Những đứa trẻ không còn trở về
Con đường độc đạo nối từ trung tâm thị trấn Mù Cang Chải lên bản Kháo Giống (xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) - nơi chịu thiệt hại lớn nhất của cơn lũ lịch sử - bị chia cắt bởi những tảng đá khổng lồ sạt lở, cây cối đổ gãy. Nhìn từ dưới chân dốc, những nóc nhà lụp xụp còn sót lại ở Kháo Giống hiện lên ảm đạm, in vào nền trời xám xịt sau mưa.
Tiếng khóc vọng ra ngay từ ngôi nhà đầu bản của anh Giàng A Mùa và Mùa Thị Sua. Rạng sáng ngày 3/8, hai vợ chồng Mùa cùng cô con gái út mới được hai tuổi đang say giấc, chợt nghe ầm ầm như nổ mìn. Choàng tỉnh giấc, cảnh tượng chưa từng có hiện ra trước mắt họ là thác nước khổng lồ đang ầm ầm dội xuống hai bên sườn nhà với khoảng cách chỉ ước chừng 5 mét.
|
Nước mắt của người mẹ mất con ở bản Kháo Giống |
Sống sót thần kỳ giữa hai dòng thác, vợ chồng Mùa chưa kịp vui mừng thì sực nhớ ra con trai cả Giàng A Táng (SN 2007) và con trai thứ hai là Giàng A Phai (SN 2010) đều đi chăn trâu trên nương. Vì gặp trời mưa to nên Táng, Phai và mấy đứa trẻ chăn trâu trong làng cùng ngủ lại lán. Nào ngờ, đó lại chính là điểm đầu nguồn của cơn lũ, chỉ trong tích tắc, lũ đã cuốn phăng cả lều lán và những đứa trẻ đang còn ngủ say…
Ngày 4/8, thi thể của Phai đã được tìm thấy ở khu vực thủy điện Huôi Quảng (Than Uyên, Lai Châu). Từ khi nhận được thông tin đau xót này, Giàng A Mùa vẫn hàng ngày rời khỏi nhà trong nỗ lực vô vọng để tìm kiếm đứa con còn lại. Nấm mồ của Phai nằm ngay trên con đồi cạnh nhà. Ngày nào, Mùa Thị Sua cũng khóc cạn nước mắt nơi con thơ nằm xuống. “Thằng Phai vừa đi học lớp Một, kết thúc năm học vừa rồi, nó còn khoe được học sinh xuất sắc, vậy mà…” - Mùa Thị Sua nức nở.
Trong đám trẻ chăn trâu hôm ấy, còn có Giàng A Hứ, con trai bà Sùng Thị Cởi. Hứ vừa tốt nghiệp cấp II; hàng ngày, em vẫn thường phụ bố mẹ lên núi để chăn trâu. Chỉ một tuần nữa thôi, Hứ sẽ tiếp tục bước lớp 10, nhưng cơn lũ tàn khốc đã cuốn em đi. Tới giờ, vẫn chưa ai tìm được Hứ! Bà Sùng Thị Cởi tựa ở bậu cửa, hướng về cái lán trâu nơi bọn trẻ con thường ở lại, ánh mắt thẫn thờ.
Tang thương Kháo Giống
Dù may mắn không thiệt hại tính mạng, nhưng căn nhà của Giàng A Lẩu ở bản Kháo Giống đã bị cuốn phăng. Năm ngày nay, gia đình anh đang phải ở tạm tại trường học của xã Kim Nọi trong khi chính quyền địa phương và nhiều đoàn thể đang dốc mình để hỗ trợ người dân vùng lũ. Anh bần thần nhìn vào bộ cánh duy nhất còn sót lại: “Bao nhiêu năm dành dụm được một chiếc xe máy, một chiếc máy cày và căn nhà nhỏ, giờ bị lũ cuốn sạch”. Giàng A Lẩu hy vọng mau chóng tìm được địa điểm mới cư trú cho đám con nhỏ để thoát cảnh ăn mì tôm qua bữa, nhưng mỗi lần nhớ lại cảnh căn nhà bị cuốn trôi, anh không khỏi hoảng hốt, lo sợ…
Giống với gia đình anh Giàng A Lẩu, tại Kháo Giống, còn 5 gia đình khác bị hư hỏng nhà cửa, 63 công trình công cộng bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hỏng một phần sau cơn lũ… Trưởng bản Giàng A Sỹ, người đã từng được truyền tai những câu chuyện kể qua hàng trăm năm qua cho hay, chưa bao giờ, dân bản Kháo Giống lại trải qua một trận “đại hồng thủy” dữ dội đến như vậy. Bên cạnh người và nhà cửa bị cuốn trôi, toàn bộ cây trồng, thảo quả của đồng bào dân tộc Mông nơi đây cũng gần như mất trắng. Mất mát và đói nghèo không biết sẽ vẫn còn đeo đẳng theo họ bao lâu nữa…
Theo ông Đỗ Đức Duy - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cơn lũ ống, lũ quét lịch sử ngày 3/8 vừa qua đã để lại hậu quả nặng nề cả về người và của đối với người dân Yên Bái. Tới nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của 5 nạn nhân, còn 9 người vẫn mất tích. Yên Bái cũng đã tổ chức di dời 51 hộ dân bị mất nhà ở hoàn toàn tại các vị trí sạt lở mưa lũ đến nơi ở an toàn và bước đầu đảm được cuộc sống. Tuy nhiên, thời tiết hiện vẫn diễn biến phức tạp, nên tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các lực lượng cứu hộ tiếp tục di dời thêm 53 hộ với 247 nhân khẩu ở 10 địa điểm có nguy cơ sạt lở.
Báo Phụ Nữ trao 50 triệu đồng cho người dân ở xã Kim Nọi Ngày 8/8, báo Phụ Nữ TP.HCM đã ủng hộ 50 triệu đồng cho người dân bị thiệt hại tại xã Kim Nọi - nơi có sáu người chết và mất tích cùng hàng chục căn nhà bị hư hỏng, cuốn trôi sau cơn lũ lịch sử vừa qua. Số tiền này một phần được trích từ quỹ hoạt động xã hội từ thiện của báo, một phần do tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo trích tiền lương quyên góp, với hy vọng góp một phần nhỏ bé để chia sẻ nỗi đau và mất mát với đồng bào tại đây.
|
TP.HCM: Hỗ trợ xây 90 căn nhà cho bà con vùng lũ
Sáng 8/8, đoàn công tác của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM - làm trưởng đoàn, đã trực tiếp về vùng lũ quét ở thị trấn Mù Cang Chải (H.Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) thăm hỏi, trao số tiền hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cho đồng bào bị thiên tai.
|
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM và bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM trao tiền hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại ở vùng lũ |
Được biết, trong chuyến đi này, đoàn sẽ đến thăm hỏi, hỗ trợ tiền xây nhà cho bà con bị thiệt hại nặng do lũ ống, lũ quét tại ba tỉnh Tây Bắc gồm Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, mỗi tỉnh gồm 30 căn nhà (40 triệu đ/căn).
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái, đến sáng 8/8, tỉnh này đã nhận được gần 2,75 tỷ đồng, cùng nhiều hiện vật từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ khắc phục hậu quả bão lũ. Tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ trên 2 tỷ đồng, trên 10 tấn gạo, 2.800 thùng mì gói đến các hộ dân.
|
Tô Anh Hải (thường trú tại Yên Bái)