệ tử vong của Mỹ tương đương các nước nhóm G7.

Báo cáo giải thích: "Đại dịch COVID-19 toàn cầu đã tác động không cân xứng đến Hoa Kỳ, với hơn 26 triệu ca nhiễm và hơn 450.000 trường hợp tử vong tính đến đầu tháng 2/2021, khoảng 40% trong số đó có thể đã được ngăn chặn, nếu tỷ lệ tử vong của nước Mỹ phản ánh tỷ lệ tử vong trung bình của các quốc gia G7”.

Cũng theo báo cáo, "nhiều ca nhiễm và trường hợp tử vong có thể tránh được. Thay vì hô hào người dân Mỹ chống đại dịch, Tổng thống Trump lại công khai bác bỏ mối đe dọa của nó (mặc dù về riêng tư thì ông thừa nhận), ông đã không khuyến khích cần có hành động khi lây nhiễm lan rộng và né tránh hợp tác quốc tế".

Tổng thống Donald Trump chơi golf tại Câu lạc bộ golf Quốc gia Trump vào ngày 26/11/2020, coi như không có chuyện gì xảy ra, khi đại dịch đã tràn lan khắp nước Mỹ - Ảnh: Newsweek/Getty Images
Tổng thống Donald Trump chơi golf tại Câu lạc bộ golf Quốc gia Trump vào ngày 26/11/2020, coi như không có chuyện gì xảy ra, khi đại dịch đã tràn lan khắp nước Mỹ - Ảnh: Newsweek/Getty Images

Mặc dù báo cáo cho rằng cựu Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm về các hành động của chính phủ Mỹ trong 4 năm qua, nhưng các tác giả cũng chỉ ra một loạt “các yếu tố tiêu cực” khác như biến đổi khí hậu, bãi bỏ một số quy định, chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao, thiếu bảo hiểm y tế, bất bình đẳng kinh tế và phân biệt chủng tộc.

Dưới thời ông Trump, thêm 2,3 triệu người không có bảo hiểm cộng thêm vào con số 28 triệu người Mỹ không có bảo hiểm khi ông nhậm chức. Trong số 2,3 triệu người đó có 726.000 trẻ em. Hơn nữa, khoảng cách tử vong giữa người Mỹ da trắng và người Mỹ da đen đã tăng 50% trong thời kỳ đại dịch, trong khi tuổi thọ của người Mỹ gốc Latinh giảm đi 3,5 năm.

Các tác giả của báo cáo là thành viên Ủy ban Lancet và bao gồm các bác sĩ và nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới. Tiến sĩ Steffie Woolhandler - một trong những tác giả làm việc với tư cách là bác sĩ chăm sóc và là giáo sư xuất sắc về sức khỏe cộng đồng và chính sách y tế tại Trường Y tế Công cộng CUNY - nói với Newsweek rằng Tổng thống Joe Biden đã "hành động mau lẹ" để giải quyết một số chính sách tồi tệ nhất của người tiền nhiệm, nhưng chính quyền mới vẫn cần làm nhiều hơn nữa.

Email của tiến sĩ Woolhandler nêu rõ: "Việc đảo ngược tình trạng sức khỏe tụt hậu trong nhiều thập kỷ của người Mỹ đòi hỏi những cải cách lớn hơn nhiều, bao gồm cả chương trình Chăm sóc y tế cho mọi người (Medicare for All); phân bổ để bồi thường cho người Mỹ bản địa và da đen bị tịch thu của cải và lao động; thông qua Thỏa thuận Xanh mới; tăng thêm hỗ trợ liên bang về dinh dưỡng, nhà ở, giáo dục và các chương trình khác cần thiết cho sức khỏe tốt”. Ông nhấn mạnh, “những nhu cầu xã hội này cần được tài trợ bằng cách cắt giảm chi tiêu quốc phòng và tăng thuế đối với người giàu”.

Tiến sĩ Mary Bassett, một thành viên khác của Ủy ban Lancet, đồng thời là giám đốc Trung tâm FXB về Sức khỏe và Nhân quyền của Đại học Harvard (Mỹ), lưu ý rằng báo cáo "nhấn mạnh khác biệt chủng tộc về sức khỏe đã tăng lên như thế nào trong 4 năm qua, đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 gây ra những cái chết nghiệt ngã và bất bình đẳng đối với người da màu, người Latinh và người bản địa”.

Hoàng Diệu (theo Newsweek, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI