Nước mắt thầy trò vùng lũ

02/11/2020 - 07:04

PNO - Mất cha, mất mẹ, nhà bị chôn vùi, những đứa trẻ vùng bị sạt lở do mưa, lũ, bão đang phải hứng chịu quá nhiều đau thương, mất mát.

Cha mẹ, anh em đều mất 

Lê Thanh Tú - học sinh lớp 11, Trường phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My cùng Hồ Văn Hải - học lớp Mười cùng trường và bốn bạn khác trong nóc Ông Đề thuộc thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam được các thầy cô của trường đưa băng rừng, vượt nhiều điểm sạt lở trở về nhà sáng 30/10. 

Cả hai đều không thể tin khi trước mắt mình, ngôi làng gắn bó từ thuở mới lọt lòng đã trở thành một đống đổ nát, hoang tàn. Dưới chân đồi, nơi 11 nóc nhà quây quần bên nhau, giờ bị san phẳng, chỉ toàn bùn, đất, đá. Nhà cửa không còn gì. Tú và Hải đứng thẫn thờ trên đồi, nhìn xuống phía dưới, nơi hàng trăm người đang đào bới tìm người mất tích. Cả hai đã không còn nước mắt. 

Lê Thanh Tú gục đầu vào vai thầy Hồ Văn Việt khi nghe nhắc về cha - Ảnh: Đình Dũng
Lê Thanh Tú gục đầu vào vai thầy Hồ Văn Việt khi nghe nhắc về cha - Ảnh: Đình Dũng

Tú là con trai ông Lê Hoàng Việt - Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng - may mắn thoát chết trong vụ sạt lở. Tú còn nhớ rõ, sáng 28/10, ông Việt gọi điện dặn con trai ở yên trong trường. Nào ngờ, sau cuộc điện thoại đó, trận sạt lở kinh hoàng đã kéo ông Việt mất tích. Suốt những ngày qua, Tú không đứng nổi một mình, liên tục dựa đầu, ôm thầy Hồ Văn Việt - bí thư Đoàn trường. Thầy Việt đã cùng bảy thầy cô khác trong Trường phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My đưa các em về Trà Leng trong sáng 30/10.

Ai hỏi gì, Tú cũng im lặng, thỉnh thoảng gật, lắc đầu với đôi mắt đỏ hoe. Nghe ai nhắc về ông Việt, Tú ôm chặt lấy thầy để nén nỗi đau. Kế bên Tú, người bạn thân tên Hải cũng đang mang nỗi đau không thể diễn tả thành lời. Dưới lớp bùn đất mà lực lượng cứu hộ đang đào xới bên kia là tám người thân của Hải gồm cha mẹ, hai em trai, dì ruột và họ hàng. 

Thi thể của cha Hải - ông Hồ Văn Ton - đã được người dân tìm thấy sau vụ sạt lở một ngày. Gần nơi Hải đang đứng là nấm mồ được người dân dựng lên để an táng cho ông Ton. Hải không được nhìn thấy cha nữa sau lần gặp ngày 25/10. Đó là cuối tuần, Hải về thăm nhà. Trước khi đi, ông Ton dặn Hải lo học hành, đừng ham chơi. Bà Hồ Thị Thắm - mẹ Hải - kịp gói cho con trai thêm bộ đồ ấm để mặc lúc chuyển mùa. 

Con chữ mồ côi

Hình ảnh cô học trò lớp 11 Trường phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My quỳ gối gục đầu bên nấm mộ của cha mẹ đặt ở chân đồi sát vị trí sạt lở khiến người xem xót lòng.

Nhà Điệp nằm sát bên suối nhỏ trong nóc Ông Đề. Khi sạt lở xảy ra, cha mẹ em ở trong nhà và bị vùi lấp. Điệp có anh trai là sinh viên đang học ở Huế và em trai là học sinh trung học cơ sở. Thời điểm sạt lở, cả anh trai và em của Điệp không có ở nhà nên thoát nạn. Vậy là ba đứa con Trà Leng này đã mồ côi khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Học sinh ở xã Hướng Việt chưa biết ngày nào có thể đến trường
Học sinh ở xã Hướng Việt chưa biết ngày nào có thể đến trường

Sau vụ sạt lở, Tú, Hải, Điệp và nhiều học sinh khác ở Trà Leng đã trở thành những đứa con mồ côi, không nơi nương tựa, không còn nhà cửa. 

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - cho hay trước mắt, ban giám hiệu và các giáo viên sẽ sát cánh, động viên những học sinh có cha mẹ, người thân mất trong trận sạt lở ở Trà Leng. Về tương lai, sở sẽ cùng địa phương tính toán để các em được nuôi dưỡng, chăm sóc, học hành chu đáo nhất. 

Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng - cho biết nóc Ông Đề là khu dân cư lâu đời nhất ở thôn 1, xã Trà Leng, được ông Hồ Văn Đề - 85 tuổi, cha vợ của Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng - cắm mốc và dựng nhà từ hơn 40 năm trước. 

Bên kia núi, Hồ Văn Lan - cậu học trò nhỏ của lớp 10/2 Trường phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn - mất cha hồi năm trước, nay sụp đổ trước định mệnh nghiệt ngã lần nữa. Trận sạt lở núi tại thôn 3, xã Phước Lộc trưa 28/10 vừa qua đã cướp đi bà ngoại, mẹ và em gái của em trong ngôi nhà nhỏ. Lan kể, đứa em gái út vẫn ngóng Lan từng ngày, bởi Lan thường mua kẹo cho bé bằng số tiền mà mình dành dụm được. Trước bão một ngày, Lan định về nhà nhưng thầy cô khuyên nên ở lại trường, bởi mưa bão đang áp sát, nguy hiểm.

Hay tin dữ, cậu học trò chỉ biết gục mặt xuống bàn học, khóc suốt đêm. “Em chỉ muốn về nhà” - Lan nói, ánh mắt ngước lên như cầu xin người đối diện. Nhà chẳng còn nữa, nhưng Lan muốn về đó để nhìn lại một lần nữa, để ngồi ngóng tin của người thân.

Cô Phạm Thị Thứ - hiệu trưởng nhà trường - kể sau hôm đó, thầy cô đến động viên Lan nhưng em chỉ muốn ở một mình. Những người bạn cùng phòng thường ngày hay đùa giỡn với nhau cũng tìm mọi cách an ủi, nhưng Lan từ chối tất cả. “Hôm nay Lan mới ổn định trở lại một chút. Nhà trường vẫn theo sát em, vẫn động viên em từng ngày, từng giờ. Từ bây giờ, thầy cô thay người thân của em, trường nội trú là ngôi nhà của em” - cô Thứ nói. 

Cách nhà Lan vài chục mét là nhà của Hồ Thị Sơ. Sơ học trên Lan một lớp, đang là học sinh lớp 11/2 của trường. Tin dữ cũng đến với Sơ ngày hôm đó, vào khoảng 23g. Làng bị vùi lấp, cha mẹ mất tích. Sơ gục mặt vào gối khóc cạn nước mắt.

Mãi đến hôm 30/10, Sơ mới nhận tin cha mình đang được điều trị tại Trạm Y tế xã Phước Kim. Nghe người ta kể, cha Sơ thoát được vì ông đang làm ruộng, ngẩng lên thì thấy đất đá tràn xuống, vội chạy thục mạng vào rừng, hai ngày sau mới đến Trạm Y tế xã Phước Kim và được cấp cứu, trên người chi chít vết thương. 

“Người ta cũng nói mẹ em có thể chạy lạc trong rừng, chưa tìm thấy” - Sơ chỉ nói được đến đó rồi gục lên vai cô giáo Hoàng Thị Quỳnh Ly. Cô Thứ ngồi gần đó vội nháy mắt ra hiệu, như nhắc nhở mọi người, hãy để em tiếp tục hy vọng.

Cô Quỳnh Ly là Tổ trưởng Tổ Tư vấn tâm lý và Giáo dục kỹ năng sống của trường. Hai đêm liền, cô đưa Sơ về nhà mình ngủ với ý nghĩ, hơi ấm gia đình sẽ giúp em ổn định hơn, khi mẹ Sơ vẫn chưa rõ tung tích. Giờ tự học, Sơ lên lớp, cô Ly theo sát em, vỗ về và chìa vai ra cho Sơ khóc. 

Cô trò nhỏ khẩn khoản xin các thầy, cô cho mình về nhà. Nhưng lúc này, bốn bề sạt lở, ngay cả việc tiếp tế lương thực cũng khó. Thầy cô giáo trong trường đã hứa với Sơ và cả Lan, rằng khi trời dứt mưa, đường thông trở lại, chính thầy cô sẽ đưa các em về làng.

“Các em ở đây đều được hỗ trợ tiền ăn, tiền học và chi phí sinh hoạt. Nhưng nhà trường chỉ có thể nuôi các em ba năm học phổ thông. Thầy cô rất lo, quãng đường còn rất dài, ai sẽ giúp các em” - cô Thứ nói.

Tôi hỏi Lan ước mơ sau này sẽ làm gì, Lan đáp sẽ học nghề. “Học đến lớp 12 là đủ rồi. Em sẽ tìm một nghề phù hợp, sớm kiếm được tiền rồi gắng dựng lại ngôi nhà, có nơi để ba mẹ về” - Lan lại lần nữa cúi xuống. 

Các nhà hảo tâm, chính quyền sẽ không bỏ rơi những trường hợp như Lan, như Sơ. Nhưng, nỗi đau mà các em phải gánh sẽ còn đi với các em suốt quãng đời còn lại. 

Nhà, trường dày đặc bùn đất 

Sau ba giờ vượt qua quãng đường ngập bùn non, cuối cùng, chúng tôi đến được thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nơi 20 ngày qua, những bản làng của người Cơ Tu, Pa Cô bị cô lập do đất đá sạt lở. Lũ rút, hàng tấn bùn non khổng lồ phủ kín khắp nơi.

Đến thăm gia đình Hồ Thương ở thôn Xa Đưng, những người đi cùng chúng tôi không ngăn được xót xa khi nhìn cảnh bàn ghế, sách vở của hai đứa con chị Hồ Thương rách nát, nằm ngổn ngang sau lưng chuồng gà. Từ bên ngoài vào trong, căn nhà chẳng còn gì ngoài thùng mì tôm và mấy miếng lương khô đặt trên chiếc bàn cũ kỹ. 

Chị Thương kể, ngày nước lụt về, vợ chồng chị nhanh chóng đưa mấy cháu nhỏ sang tá túc bên trường học để bộ đội biên phòng chăm sóc, rồi quay lại nhà để thu dọn sách vở, chất lên mấy chồng ghế cao. Ngày lũ rút, cả gia đình trở lại nhà, nhìn những quyển sách, vở của Kăn Tin, Kăn Min bị bùn non phủ dày, ai cũng buồn.

Lũ rút, nhà Hồ Thương chẳng còn chi ăn. Mấy hôm nay, hai đứa đòi bỏ học, cũng may nhờ các anh bộ đội biên phòng đồn Hướng Lập đến động viên kịp thời, hai đứa hứa đi học trở lại. “Ở đây nhiều năm, chưa khi nào tôi thấy nước lũ cao, sạt lở đất núi như năm nay. Mấy ngày nay, nhờ có lương khô bộ đội cho, không thì cả nhà phải lên rừng đào củ sắn, củ chuối về ăn. Sách vở, áo quần giờ nước cuốn trôi, không biết lấy tiền đâu ra mà mua cho hai đứa đi học” - chị Thương buồn bã nói.

Bùn non ngập ngụa ở một điểm trường của xã Hướng Việt, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Thuận Hóa
Bùn non ngập ngụa ở một điểm trường của xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Thuận Hóa

Đại đa số học sinh tại các xã Hướng Lập, Hướng Việt là người dân tộc thiểu số, bình thường đã khó đến lớp, nay trường lớp tan hoang, các em nghỉ học dài ngày nên gia đình, thầy cô giáo, bộ đội biên phòng phải đến từng nhà vận động đi học. 

Để đến các điểm trường này, thầy cô hiện sinh sống ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa phải chạy xe quay ngược về huyện Cam Lộ rồi theo đường Hồ Chí Minh ra địa phận tỉnh Quảng Bình, sau đó vượt qua nhiều đường đồi núi, bùn đất để vào. 

Cô Lê Thị Hằng Nga - Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Việt - nói: “Nếu không có xe, đường sá vẫn còn sạt lở thì cả tháng nữa, nhà trường chưa thể khắc phục xong hậu quả lũ lụt. Ở mấy điểm trường bị sạt lở, đường đi còn rất khó khăn”.

Ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa - cho biết: “Mưa từ thượng nguồn đổ về cộng với lũ quét khiến nhiều xã vẫn đang bị cô lập do đường bị chia cắt, nhiều trường bị bùn đất sạt lở vùi lấp lớp học”.

“Trong điều kiện bị cô lập, để chia sẻ khó khăn với giáo viên đang công tác tại xã Hướng Việt, Hướng Lập, nhiều hộ đồng bào thiểu số đã tự nguyện tiếp tế bắp, lúa rẫy, gạo cho các thầy cô giáo. Tất cả đều mong sớm đón học sinh trở lại trường” - ông Đức thông tin.  

Bão lũ gây thiệt hại cho ngành giáo dục hơn 600 tỷ đồng

Theo báo cáo của Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, bão lũ từ ngày 6-29/10 đã làm các trường học ở miền Trung thiệt hại hơn 600 tỷ đồng, nhiều học sinh, cán bộ giáo dục thiệt mạng.

Các địa phương bị bão lũ tàn phá gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi, trong đó Quảng Bình thiệt hại nặng nhất với 100% học sinh phải nghỉ học, 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập, tổng thiệt hại ban đầu khoảng 382 tỷ đồng.

Quảng Trị bị thiệt hại về vật chất nặng thứ hai với khoảng 80 tỷ đồng nhưng đây là tỉnh có nhiều học sinh thiệt mạng nhất với một em bị đuối nước, ba em bị vùi lấp cùng một cán bộ giáo dục. Hai tỉnh khác cũng có học sinh bị đuối nước là Quảng Bình (hai em), Quảng Nam (ba em), Hà Tĩnh (hai em).

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục hỗ trợ ngành giáo dục miền Trung: “Cần nhiều thời gian mới có thể khắc phục hậu quả thiên tai. Nhưng lúc này, học sinh cần sách vở đến trường, cơ sở vật chất cần được khắc phục sớm để ổn định việc dạy và học”.

An Sinh

Đình Dũng - Thuận Hóa - Nguyễn Dương

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI