Nước Mỹ có thể giành lại vai trò lãnh đạo khí hậu toàn cầu?

01/12/2020 - 10:43

PNO - Bước đi quan trọng đầu tiên của ông Biden là chọn cựu Ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên về khí hậu, và để lấy lại lòng tin của thế giới sau nhiệm kỳ “ly khai trào lưu khí hậu toàn cầu” của Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống đắc cử Joe Biden chọn cựu Ngoại trưởng John Kerry làm Đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ trong chính quyền mới - Ảnh: AP
Tổng thống đắc cử Joe Biden chọn cựu Ngoại trưởng John Kerry làm Đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ trong chính quyền mới - Ảnh: AP

Cựu Ngoại trưởng John Kerry là người “có công” đưa thế giới đến Thỏa thuận khí hậu Paris và mở rộng danh tiếng của Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo khí hậu toàn cầu, mặc dù danh tiếng đó giờ “đã tan thành mây khói”.  Tổng thống đắc cử Joe Biden đã yêu cầu ông Kerry xây dựng lại nó một lần nữa, lần này với tư cách là Đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ.

Đây là một sứ mệnh không dễ dàng, nhưng với kinh nghiệm nhiều thập kỷ và các mối quan hệ quốc tế gây dựng được khi còn là Thượng nghị sĩ và Ngoại trưởng, ông Kerry có thể có cơ hội đạt được tiến bộ thực sự, đặc biệt nếu công việc đó được tiến hành trên tinh thần hàn gắn các mối quan hệ hơn là "vạch tội” các nước khác.

Bốn năm qua, chính quyền Trump đã rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận quốc tế Paris về biến đổi khí hậu, quay lùi các chính sách được thiết kế để cắt giảm khí thải nhà kính và cố gắng ngăn chặn bất kỳ cuộc thảo luận nào về biến đổi khí hậu tại các sự kiện quốc tế như hội nghị thượng đỉnh G-7 và G-20.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế về cơ bản đã tiếp tục tiến lên phía trước. Nhiều quốc gia và khu vực đã cam kết đưa nền kinh tế của mình tiến tới mức phát thải khí nhà kính “bằng không” vào giữa thế kỷ này, trong đó có Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngày càng nhiều thành phố và địa phương trên thế giới đặt ra những mục tiêu khí hậu tương tự.

Việc thực hiện những cam kết quốc tế là nhiệm vụ quan trọng hiện nay và điều đó sẽ đòi hỏi một sự lãnh đạo, lập kế hoạch chi tiết và các bước đi ngoại giao cẩn trọng. Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng 11/2021 sẽ rất đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên các nước đánh giá tiến độ thực hiện Thỏa thuận Khí hậu Paris và họ sẽ tăng cường các cam kết của mình. Thế giới rất quan tâm khi ông Biden phát tín hiệu sẽ đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận Paris ngay sau khi ông nhậm chức.

Mỹ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Hành động cụ thể trong nước để giảm lượng khí thải của Mỹ sẽ là yếu tố quan trọng để lấy lại niềm tin và vị thế của nước này trên toàn cầu.

Năng lượng là trung tâm của thách thức khí hậu

Tác động của biến đổi khí hậu để lại dấu ấn rõ ràng trên toàn cầu, từ những đợt nắng nóng khắc nghiệt đến nước biển dâng cao. Năng lượng là trung tâm của thách thức khí hậu – mặc dù thách thức rất lớn, nhưng vẫn có hy vọng. Năng lượng mặt trời và điện gió đã trở thành những hình thức sản xuất điện rẻ nhất trên toàn cầu, và tiến bộ và đổi mới công nghệ tiếp tục diễn ra nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Tại Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Biden, luật khí hậu quốc gia dài hạn sẽ phụ thuộc vào việc ai kiểm soát Thượng viện và điều đó vẫn chưa ngã ngũ sau hai cuộc bầu cử vòng hai sắp diễn ra ở Georgia vào tháng Giêng năm 2021. Tuy nhiên, ông Biden có thể né tránh việc bị chặn lại ở Quốc hội bằng cách sử dụng các sắc lệnh hành pháp và chỉ đạo các cơ quan chính phủ thắt chặt các quy định về phát thải khí nhà kính; tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng sạch; và trao quyền cho các tiểu bang vượt quá tiêu chuẩn quốc gia, như California đã làm trước đây với các tiêu chuẩn khí thải ô tô.

Tập trung vào quá trình chuyển đổi công bằng cho các cộng đồng và những người bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nhiên liệu hóa thạch cũng sẽ là chìa khóa để tạo ra một quá trình chuyển đổi bền vững.

Ngoại trưởng Mỹ thời đó là John Kerry bế cháu gái khi ông ký Thỏa thuận khí hậu Paris vào năm 2016 - Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ thời đó là John Kerry bế cháu gái khi ông ký Thỏa thuận khí hậu Paris vào năm 2016 - Ảnh: AP

Vị trí của Hoa Kỳ với tư cách là nhà sản xuất và tiêu thụ dầu khí lớn nhất thế giới tạo ra những thách thức chính trị cho bất kỳ chính quyền nào. Các nỗ lực của Mỹ đối với an ninh năng lượng của châu Âu thường bị nghi ngờ. Mới đây, Pháp đã chặn hợp đồng trị giá hàng tỷ USD mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ vì lo ngại về các quy định hạn chế khí thải ở Texas.

Tăng cường hợp tác và đối tác với các quốc gia có cùng chí hướng sẽ là yếu tố quan trọng để mang lại sự chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn cũng như tính bền vững trong nông nghiệp, lâm nghiệp, nước và các lĩnh vực khác của nền kinh tế toàn cầu.

Tạo ra sự chuyển đổi bền vững toàn cầu

Cách thế giới phục hồi sau thiệt hại kinh tế do COVID-19 có thể giúp thúc đẩy sự thay đổi lâu dài trong hỗn hợp năng lượng toàn cầu.

Gần một phần ba trong gói cứu trợ kinh tế trị giá 2 ngàn tỷ USD của châu Âu liên quan đến các khoản đầu tư tốt cho khí hậu. Liên minh châu Âu cũng đang tăng cường các mục tiêu khí hậu năm 2030, mặc dù các kế hoạch về năng lượng và khí hậu của mỗi quốc gia sẽ rất quan trọng đối với thực hiện thành công kế hoạch chung hay không. Kế hoạch của ông Biden - bao gồm cam kết trị giá 2 ngàn tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng bền vững - phù hợp với quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, nhưng việc triển khai vẫn chưa chắc chắn.

Khi Tổng thống đắc cử Biden nhậm chức, ông Kerry sẽ tham gia các cuộc thảo luận cấp cao về chuyển đổi năng lượng tại Đại hội đồng LHQ và các cuộc họp khác của các nhà lãnh đạo quốc tế. Khi Mỹ không còn cản trở các vấn đề khí hậu, G-7 và G-20 sẽ có nhiều tiềm năng tiến bộ hơn về năng lượng và khí hậu.

Tô Châu (theo The World)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI